Mong chờ các giải pháp đột phá của Bộ GTVT

Hôm qua, 4-6, tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội trong phiên chất vấn, nội dung giải trình của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể được cử tri đặc biệt quan tâm theo dõi, bởi lẽ những bất cập, tồn tại của ngành GTVT trực tiếp liên quan đến cuộc sống của người dân.
Mong chờ các giải pháp đột phá của Bộ GTVT
Trả lời chất vấn về BOT chưa thuyết phục

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về thể chế và quá trình triển khai các trạm BOT thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GTVT hứa hẹn “sẽ xử lý nghiêm các tổ chức vi phạm, làm từ cái tâm để phục vụ tốt nhất cho người dân”. Đây là cách trả lời “tròn trịa”, nhiều cử tri theo dõi chất vấn đã không hài lòng. Nếu làm với tinh thần “phục vụ tốt nhất cho người dân”, có lẽ sẽ không xảy ra chuyện các tài xế đưa tiền lẻ và những lùm xùm không hay như đã xảy ra. Nếu vì người dân, sao có tới 17 dự án BOT đặt nhầm chỗ, trong đó có 9 dự án người dân không đi mà cũng phải trả tiền? 

Mới trước đó, VTV đã phát đi bản tin: Theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước, 67 trạm BOT phải giảm 200 năm thu phí so với mức đầu tư thực tế. Ai nghe cũng hết hồn. Tại diễn đàn sáng 4-6, đúng như đại biểu Hoàng Quang Hàm chất vấn: “Nghe bộ trưởng giải trình, chỉ toát lên là dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá rồi thuyết phục, như vậy đã vì lợi ích của dân chưa?”. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc giảm số năm thu là vì thời điểm 2010-2011 lãi suất ngân hàng cao, phải lập dự phòng phí cao, khi lãi suất giảm thì nguồn dự phòng phí này chưa sử dụng. Một đại biểu đã phản biện rằng “nếu dư khi quyết toán thì cắt ngay, sao phải chờ đến khi kiểm toán phát hiện?”.

Là cử tri, chúng tôi chia sẻ những khó khăn của ông Nguyễn Văn Thể khi đang ngồi “ghế nóng”, lúc ngành GTVT gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, giải quyết các tồn tại BOT, cử tri không mong nhận được lời hứa hẹn “giảm phí, giảm thu” hay “xin nhận trách nhiệm”. Cử tri không hài lòng vì cách tiếp cận vấn đề của lãnh đạo ngành vẫn còn chung chung, chưa nhìn nhận yếu kém, tồn tại và chưa mạnh dạn đề ra những giải pháp căn cơ để khắc phục. Điều mong chờ là những giải pháp đột phá để BOT “minh bạch hơn, trong sáng hơn”, như lời bộ trưởng từng nói.
TRỊNH QUỐC TÂM (quận 3, TPHCM)
 
Khắc phục tình trạng công nghệ ngành đường sắt lạc hậu


Tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt, nhấn mạnh  phải có chế độ chính sách đảm bảo cho công nhân gác chắn, lái tàu... yên tâm làm việc. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ, vấn đề quan trọng là phải khẩn trương khắc phục tình trạng công nghệ ngành đường sắt lạc hậu.

Thực tế cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt ở nước ta quá lạc hậu, cũ kỹ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt hệ thống đường ngang chằng chịt, khu dân cư sát với đường tàu chạy, nhiều toa tàu, đầu máy đã cũ, nên nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt luôn thường trực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến rất nhiều hành khách đã chia tay với tàu hỏa, doanh thu vận tải đường sắt bị sụt giảm. 

Những vụ tai nạn đường sắt vừa qua chính là hồi chuông cảnh báo về thực trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng, phương tiện đầu máy, toa tàu, đường ray… Đã đến lúc ngành đường sắt nước ta phải có những thay đổi một cách toàn diện về hạ tầng để trở thành phương tiện giao thông hiện đại, có độ an toàn một cách tuyệt đối, chứ không thể tiếp tục tính chuyện nhập các toa tàu cũ từ Trung Quốc. Nếu không sớm vào cuộc để khắc phục những nhược điểm, tồn tại, thì chắc chắn giao thông đường sắt nước ta sẽ thành nỗi bất an.
VĂN THI HOÀNG 
(Hội An, Quảng Nam)

Tin cùng chuyên mục