Mong giải thưởng Võ Trường Toản ngày càng mở rộng quy mô

Lần đầu tiên giải thưởng Võ Trường Toản được tổ chức tại TP Đà Nẵng, đánh dấu một bước phát triển, sự lan tỏa và thành công của giải thưởng sau 19 năm triển khai tại TPHCM.
Mong giải thưởng Võ Trường Toản ngày càng mở rộng quy mô

Lần đầu tiên giải thưởng Võ Trường Toản được tổ chức tại TP Đà Nẵng, đánh dấu một bước phát triển, sự lan tỏa và thành công của giải thưởng sau 19 năm triển khai tại TPHCM.

Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP Đà Nẵng, về công tác xét chọn giải thưởng tôn vinh nhà giáo lần đầu tổ chức tại đây.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Đà Nẵng

* PHÓNG VIÊN: Dịp 20-11 năm nay, giải thưởng Võ Trường Toản lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng nhằm tôn vinh 20 thầy cô có đóng góp cho ngành giáo dục. Vậy công tác xét chọn danh sách thầy cô đoạt giải lần này được thực hiện dựa trên những tiêu chí gì, thưa ông?

- Ông NGUYỄN ĐÌNH VĨNH: Giáo viên tham dự xét chọn giải thưởng Võ Trường Toản lần 1 năm 2016 là tất cả thầy cô giáo đang đứng lớp tại các trường thuộc các bậc học trên địa bàn TP Đà Nẵng, kể cả giáo viên đã nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội từ năm 2011 đến nay, hội đủ các tiêu chí mà hội đồng xét giải đề ra. Theo đó, các tiêu chí gồm: Am hiểu về nghề nghiệp; nắm bắt tốt các chủ trương, phương hướng của ngành; nhận thức sâu sắc về vai trò của ngành GD-ĐT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có uy tín trong tập thể sư phạm nhà trường, được đồng nghiệp tín nhiệm, tin yêu, được phụ huynh và học sinh kính trọng; có sáng kiến, giải pháp cụ thể nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, chất lượng chuyên môn được duy trì và giữ vững qua từng năm. Ưu tiên các giáo viên có tâm huyết và thâm niên gắn bó với nghề; có nhiều thành tích, đóng góp nổi bật cho ngành GD-ĐT.

* Thưa ông, các thầy cô đoạt giải thưởng Võ Trường Toản lần này là 20 người, trong khi tổng số danh sách đề nghị rất nhiều. Vậy công tác xét chọn có gặp nhiều khó khăn hay không?

- Trên cơ sở danh sách đề nghị của các đơn vị, trường học (39 giáo viên được đề nghị xét chọn), Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng đã tiến hành họp xét vào ngày 14-10-2016. Hội đồng xét chọn làm việc khoa học, khách quan, công tâm và đã bỏ phiếu kín để lựa chọn được 20 cá nhân điển hình nhất ở tất cả các bậc học. Ngành GD-ĐT TP đã cung cấp danh sách và báo cáo thành tích của 20 cá nhân đề nghị xét chọn cho phóng viên các báo đài và đăng trên trang thông tin điện tử của ngành. Đến thời điểm này, không xảy ra khiếu nại, tố cáo và được đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh ủng hộ, đồng tình, tạo tính động viên, lan tỏa cao.

Giờ học Vật lý với cô Phan Thị Hồng Loan của lớp 12/23 Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng)

* Sau khi giải thưởng lần này được tổ chức thành công tại Đà Nẵng, với tư cách là một người đứng đầu ngành giáo dục của địa phương, ông có ý kiến góp ý gì đối với ban tổ chức?

- Giải thưởng Võ Trường Toản được tổ chức tại Đà Nẵng lần này là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh nghề dạy học, tôn vinh những tấm gương giáo viên xuất sắc, có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển GD-ĐT của TP. Đằng sau 20 thầy cô giáo này là những bài học kinh nghiệm quý báu về nghề, là khát vọng dấn thân vì cộng đồng.

Với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục của TP Đà Nẵng, tôi mong muốn Báo Sài Gòn Giải Phóng, Công ty Prudential Việt Nam tiếp tục đồng hành với Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức giải thưởng Võ Trường Toản trong những năm tiếp theo, nhằm tôn vinh thêm nhiều hơn nữa những tấm gương nhà giáo xuất sắc tại khu vực miền Trung, mảnh đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học, có nhiều đóng góp nổi bật cho nền giáo dục Việt Nam.

* Xin chân thành cảm ơn ông!

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục