Một bước đi, nhiều lời chỉ trích

Trong dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 21-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định: “Sau 52 năm, đã đến lúc Mỹ thừa nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, vốn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và chiến lược của Nhà nước Israel và sự ổn định khu vực”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump . Ảnh: SCMP
Tổng thống Mỹ Donald Trump . Ảnh: SCMP

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay, giới chức nước này đang chuẩn bị một văn kiện chính thức để luật hóa việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan và Tổng thống Donald Trump có thể sẽ phê chuẩn văn kiện này vào tuần tới, khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thăm Washington.

Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981 nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận. Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) thống nhất công nhận vùng lãnh thổ này thuộc về Syria được thông qua năm 1967, kêu gọi Israel rút khỏi lãnh thổ chiếm đóng trong cuộc chiến 6 ngày cùng năm cũng như đề cập tới việc “không thể sáp nhập lãnh thổ thông qua chiến tranh”. HĐBA sau đó đã thông qua một nghị quyết vào năm 1973, tái khẳng định yêu cầu Israel rút quân, và một nghị quyết trong năm 1981 ( Nghị quyết 497 ) ủng hộ các biện pháp riêng rẽ nhằm phản đối việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan.

Có thể thấy, Tổng thống Donald Trump đã tặng Thủ tướng Israel Netanyahu món quà “hậu hĩnh” trước thềm bầu cử ở Israel vào tháng 4 tới, mặc dù trong một cuộc trả lời mạng tin Fox Business trước đó, ông Trump phủ nhận ý định công khai hậu thuẫn ông Netanyahu. Tuyên bố này cũng đảo ngược hoàn toàn chính sách của Mỹ hơn 50 năm qua tại khu vực, theo đó ủng hộ Nghị quyết 497. Nhiều khối, tổ chức và quốc gia như Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Trung Quốc, Nga... đã chỉ trích mạnh bước đi đơn phương của Mỹ. Tất cả đều cho rằng, sự thiên vị của Mỹ đối với Israel “hoàn toàn vượt quá luật pháp quốc tế”, rằng “những nỗ lực của Washington nhằm hợp pháp hóa các hành động bất hợp pháp của Israel sẽ chỉ dẫn đến bạo lực ở khu vực”… Dự kiến, HĐBA LHQ sẽ thảo luận vấn đề Cao nguyên Golan vào ngày 27-3 tới trong cuộc họp về việc nối lại nhiệm vụ của lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ giữa Israel và Syria tại Cao nguyên Golan.

Đã có lúc, mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Israel không ngăn cản Washington đóng vai “người môi giới trung thực” ở Trung Đông, nhất là khi Israel có những hành động không phù hợp với quy tắc chung, luật pháp quốc tế và gây tranh cãi. Tuy nhiên, tình trạng đó đã chấm dứt kể từ khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng, mang theo những chuẩn mực rất khác, bất chấp hậu quả, không đếm xỉa đến phản ứng và sự hiểu biết về các vấn đề. Ngay cả lời khẳng định không liên quan tới bầu cử Quốc hội Israel ngày 9-4 tới cũng bị đánh giá là để lộ sự thiếu hiểu biết, hoặc coi người đối thoại là những kẻ ngốc.

Với cách tuyên bố về Cao nguyên Golan, ông Donald Trump cho rằng, mình đã giải quyết một trong những tranh cãi về cuộc xung đột dai dẳng này. “Không có tổng thống nào đã làm điều này”, ông Trump nhấn mạnh như thể đó là tiêu chí đánh giá cho việc giải quyết vấn đề phương Đông phức tạp. Đơn giản đến dễ dãi!. Người ta hoàn toàn có thể sợ rằng Tổng thống Mỹ sẽ chưa dừng ở đây. Nguy hiểm hơn, các cường quốc khác giờ có thể được truyền cảm hứng từ những quyết định đơn phương và đột ngột của ông Donald Trump, bỏ qua luật pháp quốc tế để lần lượt theo đuổi sự cân bằng quyền lực.

Tin cùng chuyên mục