Một ngày cuối năm

Vượt qua cầu Kênh Tẻ, xe tôi bon bon trên đại lộ Nguyễn Văn Linh. Bỏ lại sau lưng cảnh chật chội của phố phường quận 4, tôi thấy bầu trời trên đầu mình bỗng cao hơn, có cái cảm giác như được hòa mình vào đất trời phóng khoáng phương Nam và thấy tâm hồn nhẹ thênh như lạc vào một vùng đất khác.
Cầu Nguyễn Văn Cừ, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cầu Nguyễn Văn Cừ, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hình thành trên vùng đất sình lầy vùng ven Nhà Bè, nối TPHCM với vùng đất trù phú miền châu thổ sông Cửu Long, đại lộ Nguyễn Văn Linh là một trong những biểu tượng đổi mới. Cùng với đại lộ này, đã ra đời một khu đô thị hiện đại vào bậc nhất Việt Nam - khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Mảnh đất đầy cỏ dại và dừa nước thời chế độ cũ đã trở thành mảnh đất xôi mật. Hàng loạt cây cầu nối qua vùng đất này: Tân Thuận 2, Khánh Hội, Kênh Tẻ, Calmette, Nguyễn Tri Phương đã biến cái không thể thành cái có thể. Thành tựu của đổi mới hiện hình bằng xương bằng thịt có thể sờ mó được gắn liền với tên tuổi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người cùng Tổng Bí thư Trường Chinh khai sinh ra đường lối đổi mới của Đảng.

Nhưng trước đó, tư tưởng đổi mới đã bắt đầu từ mạch sống nhân dân. Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu - mang trong bản thân nó một ý nghĩa triết lý sâu xa, một ý nghĩa giải phóng về mặt tư duy sâu sắc. Tự cứu mình, đã thúc đẩy mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc phá bỏ những barie vô hình, những vòng kim cô để tìm đến chân lý thực tiễn, chân lý đời sống. Hơn ở đâu hết quan điểm cởi trói tư duy… là minh chứng hùng hồn cho câu nói của Geothe: Mọi lý thuyết đều màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi. Chính sức sống từ thực tiễn đời sống đã được những người con kiệt xuất của Đảng như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt... tiếp thu và biến nó thành đường lối của Đảng. Chúng ta đã dũng cảm nhìn vào những sai lầm của mình, dũng cảm vượt qua những giáo điều về một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực xơ cứng, xa rời cuộc sống. Đường lối đổi mới, suy cho cùng là điều chỉnh lý thuyết về sự phát triển, đưa con tàu dân tộc đi vào đúng quy luật của nó, bước vào Đại lộ Nhân dân. Đường lối đổi mới đơm hoa kết trái rực rỡ hơn mấy chục năm qua là nhờ thế.

Phá bỏ những xiềng xích trong tư duy, huy động chất xám của toàn dân, nỗ lực thực hiện hòa hợp dân tộc, TPHCM có thể coi là thành phố đi đầu trong sự nghiệp đổi mới. Nhạy cảm với cái mới, không bó tay chịu trói trước những giáo điều, tư duy luôn năng động lại là nơi tiếp thu sớm nền kinh tế thị trường, thành phố là người lính tiên phong trên lộ trình phát triển của đất nước. Nhưng con đường không phải là thảm đỏ trải đầy hoa. Cuộc cách mạng nào cũng là cơn đau đẻ kéo dài. Đó là những tháng năm vật vã lột xác để sinh hạ ra một cuộc sống mới gắn liền với những cái tên Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… và hàng triệu người dân cả phía bên này và phía bên kia. 

Lòng yêu nước không phải là độc quyền của riêng ai. Những giáo điều tư duy rốt cuộc đã khuất phục trước sức sống của thực tiễn. Trái tim Danco được đốt lên tự máu huyết nhân dân, hiện thân thành đường lối đã soi đường để chúng ta bước tới. Hơn ở đâu hết, ở thành phố mang tên Người, chân lý lại một lần nữa được khẳng định: Sức mạnh của Đảng trước hết bắt đầu từ sức mạnh của đời sống, của nhân dân, khi Đảng nói tiếng nói của nhân dân. Như chàng Angte sẽ mất hết sức mạnh khi đôi chân không còn bám vào đất mẹ, Đảng sẽ tự tiêu vong nếu đánh mất mối liên hệ máu thịt với nhân dân. Bởi, không nói được tiếng nói nhân dân, Đảng không có lý do để tồn tại…

Tôi lắng nghe tiếng bánh xe lướt gió dưới chân mình. Qua Phú Mỹ Hưng, phía trước là Khu chế xuất Tân Thuận, một trong những khu công nghiệp đầu tiên của đất nước, niềm tự hào của người dân TPHCM. Nhưng không chỉ có thế, sau Tân Thuận, thành phố còn nhiều khu công nghiệp khác quy mô và bề thế không kém như: Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghệ cao TPHCM, Khu Y tế kỹ thuật cao Bình Tân, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM ở Củ Chi… Và quanh đại lộ Nguyễn Văn Linh mà tôi đang đi qua, chỉ kể tên công trình người nghe đã thấy choáng ngợp: đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên…

Sẽ còn rất nhiều công trình khác ngày càng nâng lên tầm vóc của TPHCM. Không chỉ lớn ở quy mô hơn 8 triệu dân, ở diện tích của thành phố lớn nhất nước; không chỉ ở mức GDP và đóng góp tổng sản phẩm quốc dân lớn vào nền kinh tế quốc gia, ở mức thu nhập đầu người và đời sống người dân cao; đóng góp quan trọng của thành phố mang tên Bác là vai trò đầu tàu thúc đẩy tiến trình phát triển, những mô hình tìm tòi trên con đường đưa đất nước vươn ra biển lớn. TPHCM không chỉ đi trước và về đích trước như lời nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, mà đang vì cả nước, cùng cả nước đưa con tàu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020.

Vâng! Vì cả nước, cùng cả nước, thành phố mang tên người con ưu tú của nhân dân đang minh chứng sức sống bất diệt của một vùng đất, một dân tộc. Sức sống ấy như mạch ngầm chảy suốt hàng ngàn năm lịch sử đã thăng hoa trong thời đại Hồ Chí Minh. Sẽ còn vô vàn chông gai trên con đường vượt vũ môn để hóa rồng nhưng đất nước đang đứng trước cơ hội bằng vàng. Vấn đề là phải vượt qua cái ao làng của lối suy nghĩ tiểu nông, nâng đất nước ngang tầm thời đại, triệt để xóa bỏ tư duy bảo thủ, giáo điều, những quan điểm xơ cứng về một thứ chủ nghĩa xã hội duy ý chí, bất chấp chân lý đời sống.

Đổi mới triệt để cơ chế quản lý đất nước để thâu thái được tinh hoa của nhân loại. Phát huy trí tuệ của nhân dân, tạo điều kiện cho mỗi ai “mang một Rafael trong người đều được tự do phát triển” như cách nói của Friedrich Engels, chúng ta sẽ rút ngắn được con đường đưa đất nước trở thành rồng. Hiểu thấu tức là sánh ngang - một nhà triết học đã nói như thế. Chỉ có hiểu thấu quy luật, hiểu thấu lòng dân mới có thể sánh ngang, và do vậy làm chủ quy luật. Và, cũng chỉ có làm chủ quy luật, mới cho phép chúng ta thoát khỏi bát quái trận đồ của căn bệnh ấu trĩ tả khuynh, say sưa chống lại mình như kẻ thù đã từng chống lại chúng ta. Tự nhiên, tôi nhớ đến câu nói bất hủ của Lê-nin: “Không gì có thể ngăn nổi bước đi của người cộng sản trừ phi người cộng sản tự chống lại mình” và chợt mỉm cười.

Gió đông Nam vẫn chưa ngừng thổi. Hoàng hôn đang cháy rực ở phía chân trời. Trong buổi chiều cuối năm, cậu lái xe đưa tôi vòng qua đường Nguyễn Tất Thành và dừng xe trước Bến Nhà Rồng. Tôi mở cửa bước ra và chợt nghe một tiếng còi tàu vang lên da diết trên khoảng không rộng lớn của sông Sài Gòn. Từ đây, nơi Bác vượt biển ra đi tìm đường cứu nước, sang đại lộ Nguyễn Văn Linh chỉ vài cây số nhưng cả dân tộc đã phải đi qua trăm năm lịch sử đầy máu và nước mắt. Máu xương các thế hệ không đổ ra vô ích. Đất nước đang gặt hái những vụ hoa thơm trái ngọt đầu mùa. Và không chỉ lịch sử trăm năm. Trước đó, bao thế hệ con dân đất Việt đã “Hành phương Nam” mở ra một vùng đất đai trù phú cho Tổ quốc. Tôi như thấy mắt mình mờ đi. Thấp thoáng trước mắt tôi là hình ảnh những người dân ấp dân lân tay phảng lưng trần đi khai sơn phá thạch. Cả cái cảnh “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lền như bánh canh” của vùng đất mới phương Nam. Tôi như đang nghe đâu đây tiếng những người dân ngang tàng, trượng nghĩa hào sảng đang ngân nga giọng ca buồn của 6 câu vọng cổ. Rồi tất cả bỗng nhòa đi. Trong đầu tôi chỉ còn vang vọng câu thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ - câu thơ đã làm day dứt tâm tư bao thế hệ con người:

Có ai về Bắc ta đi với
Thăm lại giang sơn giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long 

Tin cùng chuyên mục