Một người đạp ga, ba người đạp thắng

Khi góp ý đề án thí điểm chính quyền đô thị, nhiều ý kiến cho rằng, trong bộ máy chính quyền hiện nay, cơ chế tuyển chọn, sử dụng, quản lý và bổ nhiệm cán bộ đã trở nên lỗi thời, dẫn tới thực trạng “một người đạp ga, ba người đạp thắng”. Hệ quả là chẳng những làm thui chột động lực phấn đấu của cán bộ, công chức, mà còn làm người giỏi, người tài mai một dần theo năm tháng.

Khi góp ý đề án thí điểm chính quyền đô thị, nhiều ý kiến cho rằng, trong bộ máy chính quyền hiện nay, cơ chế tuyển chọn, sử dụng, quản lý và bổ nhiệm cán bộ đã trở nên lỗi thời, dẫn tới thực trạng “một người đạp ga, ba người đạp thắng”. Hệ quả là chẳng những làm thui chột động lực phấn đấu của cán bộ, công chức, mà còn làm người giỏi, người tài mai một dần theo năm tháng.

Nhìn vào thực trạng đội ngũ có thể thấy, tư duy của cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Thể hiện rõ nhất là động lực phấn đấu. Hiện nay, công chức khi được nhận vào làm việc được xem như bảo đảm việc làm suốt đời. Trừ khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, công chức không thể bị sa thải, cho dù có chậm trễ, thiếu óc sáng tạo, hay thiếu trách nhiệm trong công việc. Công chức nào có óc sáng tạo, làm việc năng động và lỡ có làm sai rất dễ bị kỷ luật, song làm tốt thì không mấy khi được thưởng, hoặc có thưởng cũng không xứng đáng, thậm chí còn bị đố kỵ, nghi ngờ “có gì đó thì mới sốt sắng như thế”. Thành ra, công chức có ít động lực để giúp đỡ doanh nghiệp, người dân khi làm thủ tục hành chính, điều mà chúng ta thường phê phán những công bộc của dân có thái độ vô cảm. Tất nhiên, còn nhiều công chức không vô cảm, nhưng nếu chỉ kêu gọi lương tâm và trách nhiệm chung chung của công chức thì chưa đủ để tạo động lực cho đội ngũ công chức phát triển tư duy phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Liên quan đến vấn đề động lực là vấn đề ngạch và bậc chuyên viên - hay còn gọi là “sống lâu lên lão làng”. Thước đo để nâng lương, nâng ngạch, xét bổ nhiệm là thời gian làm việc tại cơ quan. Ai làm việc lâu đương nhiên được xét ưu tiên đi công tác nước ngoài, được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo. Điều này trở thành tâm lý chung của công chức, định hướng cách thức cơ cấu cán bộ của các đồng chí trưởng phòng tổ chức. Khi một người còn trẻ được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, tất nhiên sẽ làm những người lớn tuổi hơn, công tác lâu năm hơn chạnh lòng. Vì thế, nếu không bổ nhiệm những người lớn tuổi làm lãnh đạo thì họ sẽ không hài lòng, dẫn đến kéo bè kéo cánh chống đối, mà lãnh đạo lại không sa thải họ được.

Sự lấn cấn giữa tình và lý như vậy khiến các vị lãnh đạo, làm công tác tổ chức bối rối, không biết xử sự thế nào cho phải. Cuối cùng, giải pháp được lựa chọn nhiều nhất là chọn các cán bộ lớn tuổi, ít mắc khuyết điểm vào vị trí lãnh đạo để “giữ đoàn kết nội bộ”. Nếu mở một cuộc điều tra nhiều ban ngành, địa phương thì không khó để nhận thấy rằng, đa số lãnh đạo các phòng ban đồng thời cũng là những cán bộ lớn tuổi nhất trong phòng, ban đó. Điều đáng lo ngại là người ít mắc khuyết điểm phần đông lại là người ít chịu động não, suy nghĩ, dĩ hòa vi quý…

Do vậy, nếu áp dụng cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ công chức theo đề án thí điểm chính quyền đô thị, điều này chắc chắn sẽ giảm bớt rất nhiều kiểu làm việc như trên đang phổ biến trong đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.

LÊ HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục