Mùa điên điển trổ bông

Như đã hẹn với nhau, khi bông điên điển nở vàng rực thì cũng là lúc những đàn cá linh theo dòng nước lũ đổ về, tràn vào khắp các con sông, ao rạch.
Năm nào cũng vậy, cứ tầm tháng 7, tháng 8 âm lịch là mùa nước nổi tràn về trên khắp vùng đồng bằng châu thổ. Cùng thời gian này, nước sông cũng bắt đầu dâng lên, cộng thêm những đợt mưa dữ dội suốt đêm ngày khiến những bờ đê ranh giới gần như bị xóa mờ, chỉ còn lại những cánh đồng nước, trắng mênh mông đến tận chân trời. Đấy cũng là bắt đầu mùa điên điển trổ bông. 
Cây điên điển thuộc họ đậu thân xốp, dáng hình mảnh mai yếu ớt nhưng thật lạ là nước dâng đến đâu, điên điển kiên cường vươn mình theo đến đó. Trên trời mưa như trút, dưới sông nước cuồn cuộn, nhưng điên điển với sức sống mãnh liệt chỉ oằn mình đôi chút. Và thật diệu kỳ, từ những bụi cây mỏng manh, những chùm hoa vàng bắt đầu hiện ra rạng rỡ trên những cánh đồng. Điên điển nở vàng rực khắp các triền đê, rạch ven sông, người dân chỉ cần chống xuồng một đỗi theo các bờ rạch là hái đầy cả rổ, ăn không hết. Không chỉ góp phần điểm trang thêm hương sắc cho bức tranh cánh đồng bạt ngàn vào mùa nước nổi, đối với những người con miền Tây xa xứ, bông điên điển còn là món đặc sản mang đậm phong vị đồng quê rất đặc trưng, còn là những ký ức đẹp không thể mờ phai qua bao thế hệ. 
Mùa điên điển trổ bông ảnh 1 Mùa bông điên điển
Với người dân miền sông nước, việc kiếm con cá, nắm rau cho bữa cơm hàng ngày thường là không khó. Những ngày nước nổi, bắt con cá con tôm còn dễ dàng hơn, đặc biệt là cơ hồ cả rừng rau lúc nào cũng tươi xanh. Như đã hẹn với nhau, khi bông điên điển nở vàng rực thì cũng là lúc những đàn cá linh theo dòng nước lũ đổ về, tràn vào khắp các con sông, ao rạch. Từ những thứ sẵn có này đã giúp người dân có thêm nhiều món ăn độc đáo, với phong vị hương đồng gió nội mà không nơi nào có được. Nào bần ổi, kèo nèo; nào bông súng, cá linh và đặc biệt không thể thiếu bông điên điển - những sản vật thơm ngon mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho người dân nơi đây, chừng như là cách để phần nào bù lại cho những bất tiện, cơ cực ngày mưa lũ. Giờ đây, điên điển đã giúp không ít người dân kiếm thêm chút thu nhập mùa nước nổi, đã trở thành đặc sản trong nhiều quán ăn, nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, tuy nhiên không phải nơi nào cũng có được món này. 
Mùa điên điển trổ bông ảnh 2 Như đã hẹn với nhau, khi bông điên điển nở vàng rực thì cũng là lúc những đàn cá linh theo dòng nước lũ đổ về
Bà con miền Tây thường hái bông điên điển vào buổi chiều, để trừ hao lúc tinh sương bông vừa hé nở kịp cho buổi chợ sớm mai. Mùi vị của điên điển cũng khá đặc biệt, nhẫn nhẫn, đăng đắng, nhai lâu thì cảm nhận được vị ngọt và bùi bùi đan xen đậm đà nơi đầu lưỡi, không lẫn vào đâu được. Tuy có mùi vị lạ lùng nhưng điên điển rất dễ kết hợp với những món ngon khác. Có thể dùng bông điên điển như rau ăn sống chấm nước cá kho, trộn gỏi, nấu canh chua cá linh, lẩu chua với các loại cá. Sau một ngày làm việc nặng nhọc, vất vả, cảm giác bữa cơm chiều với tô canh chua cá lóc nấu bông điên điển cũng giống như một phần thưởng tinh thần người ta tự thưởng cho mình vậy. Đặc biệt nếu đã một lần về miền Tây, ai không thưởng thức qua món bánh xèo bông điên điển thì coi như.. mất nửa cuộc đời. Rau vườn nhà vừa phong phú vừa sạch tự nhiên, tép ruộng đã có sẵn, kèm theo miếng thịt ba chỉ đúng chuẩn, bột và nghệ nữa là có ngay món bánh xèo bông điên điển vô cùng đặc biệt. 
Ngày trước, bông điên điển nhiều vô kể, không hái thì bỏ phí, hái nhiều ăn không hết để lâu sẽ bị hư úng nên người dân phát kiến ra món mới: bông điên điển muối chua. Mới đầu chỉ với ý định là thêm một cách chế biến để bông bảo quản được lâu hơn, nhưng không ngờ điên điển muối chua lại có vị ngon ngoài sức tưởng tượng. Món này đặc biệt hợp gu khi ăn kèm với các món như thịt nướng, ếch nướng hay cá lóc nướng trui - mà các lão nông vẫn hay dân dã khoát tay “ngậm mà nghe”, bởi không từ nào có thể tả nổi. Trên ghe chiều lãng đãng, nhóm bếp than hoặc chỉ cần vài nhánh củi khô, bắt con cá lóc nướng trui ăn với điên điển muối chua, kèm bông súng, kèo nèo thêm chai rượu đế, có lẽ dễ khiến người phương xa quên cả lối về. Bởi vậy, dân gian mới truyền nhau câu “Điên điển mà đem muối chua/ Ăn kèm cá nướng đến vua cũng thèm”. Đâu đó còn là cái cốt cách hào sảng, phóng khoáng của đất và người Nam bộ, nét văn hóa đậm đà từ thời khẩn hoang lập ấp. 
Khoảng tháng 11 âm lịch khi lũ dần rút, điên điển lại đến lúc tàn một mùa hoa, kết trái chờ đợi cho mùa sau. Loài cây dân dã, không cần chăm sóc cũng không cần bón phân, phun thuốc vẫn đều đặn đến với người dân mỗi năm một mùa như thế. Có người bảo rằng, mỗi năm chỉ đến với người dân một lần vào mùa nước nổi, cây điên điển bằng những chùm bông vàng rực rỡ của mình như muốn dâng hết tuổi xuân và trao trọn niềm yêu thương cho người, cho đời.

Tin cùng chuyên mục