Múa rối nước vào cuộc thi chế tạo robot của sinh viên

Dù chỉ là cuộc thi với quy mô nhỏ được tổ chức trong Khoa Cơ khí chế tạo máy (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) nhưng các tiết mục robot múa rối nước đã thu hút rất nhiều sinh viên trong trường tới xem. Các tiết mục hấp dẫn ở chỗ đưa ý tưởng chế tạo robot khi ứng dụng tự động hóa vào nghệ thuật truyền thống.
Múa rối nước vào cuộc thi chế tạo robot của sinh viên

Dù chỉ là cuộc thi với quy mô nhỏ được tổ chức trong Khoa Cơ khí chế tạo máy (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) nhưng các tiết mục robot múa rối nước đã thu hút rất nhiều sinh viên trong trường tới xem. Các tiết mục hấp dẫn ở chỗ đưa ý tưởng chế tạo robot khi ứng dụng tự động hóa vào nghệ thuật truyền thống.

Khơi gợi đam mê

Trong buổi trình diễn tối ngày 23-12, chúng tôi khá bất ngờ khi biết đó là mô hình robot của những em sinh viên năm nhất, chỉ mới nhập học hơn 2 tháng, môn Nhập môn chế tạo máy do PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Chế tạo máy, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đứng lớp.

Lẽ thông thường, sinh viên năm nhất sẽ được học những môn đại cương nhưng với sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo máy, các em được làm quen với nghề ngay từ buổi học đầu tiên nhằm tạo sự đam mê và xóa bỏ định kiến về giáo dục Việt Nam nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. “Trong buổi học đầu tiên, chúng em còn chưa có kiến thức căn bản về chế tạo máy mà thầy đã giao đề tài cho cả lớp chế tạo robot với 2 chủ đề, một là múa rối nước, hai là robot giáng sinh và sẽ “thu hoạch” bằng một cuộc thi nhỏ trong khoa. Lúc ấy cả lớp đơ ra bởi không biết sẽ phải làm thế nào, làm từ đâu? Nghe thầy bảo học gì thì làm nấy, vậy là tụi em bắt tay vào làm, càng làm càng mê”, sinh viên Lý Gia Thịnh cho biết.

Thực hành robot múa rối nước tái hiện Sự tích Hồ Gươm

Sáng học lý thuyết, chiều cả nhóm tập trung lại để làm, sau 3 tuần với nhiều tranh luận sôi nổi, với nhiều ý tưởng và đặc biệt là mất nhiều thời gian, gần 30 công trình robot múa rối nước và 50 robot về giáng sinh của Khoa Cơ khí chế tạo máy (khóa K16) hoàn tất.

Nổi bật trong số đó là tiết mục robot múa rối nước tái hiện Sự tích Hồ Gươm của nhóm 5 bạn sinh viên lớp Thiết kế công nghiệp. Đó là tạo hình thuyền rồng chở vua Lê Lợi, rùa thần được sử dụng bằng vật liệu composite, đồ nhựa tái chế và gỗ vụn, mút xốp với mạch thu phát RF (tần số vô tuyến) để điều khiển bằng một remote.

Nói về ý tưởng của nhóm mình, sinh viên Nguyễn Đăng Khoa kể: “Ban đầu tụi em đưa ra rất nhiều ý tưởng và tự đặt ra mục tiêu phải đáp ứng được cả yếu tố công nghệ và truyền tải được nội dung, ý nghĩa của màn trình diễn. Nào là tái hiện câu chuyện rùa và thỏ, rồi vở cải lương Tiếng trống Mê Linh. Tuy nhiên, khi thực hiện, chúng tôi thấy các động tác của nhân vật trong những câu chuyện này khá đơn điệu nên cả nhóm mới nảy ra ý tưởng về sự tích Hồ Gươm, với hình ảnh vua Lê Lợi được trao gươm thần”.

Chế tạo robot đã khó, để nó hoạt động được dưới nước, với những sinh viên năm nhất còn khó khăn hơn. Từ khâu lựa chọn vật liệu, tạo hình, giữ cho mạch RF khô, giữ cho tạo hình thăng bằng trên mặt nước và để nó hoạt động được theo ý muốn của mình, các bạn phải lê la cả tuần trong xưởng gỗ, thiết kế từng khớp nối để tạo hình cử động mềm mại; là những buổi cả nhóm dạo chợ Dân Sinh để tìm những mạch linh kiện; là hàng chục cuộc thử nghiệm thất bại...

Tuy không phức tạp như robot tái hiện Sự tích Hồ Gươm, nhóm của Nguyễn Hoàng Tân (sinh viên lớp Thiết kế công nghiệp) lại tự viết lên câu chuyện của riêng nhóm mình, đó là câu chuyện “Rắn hóa Rồng”. Vật liệu chủ yếu là mút xốp và mạch RF, cả nhóm còn lồng nhạc, lồng tiếng để thể hiện đúng tinh thần của câu chuyện mình muốn truyền tải. Tân chia sẻ: “Hình ảnh rắn giống như tụi em trong thời điểm hiện tại, sau những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, được trau dồi kiến thức, được mài giũa, hy vọng mai này sẽ trở thành người có ích cho xã hội như biểu tượng hóa thân thành rồng”.

Đưa ứng dụng vào nghệ thuật truyền thống

Chuyện sinh viên chế tạo robot không có gì lạ nhưng chế tạo robot múa rối nước thì khá mới. Đánh giá về các tiết mục của sinh viên, PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh cho biết, tuy các mô hình robot không quá đặc sắc nhưng với những sinh viên năm nhất thì đây là thành quả cũng rất đáng tự hào. Quan trọng là tạo sân chơi để khơi gợi sự đam mê của các em với chính nghề nghiệp, công việc mà có thể các em sẽ theo đuổi cả đời.

Là một người có nhiều ý tưởng, nên thầy Thịnh đã quyết định chọn chủ đề múa rối nước, đây cũng chính là những trăn trở của thầy về một loại hình nghệ thuật của nước nhà. Thầy Thịnh tâm sự: “Múa rối nước vốn là loại hình nghệ thuật truyền thống, thể hiện văn hóa của người dân Bắc bộ. Nghệ nhân múa rối phải trầm mình xuống nước và điều khiển những con rối bằng tay, mà hầu hết các hoạt động múa rối nước lại thường diễn ra vào mùa lễ hội, thời tiết khá rét. Những người theo nghề này đang ngày càng ít và có nguy cơ mai một. Do đó, tôi mong muốn các em tìm cách ứng dụng công nghệ hóa, hiện đại hóa vào loại hình nghệ thuật múa rối nước để có thể thay thế con người. Hy vọng đây sẽ là tiền đề để các em có thêm nhiều công trình lớn, hướng tới lưu giữ, nâng tầm nghệ thuật múa rối nước bằng ứng dụng công nghệ hóa”.

Sau cuộc thi, nhiều sinh viên đã có thêm những ý tưởng độc đáo để tiếp tục sáng chế ra những mô hình robot múa rối nước, như ý tưởng thiết kế hồ tương tác được với con rối robot, như những đường ray điều khiển, thiết bị tạo sóng hoặc các tạo hình robot sẽ tự giao tiếp với nhau…

Được biết, vừa để tạo sân chơi cho sinh viên, vừa để phát huy tính sáng tạo, giúp các mô hình robot tiến gần hơn với loại hình nghệ thuật múa rối nước, tháng 4-2017, Khoa Cơ khí chế tạo máy sẽ tổ chức cuộc thi cho sinh viên toàn khoa với quy mô lớn hơn, mô hình robot phức tạp hơn, đa dạng hơn.

HẢI THU

Tin cùng chuyên mục