Mùa sấm

Mùa này là mùa sấm, có khi kèm theo những cơn mưa. Cũng có khi sấm dấm dẳng cả ngày ngay cả khi ngoài trời đang nắng. Bà gọi đó là thứ “sấm khan” báo hiệu những ngày dài nắng hạn. 
Đồng đang vào vụ gặt, nắng giòn tan trên lưng áo bạc màu. Máy gặt, máy vò làm việc hết công suất từ đồng cạn đến đồng sâu. Nắng thế này chỉ cần phơi một ngày là những mẻ lúa, mẻ rơm đã kịp khô.
Giữa trưa nắng như đổ lửa vẫn còn nghe thấy tiếng rao: “Ai hòm đựng thóc nào! Ai hòm đựng thóc không?”
Nghe thấy tiếng sấm khan vẫn ì ùm trên trời, người nông dân yên tâm rằng trời còn nắng cho đến khi mùa gặt kết thúc. Từng chùm vải ngoài vườn nhờ có nắng mà chín đỏ rực, căng mọng nước. Xoài rụng lộp độp trên mái nhà, cây cao quá, nhà toàn người già không ai trèo hái được. Mùa nhãn đuổi theo sau bằng những chùm quả sai lúc lỉu đã bắt đầu to bằng ngón tay út.
Quất hồng bì vàng như nắng mật trên cây, chắc cũng thảng thốt giật mình khi sấm nổi lên. Buổi tối ngẩng lên trời thấy sao lấp lánh, từng đám mây bã bừa nối đuôi nhau chạy dài tít tắp. Bà chép miệng bảo, sẽ còn nắng nữa. Giờ thì mùa gặt xong, người ta bắt đầu ngóng một cơn mưa…
Giếng đã cạn, rau ngoài vườn héo rũ, lũ trẻ mặt ửng đỏ vì cái nắng như đổ lửa từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Trời tắt nắng, chớp nhay nháy trên nền trời xám xịt, sấm bắt đầu vang lên mỗi lúc một to hơn. Lộp độp những hạt mưa đầu tiên rơi trên tán lá xoài. Rồi mưa đuổi nhau ầm ầm trên mái nhà, ràn rạt trước sân.
Cây cối được tắm mưa, gột rửa lớp bụi bặm xanh non đến không ngờ. Vừa ngó ra nhìn mưa đã phải thụt ngay vào vì luồng chớp trắng sáng cả khoảng trời. Sấm sẽ đến sau đó, gầm gào như một con thú dữ. Bà giục mọi người rút hết các đồ điện trong nhà ra khỏi ổ cắm.
Mùa sấm ảnh 1
Sét thỉnh thoảng vẫn xẹt ngang qua nhà. Khi thì sém một mảng da của bà, khi thì cháy mất cái quạt, khi thì đánh chết cây vú sữa trước nhà đúng mùa quả chín. Không ai dám đi ra đường lúc sấm sét ầm trời, mọi người co cụm lại trong nhà, kiếm vài việc lặt vặt để làm, vài câu chuyện cũ để nói với nhau. 
Tôi lại nhớ đến những tháng năm thơ ấu. Bố hay mong mưa rào để buổi tối đeo đèn ắc quy đi soi ếch dưới đồng. Nhà không cửa, mái lá thủng lỗ chỗ khắp nơi. Những ánh chớp xuyên thẳng vào nhà như một nỗi ám ảnh. Bố đội sấm đội sét mà đi, bì bõm dưới đồng mong bắt được ít ếch bán lấy tiền đóng học phí, hoặc kiếm được con cò, con vạc, con cá chuối mang về đổi lấy niềm vui cho các con mình.
Mấy mẹ con tôi ngồi trong nhà, men theo ánh chớp trắng trời tìm dấu bố trên cánh đồng hun hút. Ánh đèn pin nhấp nhoáng xa dần mà tiếng sét vẫn rờn rợn bên tai. Tôi ngồi cầu trời cho mưa tạnh, sấm sét mau dừng, cho bố mau về nhà với chiếc giỏ đeo bên hông rộn lên tiếng kêu “ếch ộp”. 
Tôi cũng nhớ những ngày mưa bão, khi không thể ra đồng làm việc, mẹ lùi về căn bếp bẻ củi nhóm lửa nấu kẹo lạc, kẹo vừng làm quà vặt cho con.
Đó là bát lạc kẹ (lép) mẹ nhặt riêng ra, hạt nhỏ nhưng vừa thơm vừa bùi. Mẹ rang lạc chín đều, đường mẹ thắng khéo tay không bị đen bị đắng, mà lại đủ độ vàng của kẹo.
Mẹ đổ ra giấy báo, cắt thành từng miếng nhỏ, gói cất đi một ít để chia đều vị ngọt ngào cho cả những ngày sau. Chúng tôi ngồi bên nhau cắn những miếng kẹo lạc còn nóng hổi, thơm lừng, mặc kệ ngoài trời vẫn còn tiếng sấm. 
Bao nhiêu năm trôi qua, mọi thứ đều đã đổi thay nhiều. Tiếng sấm đầu mùa vang lên có khi không còn được nghe ở quê nhà nữa. Tôi xuống phố, những tiếng sấm khan thường lẫn đâu đó trong tiếng còi xe, tiếng ồn ào của chợ búa. Có khi ước ao của một kẻ xa quê chỉ đơn giản là đang được ngồi ở nhà nghe sấm… 

Tin cùng chuyên mục