Mục tiêu 18 tỷ USD của ngành da giày Việt

Ngành da giày - túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 18 tỷ USD trong năm 2018, trước bối cảnh thị trường có nhiều thuận lợi lẫn khó khăn đan xen. Nâng cao năng suất lao động và xúc tiến thương mại hiệu quả sẽ tạo ra cơ hội đột phá để giúp ngành đạt được mục tiêu đề ra.
Tăng trưởng ngoài kỳ vọng!
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2017 các doanh nghiệp (DN) sản xuất gần 1,2 tỷ đôi giày dép (chiếm 5,2% tổng sản lượng giày dép thế giới, đứng thứ 3 thế giới - sau Trung Quốc và Ấn Độ); xuất khẩu giày dép đạt kim ngạch 14,6 tỷ USD và túi xách đạt 3,2 tỷ USD.
Tính chung, cả năm toàn ngành đạt mức tăng trưởng 10,7% so với 2016. Con số ấn tượng này hoàn toàn trái với dự báo và tình trạng ảm đạm của đầu năm trước.
Ngay từ những tháng đầu năm 2017, lượng đơn hàng về khá nhiều, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN theo đó cũng sôi động lên, đồng thời đem lại hiệu quả cao trong cả năm.
“Đây là mức tăng trưởng lúc đầu ngành không dám kỳ vọng, nhưng cuối cùng thì đã chạm được con số này. Xuất khẩu da giày - túi xách còn dư địa để tăng trưởng tiếp trong những năm tới”, đại diện Lefaso phấn khởi nói. 
Mặc dù năm qua ngành da giày - túi xách đã đạt được những thành quả ngoài mong đợi, song hàng loạt khó khăn đang hiển hiện trước mắt, buộc các DN lẫn nhà hoạch định chính sách phải nhanh chóng có những quyết sách đúng đắn để ứng phó.
Bởi, dù ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng 2 con số, nhưng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm đến trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mục tiêu 18 tỷ USD của ngành da giày Việt ảnh 1 Sản xuất giày tại Công ty Thượng Thăng. Ảnh: CAO THĂNG                             
Trong khi đó, do gặp nhiều khó khăn, DN trong nước không mở rộng sản xuất, tỷ trọng xuất khẩu của trong nước tiếp tục giảm, từ mức 25% năm 2013 xuống còn 19,4% năm 2017.
Cùng mốc thời gian này, xuất khẩu giày dép cũng giảm từ 24,4% xuống 19,5%, xuất khẩu túi xách giảm từ 27,9% xuống còn 19,9%... Chưa kể, theo đánh giá của Lefaso, năng suất lao động của DN da giày trong nước chưa bằng 50% của DN FDI.
“Năng suất lao động thấp là một trong những nguyên nhân khiến DN da giày Việt Nam tuy chiếm tới 75% về số lượng nhưng chỉ đạt chưa đến 20% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, trong năm nay, chính phủ của một số quốc gia có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu giày dép như Bangladesh, Myanmar… tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm thu hút đơn hàng, thúc đẩy xuất khẩu, sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn cho DN trong nước. Do đó, nếu không thay đổi năng suất lao động, giày dép Việt Nam không chỉ bị cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu mà còn có nguy cơ thua ngay trên sân nhà”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, nhận xét.
Tiếp thêm động lực
Theo nhận định của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso Phan Thị Thanh Xuân, năm 2018, thách thức đối với các DN da giày còn là làn sóng công nghiệp 4.0 với bài toán nâng cao năng suất lao động. Khảo sát cho thấy, 75% DN da giày rất khó khăn trong việc đầu tư ứng dụng tự động hóa, chỉ có khoảng 20% bắt đầu ở quy mô nhỏ và dưới 5% là đang có kế hoạch xây dựng.
Ngoài ra, chính sách bảo hộ của các nước cũng là một thách thức lớn với ngành, chẳng hạn như Anh rời khỏi EU đã ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu da giày.
Qua số liệu càng minh họa rõ, năm 2016 có những DN da giày bị suy giảm đơn hàng đến 50%, cho thấy chính sách bảo hộ tác động tiêu cực đến ngành rất lớn.
Ngoài ra, cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu giày dép như Bangladesh, Myanmar cũng gây nguy cơ rất cao, khi chi phí nhân công của họ rất thấp và lại được hưởng lợi ưu đãi thuế quan từ EU, dẫn đến một số đơn hàng sản phẩm đơn giản đã rời khỏi Việt Nam để tới gia công tại các quốc gia này.
Trước những khó khăn hiện hữu, Lefaco khuyến cáo, để cạnh tranh tốt hơn, các DN trong ngành cần sớm khắc phục nhược điểm chi phí nhân công cao bằng việc dịch chuyển nhà máy về các vùng có lao động để hạ chi phí sản xuất; tiếp tục mở rộng đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành để nâng cao giá trị gia tăng và chủ động sản xuất cho các DN.
Bên cạnh đó, các DN nên sản xuất các sản phẩm có giá trị từ trung bình và cao, không nên sản xuất sản phẩm cấp thấp, nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh ở phân khúc này so với các đối thủ.
Bà Xuân cũng cho biết, nhằm giúp các DN đạt mục tiêu xuất khẩu như dự báo, Lefaso sẽ tăng cường các hoạt động như tham gia tham vấn các cơ quan nhà nước trong việc ban hành những chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, đẩy mạnh phổ biến chính sách nhà nước về thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da giày, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và duy trì phát triển bền vững. 
Mới đây, Lefaso đã có văn bản gửi lên Chính phủ kiến nghị gỡ bỏ hàng loạt bất cập đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của ngành. Trong đó, đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng bỏ việc thu phí hạ tầng tại các cảng biển, cần xem xét giảm nhiều loại phí phát sinh trong quá trình vận tải hàng hóa tại cảng và trên đường bộ, nhằm giúp ngành da giày - túi xách thực sự có được động lực để phát triển và vươn xa.

Tin cùng chuyên mục