Muôn kiểu nhàn rỗi của giới trẻ

“Bà trưởng phòng của tui khó chịu lắm. Đã vậy, chân vòng kiềng mà khoái mặc váy ngắn, có bao nhiêu cái xấu phô ra hết”. “Con nhỏ kế toán ở chỗ tui cũng vậy, vòng 1 chả có gì mà cứ mặc áo khoét cổ”. “Nè, báo chí đưa tin Lưu Khải Uy (diễn viên Trung Quốc - PV) cặp bồ rồi, nhỏ vợ xuất hiện tiều tụy. Đấy, lúc cưới phô trương cho lắm vào”... Câu chuyện của hai cô gái mặc đồ công sở ngồi trong một quán cơm trưa văn phòng trên đường Lý Tự Trọng quận 1 (TPHCM) vẫn tiếp tục rôm rả, dù đồng hồ lúc ấy là 13 giờ 40 phút, đã quá giờ vào làm việc buổi chiều.
Muôn kiểu nhàn rỗi của giới trẻ

“Bà trưởng phòng của tui khó chịu lắm. Đã vậy, chân vòng kiềng mà khoái mặc váy ngắn, có bao nhiêu cái xấu phô ra hết”. “Con nhỏ kế toán ở chỗ tui cũng vậy, vòng 1 chả có gì mà cứ mặc áo khoét cổ”. “Nè, báo chí đưa tin Lưu Khải Uy (diễn viên Trung Quốc - PV) cặp bồ rồi, nhỏ vợ xuất hiện tiều tụy. Đấy, lúc cưới phô trương cho lắm vào”... Câu chuyện của hai cô gái mặc đồ công sở ngồi trong một quán cơm trưa văn phòng trên đường Lý Tự Trọng quận 1 (TPHCM) vẫn tiếp tục rôm rả, dù đồng hồ lúc ấy là 13 giờ 40 phút, đã quá giờ vào làm việc buổi chiều.

“Chém gió” vô bổ

“Dzô, chúc mừng thằng N. tuần trước sinh nhật được bồ tặng con dế iPhone 6. Mày là hết ý nghe N., 500 anh em ủng hộ mày”, tiếng cười nói, cụng ly côm cốp vang lên trong một góc quán nhậu trên đường Đồng Đen quận Tân Bình. Từ câu chuyện N. được bạn gái tặng quà đắt tiền, cả nhóm bạn trẻ tuổi khoảng 20 - 25 quay sang bàn luận chuyện “cưa” gái sao cho đánh nhanh thắng gọn, các chiêu thức khiến bạn gái mê như điếu đổ... Những câu huênh hoang, bốc phét càng tăng theo số lượng vỏ chai bia lăn lóc dưới chân bàn. Cuộc vui chỉ dừng lại khi một người trong nhóm vô tình nhận xét bạn gái của N. giàu nhưng không đẹp, N. mặt đỏ gay đứng dậy đòi ăn thua đủ với đối phương khiến mọi người trong bàn nhậu một phen can ngăn, sau đó giải tán.

Đây là một trong những hình ảnh cho thấy các bạn trẻ ngày nay dường như thích dành thời gian tụ tập tán chuyện trên trời dưới đất hơn là dành cho công việc, học tập và những hoạt động có ích khác. Trong khi người trẻ ở nước ngoài dành thời gian rảnh tập thể dục, thể thao, đọc sách và những thói quen lành mạnh khác, nhiều bạn trẻ nước mình lại lãng phí cho tụ tập, cà phê, chém gió, nhậu nhẹt... Phải chăng họ có quá nhiều thời gian rảnh rỗi?

Lê Huyền Minh (nhân viên một công ty truyền thông ở quận 1), kể: “Nói thiệt, công việc tôi nhiều đến mức giờ nghỉ còn không có, lấy đâu ra giờ ngồi tán hươu tán vượn. Vậy mà không hiểu sao, có nhiều bạn lúc nào cũng có thể túm năm tụm ba được, nói đủ thứ chuyện. Chủ yếu mấy bạn ấy làm văn phòng nên việc không đuổi sau lưng như nghề của tụi mình. Nhưng giá như, thời gian rảnh đó họ kiếm thêm việc gì làm phải có ích hơn không?”.

Giờ nghỉ trưa, giờ tan tầm, nhiều nhóm bạn trẻ chưa lập gia đình lại tìm về nhau như một thói quen “chém gió”. Rồi vô số chuyện hội hè rôm rả được đưa ra bàn. Mà nào chỉ có giờ nghỉ, giờ tan tầm. Đâu có thiếu cảnh tại các cơ quan nhà nước, công chức viên chức trẻ vô tư tám chuyện, “chém gió” tưng bừng vào giờ làm việc, nhất là khi thiếu việc, hay thiếu người dân đến làm thủ tục giấy tờ. Người viết từng chứng kiến cảnh, hai cô nhân viên bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của một phường tiện lúc rảnh rỗi, lên điện thoại bình phẩm chuyện mua bán online bộ váy nào đó đẹp mà rẻ. Một người dân làm hồ sơ gần đó chỉ biết lắc đầu ngao ngán.   

Quán cà phê nào cũng thấy các bạn trẻ lướt web

Rảnh thì ta lên “phây”

Thống kê mới nhất của Global Web Index năm 2016 cho thấy người Việt Nam đứng thứ 12 thế giới về thời gian dùng Facebook với 2,3 giờ mỗi ngày. Mỹ đứng thứ 16 và Nhật Bản xếp vị trí 28. Nhiều người nghe qua con số này còn nói vui, 2,3 giờ là còn ít, thống kê vậy chưa đủ đâu! Trong khi đó, tính về tổng thu nhập quốc nội và thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam chỉ xếp thứ 8/10 các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thu nhập không cao mà thời gian lên phây khủng, một con số phản ánh quá chân thực.

Cũng qua nhiều khảo sát, độ tuổi lên Facebook nhiều nhất từ 18-24. Có thể dễ dàng thấy chân dung của họ: 18 đến 22 tuổi thường là sinh viên, cần học, đọc, nghiên cứu, làm thêm, công tác xã hội... thì lại lang thang lên Facebook và “chém gió bạt ngàn”. Còn từ 21 đến 24 tuổi, người trẻ mới ra trường, cần học hỏi thực tế rất nhiều, tập trung công việc để cố gắng hòa nhập và làm gì đó hữu ích cho xã hội, song cũng lại dành quá nhiều thời gian lang thang trên “phây”.

Ôi thôi, mạng xã hội thì đủ cả, từ em gái “like nhiều tới đâu, cởi nhiều tới đó”, em trai “thánh troll” uốn éo, nhún nhảy; cho đến đủ thứ hội nghe tên là choáng: Hội phát cuồng vì những em gái ngực khủng, Hội những người thích sờ soạng, Hội những bạn trẻ thích thì chiều… Vân Quỳnh (25 tuổi, quận 8) kể: “Hội trên mạng thì đầy rẫy, tôi cũng tham gia ít nhất hai hội nhưng chủ yếu là của những người thích mạo hiểm. Chúng tôi lập hội, có quy chế, mỗi lần đi đâu đều họp hội tổ chức đàng hoàng. Trong khí đó, chỉ cần đánh vào chữ tìm kiếm hội trên phây, thấy có cả ngàn cái tên, không hiểu các bạn gia nhập hội hè đó đem lại lợi ích gì hay chỉ là thích thì tham gia cho bằng em bằng anh, cho kêu với hàng xóm?”.

Do bạn trẻ nước nhà thích lên “phây” nhiều như vậy nên vô số các dịch vụ trời ơi cũng đi kèm với những hội nhóm có cả mấy trăm, thậm chí cả ngàn thành viên và vài ngàn người theo dõi. Từ dịch vụ nhạy cảm cho đến dịch vụ đem đến vô số cảm xúc cho người dùng, đủ cả! Đâu đâu, chỗ nào cũng thấy bạn trẻ lăm lăm Facebook, check in đủ chỗ, rồi kéo bè kéo cánh chửi rủa nhau, thậm chí rủ nhau ra ngoài đời thực tính sổ.

Người trẻ Việt rảnh rỗi thật hay phải chăng những trò chơi lành mạnh, chương trình truyền hình bổ ích hay cụ thể hơn là những hoạt động cộng đồng, mang tính tập hợp của các tổ chức đoàn thể không đủ sức rủ rê, lôi kéo thanh niên đến với những việc làm có ích thực sự?

THANH TÂM - ĐẶNG MINH

Tin cùng chuyên mục