Muộn nhất 1-8 các trường đại học công bố danh sách trúng tuyển

Ngày 26-7, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo lịch tuyển sinh từ ngày 26-7 đến 1-8, các trường sẽ thực hiện xét tuyển. 
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Đây là thời điểm các trường dựa trên số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT), điểm thi và từ đó đưa ra điểm trúng tuyển vào các ngành đào tạo.

Lọc ảo thí sinh qua 6 lần

Cụ thể, từ 26-7, Bộ GD-ĐT yêu cầu các điểm thu nhận hồ sơ hoàn thành việc cập nhật thông tin về điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT của tất cả thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ.

Từ 17 giờ ngày 25-7, khi hoàn tất dữ liệu thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, các trường cũng như các nhóm trường đại học được Bộ GD-ĐT cho phép tải dữ liệu đăng ký nguyện vọng của thí sinh về để phân tích và tiến hành chạy thử phần mềm xét tuyển.

Từ ngày 28 đến 30-7, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện lọc ảo toàn quốc song song với việc điều chỉnh xét tuyển của các trường, nhóm trường để bảo đảm các trường tuyển sinh đúng chỉ tiêu theo quy định. Theo dự kiến, Bộ GD-ĐT sẽ chạy lọc ảo qua nhiều bước, thực hiện 6 lần và gửi danh sách về cho các trường để điều chỉnh. Muộn nhất đến 17 giờ ngày 30-7, các trường hoàn thành tải kết quả lọc ảo lần 6 để cập nhật vào hệ thống danh sách thí sinh trúng tuyển.

Sau 17 giờ ngày 30-7, các trường có thể công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Công bố sớm hay muộn tùy vào kết quả lọc ảo, nhưng chậm nhất đến ngày 1-8, các trường phải công bố danh sách trúng tuyển. 

Chia sẻ về phần mềm lọc ảo, ông Trần Văn Nghĩa cho biết phần mềm vận hành trơn tru, đơn giản. “Các trường xét tuyển bình thường, sau đó để danh sách lên phần mềm lọc ảo của Bộ. Phần mềm sẽ giúp các trường lọc dữ liệu của các ngành. Khác với năm trước, năm nay mỗi thí sinh chỉ được trúng duy nhất 1 nguyện vọng, do vậy nếu thí sinh đã trúng ngành này thì không còn cơ hội để xét tuyển ngành khác. Như vậy là lọc ảo toàn bộ trong bộ dữ liệu xét tuyển của trường. Tiếp đó là lọc ảo giữa các trường, thí sinh đã trúng nguyện vọng của trường này rồi thì không được xét ở trường khác. Nhờ vậy, gần như phần mềm sẽ giúp lọc ảo thí sinh hoàn toàn”, ông Nghĩa giải thích. 

Ông Nghĩa cho biết thêm, cứ mỗi lần trường đẩy danh sách lên để bộ GD-ĐT lọc ảo thì danh sách có thể biến động vì số thí sinh ảo sẽ bị lọc đi, lọc qua lại đến khoảng lần thứ 6 mới chính xác, phù hợp với chỉ tiêu xét tuyển của trường.  Lúc đó trường sẽ chính thức công bố danh sách thí sinh trúng tuyển.

Muộn nhất 1-8 các trường đại học phải công bố trúng tuyển
Năm nay, có 2 nhóm xét tuyển lớn là nhóm trường đại học phía Nam và nhóm trường đại học phía Bắc. Điểm chuẩn năm 2017 của nhóm trường đại học phía Nam sẽ công bố trước ngày 30-7 còn nhóm trường đại học phía Bắc do Trường đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì sẽ công bố trước ngày 1-8. Điểm chuẩn năm 2017 của các trường sư phạm dự kiến sớm nhất ngày 30-7 sẽ công bố.
Để hạn chế thêm tình trạng ảo do thí sinh vào học các trường công an và quân đội, Bộ GD-ĐT đã thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xét tuyển. Điểm chuẩn năm 2017 của trường công an, quân đội dự kiến công bố từ ngày 29-7, chậm nhất là 31-7. Danh sách trúng tuyển chính thức sẽ được Bộ gửi cho các trường để công bố trước 17 giờ ngày 1-8 theo quy chế.

Sau khi các trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào trường, ngành, nếu thí sinh đã ĐKXT đủ điểm trúng tuyển sẽ nghiễm nhiên có tên trong danh sách. Theo quy định, đến trước ngày 7-8, thí sinh sẽ phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện) để khẳng định nhập học tại trường đã trúng tuyển.

Sau khi kết thúc gọi nhập học đợt I, các trường (nếu còn chỉ tiêu) sẽ tiếp tục gọi nhập học các đợt xét tuyển bổ sung. Thời gian gọi bổ sung sẽ được thực hiện từ sau ngày 13-8. Thời gian cụ thể của các đợt xét tuyển bổ sung do các trường quy định. Trong xét tuyển đợt bổ sung thí sinh được phép ĐKXT vào nhiều trường và không hạn chế số nguyện vọng.

56% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, có bất thường?

Trước đó, tối 25-7, Bộ GD-ĐT đã công bố số liệu về việc thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT đại học 2017. Đến 17 giờ ngày 25-7, tổng số thay đổi nguyện vọng là 300.012 thí sinh. Trong đó thay đổi trực tuyến chiếm 82,17%, thay đổi bằng phiếu chiếm 17,82%. Như vậy, con số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký rất cao. Điều này liệu có bất thường? 

Trao đổi với Báo SGGP, ông Trần Văn Nghĩa cho rằng, con số đó không có gì là bất thường, thậm chí Bộ GD-ĐT còn dự kiến số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sẽ cao hơn (khoảng 60-65%).

“Chúng ta cần chú ý, tổng số thí sinh điều chỉnh trực tuyến là 246.542 thí sinh, chiếm tới 82,17%. Đây là cách thức để các thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu khi đăng ký dự thi. Còn số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng phiếu là 53.470 thí sinh, chỉ chiếm 17,82%; đây là các trường hợp điều chỉnh tăng số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu. Như vậy, thí sinh điều chỉnh không tăng nguyện vọng nhiều, mà chủ yếu các em sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng của mình”, ông Nghĩa  nói.

Qua số liệu thí sinh điều chỉnh nguyện vọng cho thấy, việc ứng dụng CNTT đã ở mức cao hơn vào công tác tuyển sinh đại học năm 2017 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh nói chung và điều chỉnh nguyện vọng nói riêng. Đồng thời, tạo cơ sở dữ liệu đồng bộ, minh bạch, khách quan để đảm bảo công bằng trong công tác tuyển sinh.

Tin cùng chuyên mục