Mỹ mất kiên nhẫn với Trung Quốc trong chuyện Triều Tiên

Ngày 14-7, theo Reuters, giới chức Mỹ cho biết do thất vọng với việc Trung Quốc chưa gây áp lực đủ mạnh lên chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vài tuần tới sẽ áp lệnh trừng phạt lên các ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc đang làm ăn với Bình Nhưỡng. 
Hình ảnh vụ phóng tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên
Hình ảnh vụ phóng tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên
Áp dụng tùy vào thái độ

Cũng theo nguồn tin trên, các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhắm vào “các mục tiêu dễ dàng”, bao gồm các tổ chức tài chính quy mô nhỏ và các công ty có dính líu tới chương trình vũ khí của Triều Tiên. Giới chức Mỹ từ chối tiết lộ thông tin về các mục tiêu Trung Quốc mà Mỹ dự định trừng phạt.
Nguồn tin này cũng nói thêm rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm thời chưa nhằm vào các ngân hàng lớn của Trung Quốc. Thời hạn cũng như phạm vi của các lệnh trừng phạt trên sẽ phụ thuộc vào cách Trung Quốc phản ứng với những sức ép từ Mỹ trong việc kiềm chế Triều Tiên, trong bối cảnh giới chức Mỹ và Trung Quốc sẽ tham dự một cuộc đối thoại cấp cao về kinh tế tại Washington vào ngày 19-7 tới.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy sự mất kiên nhẫn với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, đặc biệt khi Bình Nhưỡng vừa tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 lần đầu tiên vào ngày 4-7 vừa qua. Giới chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với các sức ép về kinh tế và thương mại từ Mỹ nếu không nỗ lực trong việc kiềm chế chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Kể từ khi nắm quyền hồi tháng 1-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục tuyên bố Trung Quốc chưa làm hết sức để buộc Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Liên hiệp quốc (LHQ) về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. Phản ứng trước các chỉ trích từ phía Mỹ và cộng đồng quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây cũng tuyên bố tất cả các bên cùng phải vào cuộc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, thay vì quy trách nhiệm cho một mình Bắc Kinh.

Phát tín hiệu về sức mạnh quân sự 


Cùng ngày, theo Yonhap, bất chấp những cảnh báo từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát đi tín hiệu về sức mạnh quân sự của mình. Bình Nhưỡng đã cảnh báo lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc đang nằm trong tầm tấn công của hỏa lực của nước này, ngay cả khi Washington vừa triển khai một đơn vị chủ lực tới căn cứ mới ở ở Pyeongtaek - thành phố cảng cách thủ đô Seoul 70km về phía Nam, sau một thập niên trì hoãn kế hoạch tái bố trí căn cứ.

Liên quan đến chương trình tên lửa của Triều Tiên, một báo cáo tình báo quân sự của Mỹ cho thấy Triều Tiên nhiều khả năng đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn (CRBM) với độ chính xác, tầm bắn cũng như sức mạnh được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của Trung tâm Tình báo hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ (NASIC), Triều Tiên đang nâng cấp các loại CRBM với tầm bắn dưới 300km. Hiện Triều Tiên đang sở hữu 2 loại CRBM là Toksa và KN-SS-X-9, với tầm bắn tối đa lần lượt là 120km và 190km.

Trong khi đó, thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, đã bày tỏ quan ngại về khả năng Triều Tiên có thể chuyển giao tên lửa cùng những công nghệ liên quan sang các nước khác, đồng thời cho rằng các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng có thể là sự “phô diễn” để chào bán các loại vũ khí. Bà Pelosi cho rằng những vụ phô diễn sức mạnh của Triều Tiên nhiều khả năng là một buổi trình diễn để Bình Nhưỡng có thể bán các loại công nghệ nguy hiểm cho một quốc gia thù địch hoặc một kẻ tấn công đơn độc.

Tin cùng chuyên mục