Mỹ thuật đương đại in đậm cuộc sống xã hội

Mừng xuân Ất Dậu 2005, Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng kết hợp cùng Trung tâm Mỹ thuật đương đại, gallery Không Gian Xanh đã tạo cơ hội để 11 họa sĩ thành phố Hồ Chí Minh sáng tác, trưng bày tác phẩm, tại tầng 2 tòa nhà Lawrence S. Ting, đường Nguyễn Văn Linh, quận 7.
Mỹ thuật đương đại in đậm cuộc sống xã hội

Mừng xuân Ất Dậu 2005, Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng kết hợp cùng Trung tâm Mỹ thuật đương đại, gallery Không Gian Xanh đã tạo cơ hội để 11 họa sĩ thành phố Hồ Chí Minh sáng tác, trưng bày tác phẩm, tại tầng 2 tòa nhà Lawrence S. Ting, đường Nguyễn Văn Linh, quận 7.

Hoạt động sáng tác tại Phú Mỹ Hưng liên tục trong hai tuần từ 22-12-2004 đến 5-1-2005, mỗi họa sĩ đã thể hiện ý tưởng riêng như một lời đáp cho chủ đề chính “Chúng ta là ai?”. Ở đây, câu hỏi không phải mang ý nghĩa triết lý siêu hình mà là những điều hết sức thực tế đang xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của con người. Nghệ sĩ cảm sao thì thể hiện ý tưởng, suy nghĩ của mình như vậy.

Mỹ thuật đương đại in đậm cuộc sống xã hội ảnh 1

“Những gì còn lại”, tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Nguyễn Minh Phương.

Chúng ta là ai? Từ gian phòng trưng bày trang bị khá hiện đại, rộng gần 500m², người thưởng ngoạn có thể lắng nghe một cuộc đối thoại thật lý thú qua tác phẩm của từng họa sĩ. Nguyễn Tấn Cương cho rằng con người thật bé nhỏ trước thiên nhiên, hình ảnh con người cô đơn trong không gian bao la qua tác phẩm chất liệu acrylic. Nguyễn Minh Phương cảm nhận về con người bằng lòng tự tin hơn-con người là một phần của thiên nhiên được thể hiện qua những bức tranh sơn dầu và tác phẩm sắp đặt trên tường.

Hoàng Dương Cầm đặt con người trong bối cảnh thiên nhiên, trong môi trường mình đang sống bằng sự cắt, ghép, sắp đặt từ những bức ảnh phóng đại. Ba nữ họa sĩ Đạm Thủy, Chinh Lê, Ly Hoàng Ly góp mặt lần này đều bộc lộ thế mạnh riêng trong cách diễn đạt mới, lạ. Đạm Thủy sử dụng hai gam màu qua bức tranh khổ lớn “Đen và trắng” mô tả hình tượng ngọn đèn vẫn luôn thắp sáng trong tim tình yêu nhân loại.

Chinh Lê với bức tranh cao rộng, chất liệu sơn nước về “Một con đường” tưởng như bình yên, sâu lắng qua gam màu trầm, đen nhưng thực ra là cả một sự chuyển động nội tâm của con người trước bao bất trắc trong cuộc sống. Trữ tình hơn hết là tác phẩm “Bầu sữa”, chất liệu đồng, nhôm của Ly Hoàng Ly. Một biểu tượng về tình mẫu tử. Tình yêu của mẹ biểu hiện qua bầu sữa từ thuở ban sơ xa xưa cho đến thời đại công nghiệp không bao giờ mất đi dù cuộc sống luôn phát triển, thay đổi.

Họa sĩ Bùi Công Khánh một chút hóm hỉnh với bức chân dung tự họa về ký ức tuổi thơ mang tên “Nằm im”. Đó là hình ảnh một chú bé con nghịch ngợm luôn được mẹ ru “à ơi” mong cho con giấc ngủ bình yên, nhưng lớn lên cuộc sống không êm đềm như lời ru của mẹ mà thực tế là một cuộc mưu sinh đầy thử thách.

Mỹ thuật đương đại in đậm cuộc sống xã hội ảnh 2

“Bầu sữa”, tác phẩm của họa sĩ Ly Hoàng Ly, chất liệu đồng, nhôm.

Hiện tại, mỹ thuật đương đại chịu tác động từ nhiều phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình, máy vi tính, internet, video art… Tính chất báo chí thể hiện rõ nét qua cái nhìn nghệ thuật của La Như Lân, Nguyễn Sơn về nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam. Nói về sự “nhân bản” như kiểu nhân bản cừu Dolly, họa sĩ Nguyễn Thân nêu vấn đề có tính triết lý về sự nhân bản quá giống nhau trong cuộc sống xã hội từ mô hình thiết kế nhà cửa, xe hơi, đồ tiêu dùng cùng hãng sản xuất. Sự vượt lên của con người để đi tìm nét riêng của mình như thế nào được họa sĩ mô tả qua cách sắp đặt trong tranh bằng chất liệu bao bố đựng gạo và gam màu đất của người lao động.

Hàng ngày, những thông tin thời sự khắp nơi có thể đến trực tiếp vào tư duy sáng tạo của nghệ sĩ. Họa sĩ Chinh Lê tâm sự khi đang vẽ tranh, nghe tin thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương, chị bàng hoàng và những cảm xúc đã đi theo từng nét vẽ và làm thay đổi gam màu tươi ban đầu trở thành gam màu trầm. Họa sĩ Nguyễn Thanh Trúc lập tức bày tỏ cảm xúc về thiên tai của con người qua tác phẩm “Dự báo đen”.

Với Nguyễn Minh Phương, mỹ thuật đương đại có ưu thế sử dụng những phương tiện giản dị, phổ biến và gọi mời công chúng cùng tham gia sáng tác. Trước sự cố lớn “động đất, sóng thần Nam Á”, một số nhân viên ở tòa nhà Lawrence S. Ting đã tham dự mô tả hình ảnh “Những gì còn lại” qua sự đóng góp chất liệu từ một chiếc ghế phế thải, con búp bê gãy tay, chiếc lược, vỏ điện thoại di động, giày, dép, vỏ lon bia… Tất cả vật dụng được bọc lại bằng giấy bạc và tạo nên tác phẩm sắp đặt thật sinh động.

Như một thông điệp mới về nghệ thuật đương đại, cuộc triển lãm của nhóm họa sĩ thành phố Hồ Chí Minh tại Phú Mỹ Hưng lần này cho thấy chất báo chí, tính thời sự của xã hội in đậm trong tác phẩm mỹ thuật. Người sáng tác đang cố gắng đưa mỹ thuật tiếp cận với quần chúng bằng nhiều cách thể hiện khác nhau. Tuy không đơn giản nhưng giản dị. 

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục