Mỹ - Triều Tiên diễn biến trái chiều

Trong vài tháng qua, cùng với các cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên - Hàn Quốc và Triều Tiên - Mỹ, dường như đã có nhiều thay đổi đáng kể từ Triều Tiên, nhất là trong lĩnh vực tuyên truyền. Phía Mỹ cũng có thay đổi tương ứng nhưng chính sách cấm vận vẫn duy trì.
Áp phích cổ động cho quan hệ liên Triều đang thay thế nhiều áp phích chống Mỹ ở Bình Nhưỡng
Áp phích cổ động cho quan hệ liên Triều đang thay thế nhiều áp phích chống Mỹ ở Bình Nhưỡng
Không còn biểu ngữ chống Mỹ

Biểu ngữ và áp phích ở thủ đô Bình Nhưỡng và các thị trấn khác thường có nội dung xem Mỹ là “đế quốc xâm lược tàn bạo” và Hàn Quốc hoặc Nhật Bản là đồng minh của Washington. Nhưng theo hãng tin Reuters, du khách đến quốc gia Đông Bắc Á này gần đây nói rằng họ đã thấy những áp phích trên được thay thế bằng nội dung tuyên truyền thúc đẩy tiến bộ kinh tế và tăng cường quan hệ liên Triều.

Các tờ báo hàng đầu tại quốc gia được kiểm soát chặt chẽ này cũng cho thấy sự thay đổi trong “cường độ” chống Mỹ. Đại đa số người dân Triều Tiên không có điều kiện tiếp cận thông tin, vì vậy truyền thông nhà nước có tác động lớn hơn nhiều so với các nơi khác trên thế giới. 

Những áp phích sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đều có nội dung ủng hộ hòa bình và thống nhất. Các hướng dẫn viên nước ngoài đưa các nhóm du lịch vào Triều Tiên cho biết trong những tháng gần đây, tuyên truyền của Triều Tiên có thay đổi mang tính bước ngoặt. “Tất cả biểu ngữ chống Mỹ mà tôi thường thấy xung quanh Quảng trường Kim Nhật Thành và tại các cửa hàng đã biến mất”, anh Rowan Beard, quản lý tour du lịch tại Young Pioneer Tours, nói với Reuters. Theo anh Rowan, trong 5 năm làm việc ở Triều Tiên, anh chưa bao giờ thấy hiện tượng này. Các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng cần một bầu không khí hòa bình và thoải mái và vì vậy cần những áp phích phù hợp hơn. Ngay cả những nữ trang mang “tinh thần chống Mỹ” từng được bán cho khách du lịch như quà lưu niệm đã bắt đầu thay đổi. Chẳng hạn, giờ đây không thể tìm thấy những tấm bưu thiếp hoặc tem có hình ảnh tên lửa Triều Tiên hướng đến Washington. Hơn thế nữa, các tờ báo của Triều Tiên, kể cả tờ Rodong Sinmun, cơ quan của đảng Lao động Triều Tiên, không còn các bài tường thuật tiêu cực về Mỹ như mô tả Washington là một lực lượng thù địch hay liệt kê sự tham gia của Mỹ vào các cuộc xung đột tại Syria như một bằng chứng về chủ nghĩa đế quốc.

Mỹ tiếp tục cấm vận Triều Tiên

Dù phía Mỹ đã có nhiều bước đi tích cực với Triều Tiên sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ngày 12-6, nhưng ngày 22-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tiếp tục duy trì lệnh cấm vận Triều Tiên vì cho rằng “Triều Tiên vẫn là mối đe dọa khác thường”. Điều này trái ngược hoàn toàn với tuyên bố trước đó 10 ngày của ông. Trong một thông cáo thường nhật gửi tới Quốc hội Mỹ, ông Donald Trump viết: “Sự tồn tại và nguy cơ phổ biến các nguyên liệu phân hạch có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí trên bán đảo Triều Tiên và các hành động cũng như chính sách của chính quyền Triều Tiên tiếp tục gây ra mối đe dọa khác thường tới an ninh quốc gia, chính sách ngoại giao và nền kinh tế Mỹ”. 

Ông Donald Trump cho rằng 6 sắc lệnh hành pháp mà chính quyền của ông và các chính quyền trước đây đưa ra nhằm trừng phạt Triều Tiên vì các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này cần phải tiếp tục có hiệu lực thêm 1 năm tính từ ngày 26-6.

Trong một diễn biến tích cực, Lầu Năm Góc công bố hôm 22-6 rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã “đình chỉ vô thời hạn” một số cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, theo cam kết của Tổng thống tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Singapore. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Dana White cho biết các cuộc tập trận bị hủy bỏ gồm “Chiến dịch người bảo vệ tự do Ulchi”, được lên lịch vào tháng 8 với hơn 17.500 quân nhân Mỹ tham gia và 2 cuộc tập trận huấn luyện theo Chương trình trao đổi hải quân với Hàn Quốc dự kiến  diễn ra trong tháng 3-2019. Vẫn chưa rõ liệu các cuộc tập trận lớn của Mỹ dự kiến trong mùa xuân 2019 có bị đình chỉ hay không.

Tin cùng chuyên mục