Mỹ - Trung trả đũa nhau, thương mại toàn cầu chịu thiệt

Sau 2 ngày làm việc, cuộc đối thoại thương mại giữa 2 phái đoàn Trung Quốc - Mỹ tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đã kết thúc mà không có tuyên bố chung.
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại Bắc Kinh
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại Bắc Kinh

Phía Trung Quốc còn cảnh báo rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào đạt được giữa 2 nước cũng sẽ trở nên vô hiệu nếu Mỹ áp thuế quan và các biện pháp thương mại khác lên hàng hóa Trung Quốc.

Chiến thuật không hiệu quả

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc kết thúc. Phía Mỹ chưa bình luận về cuộc đối thoại cũng như về tuyên bố của phía Trung Quốc.

Phái đoàn Mỹ đến Trung Quốc vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khôi phục kế hoạch tăng thuế nhập khẩu 25% lên số hàng trị giá 50 tỷ USD nhập từ Trung Quốc cũng như với 2 mặt hàng thép và nhôm từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU).

Thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc đã đe dọa áp thuế lên 150 tỷ USD hàng hóa của nhau. Sau cuộc đàm phán ở Washington vào tháng trước, 2 bên đã ra một tuyên bố chung, trong đó nói Trung Quốc sẽ tăng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại Mỹ-Trung từ mức 375 tỷ USD mỗi năm hiện nay.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã nóng trở lại sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29-5 đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đồng thời có những bước đi khác nữa để hạn chế Bắc Kinh tiếp cận những công nghệ nhạy cảm của Mỹ.

Theo thông báo của Nhà Trắng, muộn nhất là ngày 15-6 tới, Mỹ sẽ công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 50 tỷ USD, có khả năng chịu mức thuế 25%, nếu Bắc Kinh không giải quyết được bất đồng về vấn đề sở hữu trí tuệ. 

Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng động thái này đi ngược lại sự đồng thuận mà 2 bên đã đạt được sau các vòng tham vấn mới đây, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Theo giới phân tích, tuyên bố của Nhà Trắng vào ngày 29-5 có thể là một chiến thuật thương lượng nhằm tăng áp lực lên Trung Quốc trước cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, cũng như muốn xoa dịu lời chỉ trích rằng ông Donald Trump đang mềm với Bắc Kinh. Tuy nhiên, chiến thuật này dường như chưa phát huy tác dụng.

Vi phạm  nguyên tắc của WTO

Trong khi nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn đang lơ lửng, Mỹ và các đồng minh thân cận đang mâu thuẫn gay gắt xung quanh việc Washington áp thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu từ các nước này. Canada, Mexico và EU đều đã áp thuế lên hàng hóa Mỹ để trả đũa.

Trong cuộc họp kết thúc vào cuối tuần trước, các quốc gia đồng minh trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bày tỏ thái độ thất vọng đối với thuế nhập khẩu thép và nhôm mới của Mỹ. Dự kiến, các nhà lãnh đạo G7 sẽ nhóm họp tại Charlevoix, Quebec (Canada) từ ngày 8 đến 9-6, trong đó, vấn đề thuế nhôm và thép sẽ là một trong những chủ đề chính được thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản cũng đã phản đối trước hành động áp thuế của Mỹ. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh các biện pháp thuế quan của Chính phủ Mỹ có nguy cơ gây rối loạn thị trường toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự hợp tác Nhật-Mỹ.

Chuyên gia thương mại Gabriel Felbermayer thuộc Viện Ifo ở Munich (Đức) cho rằng Washington đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Chuyên gia này cảnh báo bước đi mới nhất của Washington có thể báo hiệu một cuộc chiến tranh lạnh đang cận kề trong mối quan hệ thương mại giữa châu Âu và Mỹ, vốn đã bị phủ bóng đen từ khi ông Donald Trump lãnh đạo nước Mỹ.

Tin cùng chuyên mục