Mỹ: Tuần hành chống phân biệt chủng tộc

Ngày 19-8 (giờ địa phương), hàng chục ngàn người Mỹ ở nhiều thành phố lớn đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc. 
Tuần hành chống phân biệt chủng tộc ở Boston
Tuần hành chống phân biệt chủng tộc ở Boston

Trong khi đó, “bão chính trị” bên trong Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ vẫn chưa giảm sau khi cố vấn chiến lược Steve Bannon bị Tổng thống Donald Trump sa thải.  

Nhiều thành phố tham gia

Cuộc tuần hành được tổ chức nhằm phản đối vụ đụng độ bạo lực giữa bên ủng hộ và phản đối phong trào Người da trắng thượng đẳng ở TP Charlottesville, bang Virginia hôm 12-8 khiến 1 phụ nữ và 2 cảnh sát thiệt mạng. Giới chức Mỹ ước tính có khoảng 40.000 người tham gia tuần hành. Hơn 500 cảnh sát đã được huy động đảm bảo an ninh tại khu vực diễn ra tuần hành ở Boston.

Cuộc tuần hành được đánh giá diễn ra yên bình, song lực lượng an ninh Mỹ cho biết đã bắt giữ 27 người, phần lớn là những đối tượng có hành động quá khích, chống lại cảnh sát hoặc gây rối.

Cũng trong ngày 19-8, khoảng 500 người đã tập trung tại bãi biển Laguna, quận Cam - một khu du lịch nổi tiếng ở miền Nam bang California, tham gia cuộc tuần hành hòa bình chống phân biệt chủng tộc. Trước đó, các cuộc tuần hành tương tự đã diễn ra tại TP Chicago, bang Illinois và TP Houston bang Texas để tưởng niệm những nạn nhân trong vụ bạo lực tại TP Charlottesville.

Tổng thống Donald Trump đã đăng trên mạng Twitter bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với việc Bộ Nội vụ Mỹ cho phép tiến hành cuộc tuần hành tự do của hàng chục ngàn người tại nhiều thành phố vào ngày 19-8. Theo ông, các cuộc tuần hành có thể giúp “chữa lành sự chia rẽ nhiều thập kỷ qua”.

“Bão chính trị” tiếp diễn

Cố vấn cao cấp nhất của Tổng thống Donald Trump, ông Stephen K. Bannon vừa bị cách chức. Mặc dù ông này đã rời khỏi Nhà Trắng, nhưng theo báo Washington Post, cơn bão chính trị tại Nhà Trắng và Quốc hội suốt 7 tháng đầu của nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa chấm dứt. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành của Tổng thống Donald Trump, bao gồm phản ứng gây tranh cãi của tổng thống trước vụ bạo động của những người phân biệt chủng tộc gây chết người ở Charlottesville.

Sau khi rời Nhà Trắng, ông Bannon cho biết sẽ tiếp tục giúp tổng thống chống lại những thành phần đối lập trong Nhà Trắng và Quốc hội. Cụ thể, ông sẽ dùng trang Breitbart News - trang web bảo thủ cực đoan, để cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự của ông từ bên ngoài Nhà Trắng. Trong một cuộc phỏng vấn tại Washington ngày 19-8, ông Bannon đã kêu gọi các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Quốc hội nên nhiệt tình ủng hộ những ưu tiên của Tổng thống Donald Trump về thuế, thương mại và tài trợ xây dựng một bức tường biên giới Mỹ và Mexico, nếu không sẽ chuốc lấy “cơn thịnh nộ” từ lực lượng của tổng thống.

Sau khi sa thải ông Bannon, Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi ông Bannon là “tuyệt vời” trong chiến dịch tranh cử đánh bại ứng viên Tổng thống Hillary Clinton. Một số bạn bè và cựu đồng nghiệp của Bannon cho biết, ông này tiếp tục tấn công “những người theo chủ nghĩa toàn cầu và các đảng viên Dân chủ trong Nhà Trắng”.

Trong tháng 9, Quốc hội Mỹ sẽ phải vượt qua một loạt các thách thức, bao gồm cả việc thông qua mức trần nợ công quốc gia. Ông Donald Trump cũng muốn Quốc hội cố gắng thông qua dự luật y tế thay cho luật Obamacare, cải cách thuế. Nếu Tổng thống Donald Trump và các nhà lập pháp tiếp tục chia rẽ, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn.

Về vai trò của ông Bannon, theo các nhà phân tích, tuy ảnh hưởng của ông này đã rõ ràng đối với một số chính sách của ông Donald Trump như về thương mại, nhập cư và quyết định rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, nhưng ông Bannon không thể giúp gì hơn cho tổng thống với dự luật y tế, xây tường trên biên giới Mỹ - Mexico hay cải cách thuế vốn đang chia rẽ trầm trọng tại Quốc hội Mỹ, cho dù cả hai viện của Quốc hội hiện do đảng Cộng hòa chiếm đa số.

Tin cùng chuyên mục