Mỹ và Tây Ban Nha đua nhau lập nhà máy điện mặt trời

Mỹ và Tây Ban Nha đua nhau lập nhà máy điện mặt trời
Mỹ và Tây Ban Nha đua nhau lập nhà máy điện mặt trời ảnh 1

Nhà máy điện mặt trời trong sa mạc Mojave

Giá dầu tăng cao, các nhà máy điện từ năng lượng mặt trời ngày càng trở nên hấp dẫn với nhiều dự án đang đua nhau nở rộ. Hiện Mỹ và Tây Ban Nha là 2 nước có nhiều tham vọng nhất trong việc phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời.

Từ pin quang điện đến gương khổng lồ


Theo báo cáo của Viện Chính sách địa cầu (Mỹ) công bố ngày 24-7, ước tính đến năm 2012, công suất một nhà máy điện mặt trời có thể đạt 6.400 kilowatt, gấp 14 lần công suất hiện nay. Theo các chuyên gia, giá điện mặt trời vào khoảng từ 0,13 - 0,17 USD/kW, đủ sức cạnh tranh với nhiệt điện sử dụng khí đốt.


Với các dự án sản xuất khoảng 5.600 megawatt điện năng, hệ thống nhà máy điện mặt trời tương lai ở miền Tây nước Mỹ có khả năng cung cấp năng lượng cho khoảng 1,7 triệu gia đình. Các nhà máy điện quy mô lớn không dừng lại ở việc sử dụng các loại pin quang điện mà sẽ sử dụng các tấm gương khổng lồ để thu năng lượng mặt trời, tập trung nhiệt lượng vào một đường ống dẫn chất lỏng.

Hơi nước tạo thành từ các đường ống này sẽ dùng để quay turbine phát điện. Tổ hợp điện mặt trời lớn nhất của Mỹ trong sa mạc Mojave, bang California, từ năm 1980 đến nay cung cấp điện cho gần 100.000 gia đình trong vùng.


Trong khi đó, Tây Ban Nha đã triển khai khoảng hơn 60 dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời. Mới đây, nước này đã khánh thành tháp sản xuất quang nhiệt điện đầu tiên ở Sanlucar, gần Seville. Đầu tháng 7 này, Hội nghị thượng đỉnh thành lập Liên minh Địa Trung Hải đã khẳng định sẽ cho xây dựng một nhà máy điện mặt trời lớn tại sa mạc Sahara, nhằm cung cấp điện cho châu Âu và châu Phi. Dự kiến đến năm 2050, nhà máy này sẽ đạt công suất 100.000 megawatt.

Giá còn đắt nhưng nhiều ưu điểm

Một số chuyên gia về năng lượng thay thế tại Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ nói rằng, điện mặt trời vẫn còn đắt so với năng lượng sản xuất bằng sức gió và từ chất thải sinh học. Điện sản xuất từ nhiệt mặt trời hiện tốn từ 12-15 cent/kWh, trong khi đó điện sản xuất bằng khí đốt tự nhiên chỉ tốn khoảng 10 cent/kWh.

Tuy nhiên, điện sản xuất từ nhiệt mặt trời lại có những ưu điểm rõ rệt, đáng tin cậy hơn điện sản xuất từ sức gió vào ban ngày, thời điểm giá lên cao nhất. Và không như các nhiên liệu được sản xuất từ chất thải sinh học, việc sản xuất điện mặt trời không sinh ra các chất khí gây hiệu ứng nhà kính.

Điện từ nhiệt mặt trời cũng đang được phát triển trên khắp thế giới. Ngoài Mỹ và Tây Ban Nha, những nơi tốt nhất để phát triển các nhà máy điện từ nhiệt mặt trời là Australia, Trung Đông, khu vực Bắc Phi... Những nơi này còn có thể xuất khẩu điện từ nhiệt mặt trời tới châu Âu và những nước khác qua những đường dây điện kỹ thuật cao.

Cuối năm 2007, Công ty Năng lượng mới Algeria (NEAL) thông báo kế hoạch về tuyến tải điện dài 3.000km nối Algeria với Đức. Đây là tuyến khởi đầu cho mạng lưới điện nối Bắc Phi với châu Âu, trong tương lai sẽ truyền tải 80% lượng điện mặt trời sản xuất ở sa mạc Sahara. Chỉ cần một phần năng lượng mặt trời rất dồi dào ở sa mạc Sahara đã đủ đáp ứng nhu cầu điện của các nước vùng Địa Trung Hải, cả của châu Âu.

HẠNH CHI (theo EARTHTimes, Science)
( SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục