Năm 2018, thuế nhập khẩu giảm sâu: Sức ép lên doanh nghiệp nội địa

Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), lộ trình cắt giảm thuế quan vào năm 2018 sẽ có khoảng 7% số dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng, trong đó có nhiều mặt hàng trọng yếu sẽ được xóa bỏ thuế khi giao thương từ các nước ASEAN. Đó là sự thay đổi lớn với thị trường trong nước, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh nhạy và có chiến lược thích ứng để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

 

 

Sản xuất dầu thực vật tại một đơn vị Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất dầu thực vật tại một đơn vị Ảnh: CAO THĂNG
Tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ

Khi thuế quan giữa các nước ASEAN được xóa bỏ, đồng nghĩa hàng hóa Việt Nam được tiếp cận với thị trường 10 nước ASEAN (với khoảng 620 triệu người tiêu dùng), mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp trong nước. Đồng thời cũng sẽ tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, bởi khi thị trường được mở rộng thì hàng hóa nước ngoài sẽ tràn ngập, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải có bước chuẩn bị để cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ hơn. 

Có thể thấy, tính đến nay, ASEAN là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam lớn thứ 4 (sau Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc), kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2017 đạt 18 tỷ USD, tăng 26,8%. Còn hàng nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc), tính riêng 10 tháng năm 2017, kim ngạch nhập khẩu đạt 22,8 tỷ USD (tăng 19%, tương đương gần 3 tỷ USD) chiếm 13,25% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn, tận dụng ưu đãi đặc biệt theo hiệp định là hàng điện gia dụng; ô tô tải; máy tính và sản phẩm điện tử, linh kiện; hàng rau quả; ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống; sữa và các sản phẩm từ sữa; giấy các loại…

Từ đó cho thấy, hàng hóa nhập khẩu từ thị trường ASEAN sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong khi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang ASEAN các nhóm hàng chủ lực như gạo, dầu thô, sắt thép, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xăng dầu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… nhưng trong đó, nhiều mặt hàng điện, điện tử là do các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) đầu tư sản xuất hoặc gia công rồi xuất đi, mang lại giá trị gia tăng không lớn cho quốc gia. Còn hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ ASEAN chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như xăng dầu, nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử - linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, chất dẻo nguyên liệu…

Như vậy, vào năm 2018, có 7% tổng số dòng thuế linh hoạt được xóa bỏ, cắt giảm xuống 0% (trừ mặt hàng xăng dầu; một số mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm như mía đường được duy trì mức thuế suất 5% sau năm 2018) thì chắc chắn những ngành hàng trong nước chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan là các mặt hàng ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng, tủ lạnh, máy điều hòa, sữa…

Tận dụng cơ hội để giảm chi phí 

Mặc dù Bộ Tài chính đánh giá, sự tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu này không có nhiều biến đổi, ngân sách cũng bị tác động không đáng kể khi thuế từ thị trường này giảm, nhưng chắc chắn một điều, doanh nghiệp trong nước sẽ bị sức ép hội nhập, nhất là với các ngành công nghiệp ô tô, hàng linh kiện điện tử... Bởi lâu nay ngành ô tô, linh kiện điện tử trong nước chưa tạo ra được thương hiệu chất lượng cao để cạnh tranh và đang “sống” chủ yếu dựa vào bảo hộ từ các chính sách nên sự canh tranh khi hội nhập càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước. Trước hết doanh nghiệp cần tập trung tận dụng cơ hội để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ.

Đối với ngành ô tô, đây thực sự sẽ gặp khó khăn vì chủ yếu là lắp ráp chứ chưa sản xuất được nhiều nên sẽ bị tác động mạnh khi hàng nước ngoài tràn vào. Theo cam kết, thuế nhập khẩu ôtô sẽ cắt giảm hoàn toàn xuống 0% vào năm 2018. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải chịu sức ép lớn trước số lượng xe nhập khẩu từ ASEAN. Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu doanh nghiệp ô tô trong nước không có chiến lược ứng phó sẽ rất dễ bị hàng nước ngoài thao túng thị trường, giống như chuyện hàng Thái Lan vào chiếm lĩnh thị trường bán lẻ của Việt Nam thời gian qua (tại một số thị trường như Vĩnh Phúc, Hà Nội thị phần của các doanh nghiệp Thái Lan đã chiếm hơn 40%). Đó là lời cảnh báo cho ngành ô tô trong nước.
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan từ ASEAN, mức thuế suất bình quân dự kiến cắt giảm từng năm, dựa trên tổng biểu thuế hiện hành là 0,07% (năm 2018), 0,07% (năm 2019), 0,06% (năm 2020), 0,05% (năm 2021) và 0,04% (năm 2022). Riêng mặt hàng xăng dầu, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu trong ASEAN với lộ trình dài nhất tới năm 2024. Tự do hóa thương mại trong ASEAN cũng đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước khi nguồn nguyên liệu nhập khẩu phong phú và giá rẻ hơn. 

Tin cùng chuyên mục