Nắm gạo tình thương nơi đầu lũ

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ thông báo lũ trên sông Cửu Long năm 2006 cao hơn trung bình nhiều năm và diễn biến phức tạp, cũng là lúc những lão nông tri điền xã Phú Vĩnh, huyện đầu nguồn Tân Châu (An Giang) tất bật lo chuyện “cơm áo, gạo tiền” để cứu trợ cho dân nghèo. Ông Mai Văn Vững, 78 tuổi rung rung chòm râu bạc: “Ở cái xứ đầu sóng ngọn gió này, thiên tai ập đến không biết đâu mà lường. Nếu không chuẩn bị trước là đói như chơi…”.
Nắm gạo tình thương nơi đầu lũ

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ thông báo lũ trên sông Cửu Long năm 2006 cao hơn trung bình nhiều năm và diễn biến phức tạp, cũng là lúc những lão nông tri điền xã Phú Vĩnh, huyện đầu nguồn Tân Châu (An Giang) tất bật lo chuyện “cơm áo, gạo tiền” để cứu trợ cho dân nghèo. Ông Mai Văn Vững, 78 tuổi rung rung chòm râu bạc: “Ở cái xứ đầu sóng ngọn gió này, thiên tai ập đến không biết đâu mà lường. Nếu không chuẩn bị trước là đói như chơi…”. 

  • Từ “Nắm gạo tình thương” 
Nắm gạo tình thương nơi đầu lũ ảnh 1

Nhóm từ thiện của những lão nông xã Phú Vĩnh đi vận động “Nắm gạo tình thương” vào ngày 15 âm lịch hàng tháng.

Chuyện bắt đầu từ 3 mùa lũ lớn (năm 2000, 2001 và 2002), người dân xã Phú Vĩnh cũng như nhiều nơi khác ở ĐBSCL chịu thiệt hại nặng về người và của. Hàng loạt gia đình thiếu gạo ăn, có hộ bị nước lũ cuốn trôi nhà cửa không nơi ở. Lũ đi qua, dân vùng đầu nguồn vốn đã nghèo lại càng nghèo thêm. Ông Võ Văn Mãnh (Tám Mãnh), Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Phú Vĩnh - ray rứt trước tình cảnh trên. “Bà Nguyễn Thị Đẹp, tuổi già neo đơn, lũ về ngồi chịu trận, hũ gạo hết sạch chẳng có ăn! Dì Tư Khương, làm mướn hổng ai kêu- lấy tiền đâu đong gạo. Rồi ông Đặng Văn Tỏ, không ruộng, lại đau yếu liên miên, nhà hết gạo, chạy mượn cùng xóm…”- Chứng kiến những tình cảnh khốn khó của bà con, Tám Mãnh không cầm được nước mắt. Ông suy nghĩ, phải làm việc gì đó để giúp người nghèo, nhất là trong những tháng khó khăn mùa lũ.

Ý định nảy sinh trong đầu từ đó, nhưng nghĩ mãi Tám Mãnh hổng biết thực hiện thế nào? Mùa lũ năm 2004, ông bộc bạch ý định thành lập “nắm gạo tình thương” mang ra bàn với Ban trị sự và mấy ông bạn già cùng xóm. Tám Mãnh đề xuất, mỗi tháng vận động từng gia đình ủng hộ chỉ 1 lít gạo, thì toàn xã sẽ được số lượng gạo không nhỏ; dư sức hỗ trợ người nghèo lúc giáp hạt. Nghe xong, tập thể gật đầu cái rụp, lập ngay kế hoạch trình lên Đảng ủy và chính quyền địa phương. Trên dưới thống nhất, Tám Mãnh đứng ra làm “chủ xị”, phối hợp với Tổ từ thiện các ấp đến “gõ cửa” từng nhà vận động. Những gia đình khá giả không ngần ngại ủng hộ vài ba lít gạo. Nhưng không ít hộ làm ngơ, có hộ đóng cửa nhà khi thấy đoàn đến vận động. Thậm chí, nhiều người đặt vấn đề về chuyện quyên góp gạo để làm gì, hỗ trợ cho ai? Ai biết mấy ổng có tư lợi cá nhân…(!?). Ròng rã cả tháng trời, nói khô cổ họng nhưng chỉ hơn 30 hộ/2.400 hộ chịu nghe! Thất bại trước mắt, một số thành viên nản chí, chưa kể bị vợ con cằn nhằn vì bỏ công ăn việc làm lo “chuyện bao đồng”. Tám Mãnh mặt mày bí xị nhưng nhất quyết không bỏ cuộc. “Bà con có người đủ ăn, người còn nghèo khó… họ chưa tin cũng đúng, bởi vì chưa hiểu hết ý nghĩa và chưa thấy được hiệu quả! Vậy là phải tiếp tục giải thích, mưa dầm thấu sâu rồi sẽ được!”. Nghĩ thế, Tám Mãnh “xốc” tinh thần anh em lên. Sáng ngồi quán cà phê “nhỏ to”; chiều đến từng nhà nói tiếp. Dần dần bà con ngộ ra, từ 1 hộ trong xóm tin chịu ủng hộ, lan ra hàng chục hộ xung quanh. Cứ thế, phong trào ngày càng lớn mạnh.  

  • Đến cả xã làm từ thiện 
Nắm gạo tình thương nơi đầu lũ ảnh 2

Bà Trần Thị Khương, 76 tuổi, sống neo đơn được hỗ trợ “Nắm gạo tình thương” quanh năm…Ảnh: H.P.L

Nếu như ban đầu chỉ vận động được vài chục lít gạo, sau đó nâng dần lên đến 800- 1.000 lít mỗi đợt. Riêng những tháng có rằm lớn hoặc ngay mùa thu hoạch lúa… bà con ủng hộ rất cao từ 1.500- 2.000 lít gạo. Có được nguồn gạo ổn định, Tám Mãnh cùng với những cộng sự và các ngành liên quan rà soát lại những hộ nghèo cần giúp đỡ. 40 hộ có hoàn cảnh khó khăn ở 3 ấp Phú An A, Phú An B và Phú Hưng được đưa vào danh sách cấp gạo. Bà Bảy Cưng, 70 tuổi, ở ấp Phú An B, mắt bị mù lòa xúc động: “12 tháng trong năm thì hơn 6 tháng thiếu ăn. Nhận nắm gạo tình thương của bà con tôi thấy ấm lòng, quý hơn cả cho tiền cho bạc…”. Bác Hai Thà, 65 tuổi, sống neo đơn tâm sự: “Mỗi lần cầm chén cơm ăn là nhớ đến cái tình- cái nghĩa của nhiều người chia sẻ cho mình. Tôi rất quý và mang ơn họ…”. Nếu như thời gian đầu, mô hình “nắm gạo tình thương” ở Phú Vĩnh chỉ hỗ trợ gạo cho bà con nghèo lúc giáp hạt; thì nay cấp gạo quanh năm cho những đối tượng thật sự khó khăn. Đặc biệt hơn, hạt gạo nghĩa tình này còn cảm hóa được nhiều đối tượng từng sa vào tệ nạn xã hội. Ông Mai Văn Lũy, ở Tổ từ thiện ấp Phú An B kể: “Hồi trước ở xóm cầu Ông Chủ có nhiều hộ nghèo nhưng không lo làm ăn, tối ngày nhậu nhẹt quậy phá, trộm cắp… Nghĩ tới mà tức, nhưng thấy họ nghèo, con cái thiếu ăn- cầm lòng hổng được”. Ông Lũy quyết định cấp gạo hàng ngày, rồi chờ lúc thuận lợi động viên, giải thích cho họ hiểu. Từng bước bỏ tật xấu, quay lại làm ăn. Điển hình như anh Võ Văn Sơn, Phan Văn Quý… từng một thời là tay “anh chị”; nay chí thú làm ăn. Ngoài ra, còn tham gia làm từ thiện khắp nơi trong xã.

Với sự thiết thực của “nắm gạo tình thương”, đến nay trên 600 hộ thường xuyên đóng góp. Mỗi tháng cứ đến ngày 15 âm lịch, là người dân tự nguyện mang gạo ra ủng hộ. Ông Trương Văn Dạo, Trưởng ban từ thiện xã Phú Vĩnh cho biết: “Hàng tháng chúng tôi công bố rộng rãi cho bà con biết tổng số gạo vận động và số gạo hỗ trợ dân nghèo. Mọi chuyện công khai rành mạch tạo được lòng tin trong dân, do đó mức đóng góp ngày càng nhiều lên”. Không chỉ gạo, mà bà con còn tìm đến góp tiền, cây cối làm nhà, vật tư xây cầu đường… Bình quân mỗi năm Phú Vĩnh xây dựng hàng chục cầu bê tông (trị giá 100 triệu đồng/cây), 4 ấp được trải nhựa và từ 30- 40 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Ngoài số tiền mua tôn lợp, gạch lót nền, cửa, vách… hơn 40 thành viên tụ lại, mỗi người mỗi việc làm trong vòng 1 ngày là xong căn nhà giao cho hộ nghèo vào ở! Ông Phạm Văn Đông, 71 tuổi, xúc động: “Cả đời sống trong căn chòi dột nát, mưa không chỗ nằm. Tháng rồi, được cấp nhà mừng lắm. Giờ hết phập phồng lo mưa bão nhà sập, tuổi già như vậy là yên tâm rồi…!”.

Hiện tại, mô hình “Nắm gạo tình thương” ở Phú Vĩnh thu hút khoảng 60 người tham gia. Phần lớn là những người lớn tuổi, trong đó có nhiều người tuy còn khó khăn vẫn tự nguyện góp công sức. Ngoài ra, ở Phú Vĩnh còn xây dựng phòng thuốc nam miễn phí giúp bà con. Có trại hòm từ thiện và đội mai táng không nhận tiền tang gia, không dùng cơm nước… Theo ông Phạm Hữu Hiện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Phú Vĩnh: “Kết hợp chặt giữa chính quyền - các đoàn thể và tôn giáo là vấn đề then chốt để xã hội hóa phong trào làm việc nghĩa, giúp đỡ người nghèo. Từ việc làm thiết thực trên, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết xóm làng, đẩy lùi các tệ nạn xã hội”.

Rời Phú Vĩnh, một xã đầu nguồn còn nhiều khó khăn với hơn 168 hộ nghèo, nhưng ai cũng thấy ấm lòng trước cuộc sống nghĩa tình của bà con vùng lũ. “Trên 1.000kg gạo đã chuẩn bị sẵn, xuồng ghe cứu hộ và một số kinh phí cần thiết, đề phòng khi có tình huống xảy ra…”.- Đây là việc làm thường niên của ông Tám Mãnh và nhóm làm từ thiện mỗi năm khi lũ về. 

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục