Năm học 2009-2010, đối với vùng khó khăn: Sẽ miễn học phí bậc mầm non

Năm học 2009-2010, đối với vùng khó khăn: Sẽ miễn học phí bậc mầm non

Tại kỳ họp QH lần này, ĐB Danh Út (Kiên Giang) đã gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ GD-ĐT về chủ trương xã hội hóa giáo dục mầm non. Theo ĐB này, chủ trương là đúng nhưng thực tế nảy sinh quá nhiều khó khăn, nhiều nơi vì thiếu đầu tư nên thiếu trường, thiếu thầy cô giáo.

Người dân ngày càng chi nhiều tiền cho mầm non

Năm học 2009-2010, đối với vùng khó khăn: Sẽ miễn học phí bậc mầm non ảnh 1

Bao giờ trẻ ở vùng khó khăn có được điều kiện học hành như thế này? (ảnh chụp tại Trường Mầm non 19-5, TPHCM).
ẢNH: TẤN BA

Hiện nay, cả nước có 12.309 trường mầm non, trong đó có 1.484 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 12,05%. Trong số 5.980 trường mầm non ngoài công lập, trường bán công chiếm tỷ lệ 82,05%, dân lập 9,97%, tư thục 7,98%.
 
Báo cáo của các tỉnh cho thấy ngân sách Nhà nước cho giáo dục mầm non không ngừng tăng lên. Nhân dân đóng góp xây dựng xấp xỉ 50% chi phí hoạt động tại các trường bán công, dân lập và xây dựng các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Chỉ tính riêng trong năm 2008 đã huy động đóng góp từ nguồn ngoài ngân sách hơn 600 tỷ cho giáo dục mầm non, chiếm gần 1/3 kinh phí xây dựng mới, cải tạo sửa chữa và trang bị cho trường,lớp mầm non.

Từ con số đó có thể thấy, càng ngày người dân càng quan tâm đến bậc học mầm non. Không có ông bố bà mẹ nào khước từ sự đầu tư cho con cái, nhất là những năm đầu đời.

Cảnh các ông bố bà mẹ gần như phải giẫm đạp lên nhau để xin cho con vào học các trường điểm đang diễn ra tại Hà Nội và nhiều đô thị khác cũng chứng minh điều này.
 
Trong báo cáo trả lời chất vấn của ĐB Danh Út và các ĐBQH khác, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tháng 6-2009 sẽ trình Thủ tướng phê duyệt Đề án về phát triển giáo dục mầm non, theo đó phổ cập mẫu giáo 5 tuổi; giữ vững, củng cố nhà trẻ và mẫu giáo 3-4 tuổi; xây dựng thêm trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các huyện khó khăn.

Trong đó lấy phổ cập mẫu giáo 5 tuổi làm trọng tâm. Để thực hiện được như vậy, vùng đồng bào dân tộc và nông thôn đồng bằng, trường lớp chủ yếu là công lập. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư về chuyển đổi các trường. Theo đó, các trường mầm non bán công ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ chuyển sang trường công lập; ở vùng còn lại phải chuyển sang trường dân lập, tư thục.
 
Chưa thể miễn học phí mầm non

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, đối với Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, Chính phủ sẽ phân bổ nguồn vốn chương trình mục tiêu xứng đáng cho giáo dục mầm non. Từ nay đến năm 2012 có 35.328 phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi được kiên cố hóa, trong đó riêng các xã vùng khó khăn, các xã biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc là 23.260 phòng.

“Từ 2009-2012 cung cấp các bộ thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ chương trình giáo dục mầm non mới. Đào tạo nâng chuẩn 15.000 giáo viên sơ cấp lên trình độ chuẩn để thực hiện chương trình mới, bao gồm cả giáo viên người dân tộc. Mục tiêu phấn đấu gần 100% giáo viên đạt chuẩn vào năm 2015, trong đó có 8% đạt trình độ trên chuẩn vào năm 2010 và 15% năm 2015”, Phó Thủ tướng cam kết.

Để khuyến khích giáo viên mầm non, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để nghiên cứu bổ sung chính sách, chế độ để giáo viên mầm non hợp đồng cũng được trả lương theo thang lương giáo viên biên chế theo Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009-2014.

Cùng với việc “khai tử” trường bán công ở hệ mầm non, theo Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009-2014 (nếu được QH thông qua lần này), ở các vùng rất khó khăn, người dân thu nhập dưới 558.000đ/tháng/người thì trẻ sẽ không phải đóng tiền học mầm non.

Đại đa số học sinh mầm non ở tỉnh Lai Châu và Điện Biên năm 2009 và 2010 sẽ được miễn học phí và còn nhận hỗ trợ hằng tháng của Nhà nước để đủ điều kiện đi học.

Vừa qua, với đề án đổi mới cơ chế tài chính GD-ĐT giai đoạn 2009-2014, nhiều ý kiến cho rằng  tại sao không miễn học phí cho hệ mầm non trong khi Nhà nước miễn viện phí cho trẻ dưới 6 tuổi.

Bộ GD-ĐT cho rằng, chi phí giáo dục bình quân cho 1 học sinh mầm non là 2,56 triệu đồng/năm. Nếu miễn học phí, thì để đưa 6 triệu học sinh mầm non đến trường, Nhà nước phải chi 15.360 tỷ đồng/năm. Trong điều kiện ngân sách giáo dục không tăng, nếu miễn học phí toàn bộ cho mầm non thì sẽ rất khó khăn về kinh phí đối với các bậc học khác.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, giáo dục mầm non trước hết phải là trách nhiệm chăm lo của các địa phương, vì địa phương nắm tới 75% ngân sách chi cho GD-ĐT.

PHAN THẢO (SGGP-12G)   

Tin cùng chuyên mục