Nắm tay nhau vượt qua nghèo khó

Từ miếng đất bỏ hoang hay cái nghề thêu có sẵn, các chị đã sáng tạo thực hiện những mô hình trồng sen, trồng rau sạch, mở lớp dạy nghề… để không chỉ bản thân vượt qua nghèo khó mà còn giúp nhiều chị em khác thoát nghèo. 
Nắm tay nhau vượt qua nghèo khó

Từ sự chăm chỉ làm ăn, tấm lòng biết nghĩ cho người khác, các chị đã làm theo tấm gương cần, kiệm của Bác để động viên nhau tiết kiệm, vươn lên ổn định cuộc sống. 

Nắm tay nhau vượt qua nghèo khó ảnh 1 Chị Kim Long (giữa) hướng dẫn nghề thêu ruy băng cho học viên
Dạy nghề thêu cho phụ nữ 

Nộp bức tranh vừa hoàn thiện cho cô giáo, chị Lê Thị Lan Hương hồi hộp chờ nhận xét. Khi nhận được lời khen tiến bộ, chị Hương thở phào nhẹ nhõm.

“Tiền công thêu bức tranh ấy là 300.000 đồng. Tôi mới theo học có 5 buổi nhưng được chị Long tin tưởng cho nhận hàng để làm. Đó giờ làm toàn công việc cực nhọc, tôi đâu nghĩ một ngày được làm việc nhẹ nhàng lại có thu nhập khá như thế này”, chị Hương chia sẻ.

Chị Hương là một trong rất nhiều phụ nữ nhờ học lớp thêu ruy băng với cô giáo Trần Kim Long mà ổn định cuộc sống. 

Trên căn gác của gia đình chị Kim Long tại quận 1 (TPHCM), gần 10 chị em đang cặm cụi với đường kim, mũi chỉ trên tác phẩm của mình. Buổi học đầu tiên các chị được hướng dẫn thêu lá và những bông hoa violet. Cô giáo Kim Long tất bật đi lại xem xét, chỉnh sửa từng mũi kim cho “học trò”.

Người học đủ mọi lứa tuổi. Có em chỉ mới 16 tuổi, nhưng cũng có chị đã ngoài 60. Điểm chung của họ đều có hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định. Cô giáo Kim Long năm nay 56 tuổi, chị đến với nghề như một cái duyên. Trong 2 năm 2015 và 2016, chị bị 2 tai nạn đụng xe liên tiếp, sức khỏe sa sút. Nằm nhà dưỡng bệnh, chị nghĩ đến những ngày dài không định hướng phía trước.

Một lần, gặp lại các chị bạn có xưởng sản xuất đồ may thêu, túi, nón bằng cối, lục bình, nhớ đến mình cũng có chút tay nghề thêu thùa, vẽ vời, vậy là chị bắt tay nhận hàng về làm.

“Công việc giúp tôi thư giãn lại có thêm thu nhập. Từ đó tôi cải thiện tinh thần, thấy mình sống lạc quan hơn”, chị Kim Long nhớ lại.

Rồi một lần, chị thấy chị Tư bán bò kho trước hiên nhà mình suốt cả buổi sáng không bán được tô nào vì trời cứ mưa rả rích. Thấy chị Tư cực khổ dãi nắng dầm mưa mà thu nhập không ổn định, nghĩ việc mình đang làm nhẹ nhàng lại có thu nhập tốt nên chị quyết định đi tìm những chị em có hoàn cảnh khó khăn để dạy cái nghề thêu thùa. 

Cứ chị em gia cảnh khó khăn đến học thì chị Long miễn phí tiền công dạy, rồi thấy ai tay nghề cứng cáp, chị nhận hàng về cho làm. Dần dà, tiếng lành đồn đi, học viên tìm đến chị ngày càng đông. Chi hội phụ nữ phường, quận biết về lớp học của chị cũng bắt đầu liên kết giới thiệu chị em khó khăn đến học. Các khóa học được chị mở nhiều hơn và mỗi lớp chị Kim Long nhận 10 người, trong đó chị miễn học phí cho 5 chị em hộ nghèo và cận nghèo.

Từ dạy tự phát, chị tổ chức dạy bài bản tại nhà và ở hội phụ nữ. Chỉ sau 8 buổi học, chị em đã có thể thêu, vẽ trên giỏ xách, quần áo, nón và nhận hàng về làm để có thêm thu nhập. Ngoài ra, hàng tháng, chị Kim Long và nhóm chị em còn thêu các bức tranh mang bán đấu giá để gây quỹ giúp bệnh nhân ung thư. 

Khá lên từ mô hình trồng sen, rau sạch

Đưa khách đi tham quan hồ sen rộng mênh mông mà gia đình đang khai thác du lịch sinh thái, bà Phạm Thị Quý (50 tuổi, ngụ khu phố Tam Đa, phường Trường Thạnh, quận 9) không giấu niềm vui: “Vào cuối tuần và dịp lễ, tết, khách đến vui chơi đông lắm. Vợ chồng tôi với mấy đứa con làm không xuể, phải nhờ chị em trong xóm phụ giúp nấu nướng với bưng bê đồ ăn”.

Quanh các ao sen, gia đình bà Quý cất các chòi lá, cầu ván để khách nghỉ ngơi, ăn uống, chụp hình. Khi có khách đặt món ăn, bà Quý lui cui bắt gà, vịt để làm, còn ông Lý Văn Sáng (chồng bà Quý) thì lội xuống ao móc ngó sen lên để vợ chế biến món ăn tươi ngon cho khách.

Đưa vợ bó ngó sen, ông Sáng cho biết: “Hồi xưa vợ chồng tôi làm lụng cực khổ lắm mà đâu có đủ ăn. May nhờ được hỗ trợ mượn 4ha đất để khai thác trồng sen. Lấy công làm lời, nay gia đình tôi đã đủ ăn, đủ mặc, lo cho con cái học hành”. 

Năm 2009, thấy khu đất sau nhà mình bỏ hoang, vợ chồng bà Quý hỏi thăm và được chủ đất sẵn lòng cho mượn để cải thiện cuộc sống. Ban đầu là trồng sen lấy ngó, lấy củ, năm 2015 được sự hỗ trợ vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận, được Hội Nông dân quận 9 đưa đi học tập tham quan các mô hình, vợ chồng bà Quý chuyển đổi làm mô hình khu du lịch sinh thái. Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ đôi bàn tay trắng, nay vợ chồng bà Quý đã có ngôi nhà khang trang với đủ tiện nghi. 

Mấy năm nay, mô hình mượn đất để trồng sen, rau sạch được Hội Phụ nữ quận 9 liên kết triển khai rộng rãi đến chị em phụ nữ nghèo. Không chỉ trên địa bàn phường Trường Thạnh, mà tại phường Long Phước, mô hình mượn đất trồng sen kết hợp nuôi cá, trồng rau củ quả cũng được thực hiện rất hiệu quả.

Theo bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 9, mô hình đã giúp nhiều hộ gia đình nghèo khá lên, cải thiện cuộc sống và ra khỏi diện hộ nghèo.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tìm các mảnh đất bỏ hoang để giới thiệu chị em có nhu cầu. Hội cũng sẽ hỗ trợ vốn, liên kết các nơi tìm đầu ra cho sản phẩm, giới thiệu khách hàng cho các chị trong mô hình này”, bà Hương cho biết.

Tin cùng chuyên mục