Nan đề cần hóa giải

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tuần sau, nhiều cuộc họp đã diễn ra để thẩm tra, phân tích báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm nay và dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP 2018 trình Quốc hội.
Theo Chính phủ, trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao năm nay, dự kiến có 8 chỉ tiêu đạt, 5 chỉ tiêu vượt mức kế hoạch; hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Đây được cho là một cố gắng lớn trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt. Tuy vậy, tại nhiều cuộc họp, không ít đại biểu đã phân tích, đặt câu hỏi về tính chuẩn xác của những con “số đẹp” trong báo cáo. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lưu ý Chính phủ cần một lời giải thích thuyết phục hơn khi trình bày trước Quốc hội vào kỳ họp này.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 2017, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh một số điểm: Ước thu nội địa cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán. Đặc biệt, thu từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán. Đáng chú ý là DNNN có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%), nhưng Chính phủ vẫn ước thực hiện cả năm đạt 100%, là rất khó khăn. Theo phân tích của cơ quan thẩm tra, nếu loại trừ khoản thu tiền sử dụng đất (93.500 tỷ đồng), thu cổ tức, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp (120.000 tỷ) và thu xổ số kiến thiết (26.200 tỷ) thì số thu nội địa giảm so với dự toán. Điều này cho thấy khả năng phục hồi tăng trưởng còn chậm, thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững và thiếu ổn định.

Về xuất khẩu, được xem là một điểm sáng trong năm nay khi kết thúc 9 tháng cán cân thương mại hàng hóa đảo chiều, quay lại trạng thái xuất siêu đạt mức 330 triệu USD. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa so cùng kỳ tăng 20%, cao hơn nhiều so với các năm trước. Điều đáng nói, kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI 9 tháng qua chiếm tới 66,3% tổng giá trị hàng hóa của cả nước. Như vậy, xuất siêu có được là nhờ vào công đầu của khối FDI. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu nhận xét: “Tăng trưởng phục hồi phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của Samsung và cả Formosa, thì liệu có bền vững? Trong khi nguồn gốc của tăng trưởng là điểm cốt tử bảo đảm hạnh phúc trong tương lai. Chúng ta đang mắc phải vấn đề ở nền tảng của tăng trưởng. Nếu không xem xét thấu đáo, cứ mải chạy theo GDP mà không chú ý đến những vấn đề nền tảng thì không thể có tăng trưởng bền vững. Đồng thời, Chính phủ phải khơi dậy được động lực phát triển thực sự và rộng khắp cả nước, vì hiện chỉ có 13 tỉnh, thành đóng góp (ngân sách) cho sự phát triển”.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn về môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng theo nhiều chuyên gia đây vẫn còn là nan đề chưa được hóa giải thỏa đáng. Quy định các điều kiện kinh doanh vô lý có thể chôn vùi hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh của người Việt. Theo Luật Đầu tư năm 2014, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh xuất hiện là nằm bảo đảm “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Nhưng hiện nay có quá nửa trong số 4.284 điều kiện kinh doanh lại không phải để thỏa mãn yêu cầu này. Đánh giá hiện trạng, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng trong nhiều trường hợp các tiêu chí trên đã bị lạm dụng. Các thuyết minh sự cần thiết phải quy định về điều kiện đầu tư - kinh doanh không có sự phân tích, đánh giá rõ ràng về mức độ rủi ro, nêu rõ sự cần thiết phải can thiệp bằng quy định pháp luật.

Trong hội nhập, doanh nghiệp nội địa phải tỏ rõ bản lĩnh, đứng vững trên đôi chân của mình, không thể nâng cao sức mạnh nền kinh tế bằng việc nhờ doanh nghiệp bên ngoài làm thay. Điều đáng tiếc là với hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tình hình vẫn chưa cải thiện. “Thực tế số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và chờ giải thể có xu hướng tăng cao. Trong 9 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 49.345, tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp không đăng ký hoặc chờ giải thể là 30.846 doanh nghiệp, tăng 7,1% so cùng thời gian 2016”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nêu nhận xét.

Nghị quyết của Đảng xác định kinh tế tư nhân là một động lực phát triển của đất nước, đặt ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên một câu hỏi vẫn đặt ra đau đáu: Vì sao kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh? Góp phần giải đáp nan đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nêu nhận định: “Thể chế nào, doanh nghiệp thế ấy. Khi môi trường kinh doanh không thúc đẩy cạnh tranh thì không thể tạo ra liên kết. Chúng ta không có chuỗi, không có mạng lưới liên kết thì không thể tạo nên lực lượng doanh nghiệp vững vàng. Hiện tại nền kinh tế nước ta đang thiếu cả những trụ cột là các doanh nghiệp tư nhân lớn”. Nhiều chuyên gia cho rằng mấu chốt của vấn đề là nguồn lực đất nước vẫn đang được phân bổ theo cơ chế xin - cho, thiếu sự cạnh tranh; còn nhiều rào cản kinh doanh làm hạn chế hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh ấy là bệnh “nghiện quản lý” của cơ quan nhà nước. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sự “cởi trói” và những bước đi mạnh mẽ hơn của các bộ ngành và địa phương, nhằm tạo ra sự phát triển đột phá nền kinh tế trong thời gian tới.

Khả năng năm nay đạt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội là kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên nhiều người lại bày tỏ thái độ băn khoăn, vì thực tế cho thấy vẫn chưa bảo đảm tính bền vững do thiên tai trong nước đang xảy ra dồn dập và môi trường quốc tế tiếp tục bất ổn. Vì vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao như vừa qua là bài toán rất khó. Chính vì điều đó, năm 2018 Chính phủ dự kiến trình Quốc hội mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5%-6,7%, không cao hơn năm 2017. Điều này là hợp lý nhằm tập trung hóa giải các nan đề đang đặt ra: Cơ cấu lại nền kinh tế mang tính thực chất, thúc đẩy chuyển dịch ngành có giá trị gia tăng thấp sang ngành có giá trị gia tăng cao hơn; tiếp tục đổi mới thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; động viên bằng được mọi nguồn lực xã hội vào công cuộc phát triển đất nước...

Tin cùng chuyên mục