Nan giải bài toán rác thải ở Long An

Nhiều tháng nay, mỗi ngày tỉnh Long An có gần 150 tấn rác sinh hoạt “dôi dư” không được xử lý, do các nhà máy xử lý rác ở tỉnh này đã quá tải. Làm sao để giải quyết hết lượng rác thải tồn ứ trên địa bàn đang là vấn đề nan giải của tỉnh Long An. 
Rác tồn ứ tràn lan
Đến Long An thời điểm này, sẽ không khó để bắt gặp cảnh rác thải tràn ngập trên nhiều con đường từ thành phố Tân An đến các huyện, thị trong tỉnh. Rác tồn ứ nhiều nhất có lẽ là ở huyện Đức Hòa, nơi có 3 thị trấn và nhiều khu công nghiệp. Rác ở khắp nơi, từ chợ đến các tuyến đường, trước cổng các khu công nghiệp.
Tại chợ Bàu Trai thuộc thị trấn Hậu Nghĩa, một đống rác lớn án ngữ ngay đầu chợ, đầy ruồi muỗi, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, khiến ai đi qua cũng phải bịt mũi. Một số người dân cho biết, rác ùn ứ là do mấy ngày qua, lực lượng thu gom rác không đến dọn dẹp.
Còn tại các xã Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, nơi tập trung nhiều công nhân tạm trú (đoạn trên tuyến đường tỉnh 825 đi ngang), có thời điểm, rác chất cao gần cả mét…
Nan giải bài toán rác thải ở Long An ảnh 1 Rác ngập tràn ở đầu chợ Bàu Trai (huyện Đức Hòa)
Hay ngay đường vào cổng Khu công nghiệp Tân Đức và Hải Sơn, rác thải rải đầy hai bên đường. Theo ông Thành và nhiều người dân khác ở khu vực chợ Chiều của xã Đức Hòa Hạ, cả tuần qua không có ai dọn nên rác tồn đọng nhiều, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Một cán bộ của xã Đức Hòa Hạ cho hay, lượng rác thải ra trên địa bàn xã vào khoảng 5 tấn/ngày, do những ngày qua rác chưa được thu gom phân hủy nên bốc mùi xú uế. 
Theo đồng chí Nguyễn Văn Út, Bí thư Huyện ủy Đức Hòa, việc nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa ở huyện Thạnh Hóa tạm thời từ chối tiếp nhận rác thải của huyện đã dẫn đến tình trạng rác thải bị tồn đọng. Chính quyền huyện đã báo cáo tình trạng này lên lãnh đạo tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường, để tìm cách xử lý rác.
Thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Long An cho biết, lượng rác thải ra tại tỉnh này vào khoảng 530-550 tấn/ngày, trong đó, huyện Đức Hòa “góp” 130-150 tấn rác/ngày. Trước đây, rác thải được 2 đơn vị là Công ty CP Đô thị Đức Hòa và Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Môi trường Công nghiệp xanh thu gom, đưa về các điểm trung chuyển của TPHCM và bãi rác Phước Hiệp (ở Củ Chi) để xử lý.
Tuy nhiên, từ ngày 1-5-2017, UBND TPHCM đã quyết định không cho các nhà máy xử lý rác trên địa bàn thành phố tiếp nhận rác từ huyện Đức Hòa. Từ đó, rác của huyện này phải đưa về Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa ở huyện Thạnh Hóa, nhưng do nhà máy không đủ khả năng tiếp nhận hết lượng rác thải trong tỉnh nên đã xảy ra cảnh ùn đọng rác thải… 
“Cầu cứu” TPHCM
Công suất xử lý rác tối đa của Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa chỉ khoảng 220-250 tấn/ngày. Ngoài một lượng rác nữa được đưa về nhà máy ở Đa Phước, số rác tồn đọng còn lại trên toàn tỉnh Long An trên 150 tấn/ngày, tập trung chủ yếu ở huyện Đức Hòa. Ông Phan Nhân Duy, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Long An, cho biết: “Trước thực trạng này, UBND tỉnh Long An đã gửi công văn đến UBND TPHCM, đề nghị giúp Long An xử lý 100 tấn rác/ngày.
Vừa qua, UBND TPHCM có công văn phản hồi với nội dung chấp thuận chủ trương hỗ trợ tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tại nhà máy của Công ty CP Vietstar đến hết năm 2017. Kinh phí vận chuyển và xử lý do UBND tỉnh Long An chi trả theo quy định”.
Cũng theo ông Duy, để được hỗ trợ tiếp nhận xử lý rác thải, UBND huyện Đức Hòa trước tiên phải xây dựng phương án hướng tuyến vận chuyển rác về khu xử lý rác của Vietstar ở TPHCM. Đến khi TPHCM thống nhất với phương án trên, Vietstar mới bắt đầu tiếp nhận rác để xử lý.
Ngoài ra, UBND huyện Đức Hòa cũng phải cung cấp danh sách về số lượng xe, biển số xe vận chuyển để tiện quản lý. TPHCM cũng đề nghị Long An có biện pháp kiểm tra, giám sát và yêu cầu các đơn vị vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh trong quá trình vận chuyển. 
Long An đã tạm thời giải quyết được bài toán rác thải trước mắt, nhưng đến hết năm 2017, vấn đề trên sẽ được xử lý như thế nào? Một điều nữa mà dư luận Long An luôn băn khoăn là Khu công nghiệp Môi trường Xanh do ông David Dương (Việt kiều Mỹ) đầu tư xây dựng ở xã Tân Lập của huyện Thủ Thừa trên diện tích hơn 1.700ha (đến nay đã trễ gần 2 năm) chưa biết bao giờ mới đi vào hoạt động.

Tin cùng chuyên mục