Nan giải… sân bay Tân Sơn Nhất: Kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường

  Vài năm gần đây, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã trở thành một trong những khu vực “đen” về giao thông tại TPHCM. 
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải Ảnh: CAO THĂNG
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải Ảnh: CAO THĂNG
Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên và kéo dài nhiều giờ. Chưa hết, mưa cũng đã gây ngập sâu nhiều khu vực trong sân bay. Nhiều chuyến bay đã bị chậm, ảnh hưởng tiêu cực đến việc đi lại của người dân và hoạt động của các hãng hàng không.
Kẹt cả trong lẫn ngoài
Gần 6 tháng đã trôi qua nhưng anh Trần Minh Phương, công tác tại một công ty liên doanh với Nhật Bản, vẫn không thể nào quên vụ kẹt xe kinh hoàng ngày 9-1-2017 tại đường Trường Sơn, dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Để không bị lỡ chuyến bay, anh Phương đã phải xuống ô tô, kéo vali chạy bộ từ đoạn gần với siêu thị Superbowl vào tới sân bay Tân Sơn Nhất dưới cái nóng oi ả của buổi giữa trưa, lại phải đi một đoạn đường gần 1km trong ngột ngạt mùi khói xe.   
    Những vấn đề liên quan đến hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất đã và đang làm “nóng” nhiều cuộc họp của Quốc hội. Với vị trí và vai trò là sân bay quốc tế, cửa ngõ phía Nam của đất nước, những vấn đề mà sân bay Tân Sơn Nhất đang gặp phải cần được mổ xẻ và có giải pháp khắc phục hiệu quả, khả thi và bền vững nhất.
Vụ kẹt xe ngày 9-1-2017 là một trong những vụ kẹt xe khủng khiếp nhất tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thời gian gần đây. Nguyên nhân ban đầu được xác định do lượng xe ùn tắc ở đường Trần Quốc Hoàn, Lăng Cha Cả, Phan Thúc Duyện (các tuyến đường xung quanh sân bay) dẫn đến lượng xe ở các ga quốc tế, quốc nội cũng bị tắc theo. Vụ ùn tắc bắt đầu từ khoảng 11 giờ và tới hơn 14 giờ mới bắt đầu được giải tỏa. Tuy nhiên, đây không phải là vụ kẹt xe cá biệt ở khu vực này. Chỉ trong tháng 5-2017, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã ghi nhận có 16 vụ ùn xe (vận tốc đi lại trung bình của các phương tiện giao thông < 5km/giờ trong khoảng thời gian 30 phút). 
Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có duy nhất lối ra vào là đường Trường Sơn. Lượng xe quá nhiều nên việc điều tiết giao thông gặp khó. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, đây là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông. Các bãi đậu xe không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt số lượng xe taxi, ô tô cá nhân ra vào sân bay thường xuyên lên tới hàng ngàn chiếc nhưng sân bay chỉ có 200 vị trí dừng, đậu. TPHCM đã tổ chức 4 tuyến xe buýt chất lượng cao để đưa đón hành khách đi và đến sân bay nhưng lượng người đi vẫn rất thấp. Trong khi đó, lượng hành khách ra vào sân bay liên tục tăng. Theo Cục Hàng không Việt Nam, công suất khai thác thực tế của sân bay Tân Sơn Nhất năm 2016 là 32,5 triệu lượt hành khách, đã vượt quá quy hoạch trên 20%. 
Sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không, đặc biệt là hàng không giá rẻ với mức tăng hơn 20%/năm là thành tựu đáng ghi nhận của ngành trong những năm qua. Thế nhưng, đáng tiếc, hệ thống sân bay và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đi kèm lại không tăng trưởng tương ứng. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường cất hạ cánh song song. Khoảng cách giữa 2 đường là 365m. Đây là khoảng cách mà theo các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) không được cho các máy bay khởi hành trên hai đường trong cùng một thời điểm để đảm bảo an toàn bay. Thành thử, như Tổng Công ty Cảng hàng không Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (ACV) nhận xét, có 2 đường hạ cất cánh nhưng gần như là 1 đường trong công tác điều hành bay. Đã vậy, vị trí đậu máy bay cũng thiếu. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 52 vị trí, trong đó 50 vị trí phục vụ cho máy bay thương mại và 2 vị trí phục vụ cho máy bay trong trường hợp khẩn nguy. Theo nhiều chuyên gia, sân bay Tân Sơn Nhất cần ít nhất 80 vị trí mới cơ bản phục vụ được nhu cầu lưu đậu của máy bay. 
Ngập nước và ô nhiễm tiếng ồn
Tình trạng ngập ở sân bay Tân Sơn Nhất thực sự gây nguy hiểm cho các chuyến bay bắt đầu diễn ra từ giữa năm 2016. Cơn mưa lớn chiều 26-8-2016 đã làm một số vị trí sân đậu từ bãi đậu số 10 đến bãi đậu số 14, 51, 56 ngập cục bộ, khiến gần 70 chuyến bay bị ảnh hưởng, trong đó 2 chuyến phải hủy, 14 chuyến phải hạ cánh xuống các sân bay lân cận như Liên Khương, Cần Thơ… 
Cơn mưa ngày 1-4-2017 làm 35 chuyến bay của Vietnam Airlines bị chậm từ 30 phút đến 2 giờ…
Theo ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, nguyên nhân chính của tình trạng này do kênh A41 - tuyến kênh có nhiệm vụ tiêu thoát 50% lượng nước ở sân bay ra ngoài bị tắc nghẽn. Kênh A41 trước đây rộng 6 - 8m với hai bên bờ thông thoáng, nhưng hiện đã bị lấn chiếm rất nhiều. Ngoài ra, 2 hướng thoát nước khác của sân bay là kênh Hy Vọng và mương Nhật Bản cũng bị bồi lắng nhiều, khả năng tiêu thoát nước giảm. Hiện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM mới nạo vét cải tạo xong mương Nhật Bản (đoạn từ tường rào sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Nguyễn Kiệm). Hướng thoát nước này cơ bản đã được xử lý nhưng tình trạng ngập ở sân bay Tân Sơn Nhất vẫn có thể xảy ra nếu tiếp tục có mưa lớn, bởi mương Nhật Bản chỉ đảm nhận một phần nhỏ trong việc thoát nước cho sân bay.
Nan giải… sân bay Tân Sơn Nhất: Kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường ảnh 1 Phương tiện giao thông nối đuôi nhau qua khu vực phía trước sân bay Tân Sơn Nhất 
Sự phát triển của ngành hàng không, đặc biệt là hàng không giá rẻ mang lại cơ hội được đi máy bay cho nhiều người, song cũng làm nảy sinh một vấn đề lớn. Đó là với mật độ máy bay lên xuống dày đặc, tiếng gầm rú của máy bay đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân sinh sống quanh sân bay. Như Tiến sĩ Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, phân tích: do hầu hết các sân bay xây trước thập niên 70, thường được làm trong thành phố hoặc gần thành phố. Khi đó, ngành hàng không chủ yếu khai thác các loại máy bay nhỏ, động cơ yếu, độ ồn thấp và nhận thức về độ nguy hiểm của tiếng ồn đối với sức khỏe con người còn đơn giản. Cho nên những hệ lụy phức tạp về môi trường, tiếng ồn của hoạt động hàng không chưa được quan tâm đúng mức. Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi, nhiều quốc gia, nhiều tổ chức hàng không đã nhận thấy những tác hại không lường của tiếng ồn. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông và môi trường ở nước ta cũng đã hiểu được mối nguy đó, nhưng giải pháp khả thi nào để giải quyết vấn nạn này cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện chưa có.

Tin cùng chuyên mục