Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với quyết tâm thay đổi hình ảnh của người bác sĩ, đề cao tinh thần và thái độ phục vụ, trong các năm gần đây, Bộ Y tế đã chủ xướng nâng cao chất lượng bệnh viện (BV), hướng đến phục vụ thay vì ban ơn! Bộ công cụ tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở khám chữa bệnh (KCB) được ban hành, sửa đổi khắt khe hơn, trong đó tập trung vào những dịch vụ thực sự vì người bệnh. Tháng 11-2016, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định số 6858 ban hành Bộ tiêu chí chất lượng BV Việt Nam, gồm 83 tiêu chí được rút kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung có yêu cầu chặt chẽ hơn.

Phục vụ từ những sáng kiến

Là một BV chuyên khoa phụ sản, BV Phụ sản Hùng Vương TPHCM đã nỗ lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người bệnh và sản phụ. Ngoài những yêu cầu chuyên môn thường quy, BV khuyến khích cán bộ, y bác sĩ có những sáng kiến mới nhằm hướng đến người bệnh. Trong đó, có việc sử dụng bảng kiểm làm tăng sự an toàn chuyển tuyến đối với bệnh lý sản, phụ khoa của tuyến cơ sở. Kết quả ghi nhận của 251 trường hợp tuyến cơ sở chuyển tuyến bệnh lý sản phụ khoa đến BV Hùng Vương cho thấy: Hồi sức ban đầu không hiệu quả chiếm 36%; hồi sức trong khi chuyển tuyến không hiệu quả chiếm 41% và chuyển tuyến không an toàn chiếm 42%. Tuy nhiên, khi sử dụng bảng kiểm trước chuyển tuyến tại cơ sở và công tác giám sát phản hồi tiếp nhận chuyển tuyến tại BV tuyến trên thông qua bảng kiểm tiếp nhận đã giúp chuyển tuyến sản phụ khoa của tuyến cơ sở an toàn và hiệu quả hơn, đồng thời giúp nâng cao chất lượng chuyên môn của cả mạng lưới y tế hiện nay… Hay sổ tay an toàn trong y tế - cẩm nang “bỏ túi” của nhân viên y tế - được BV Chợ Rẫy sáng kiến cũng nhắm đến mục tiêu vì người bệnh phục vụ chu đáo hơn, tốt hơn. Sổ tay dày 13 trang nhằm trang bị cho toàn bộ nhân viên y tế tham khảo, thực hành đảm bảo an toàn người bệnh, cung cấp một số quy trình chuyên môn thường sử dụng; những lưu ý và các bài học kinh nghiệm từ các sự cố y khoa được báo cáo tại BV nhằm thực hành chuyên môn an toàn…

Khám bệnh cho người dân tại một cơ sở y tế tại TPHCM

Đáng chú ý là “Quy trình báo động đỏ” mà BV Nhi đồng 1 TPHCM sáng kiến đã cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch như bé trai sơ sinh bị dao đâm xuyên não (tháng 8-2015); một bé bị tai nạn giao thông khi còn nằm trong bụng mẹ (tháng 10-2014) dọa sốc với phần cẳng chân phải đứt lìa; một bệnh nhân 10 tuổi ở Long An bị té vỡ gan, máu chảy dữ dội (tháng 3-2013)...  “Báo động đỏ” là giải pháp xử lý kịp thời cho những trường hợp nguy kịch cần phối hợp cùng lúc nhiều chuyên khoa. Đây là quy trình phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp nhằm can thiệp ngoại khoa cấp cứu đối với người bệnh trong tình trạng nguy kịch. Mục tiêu là khẩn trương vừa hồi sức vừa tiến hành can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay cho người bệnh. Bỏ qua một số khâu của quy trình cấp cứu thông thường như hội chẩn, chờ hồi sức nội khoa ổn định, xét nghiệm máu, X-quang, siêu âm…, quy trình này yêu cầu toàn bộ ê kíp y bác sĩ hồi sức, phẫu thuật và các chuyên khoa liên quan phải có mặt ngay tại phòng mổ trong thời gian sớm nhất. Từ tháng 4-2016, quy trình “Báo động đỏ” của BV Nhi đồng 1 được Sở Y tế TPHCM nhân rộng trong hệ thống các cơ sở KCB toàn TP…

Bỏ “thói” ban ơn

Theo Bộ Y tế, kết quả đánh giá chất lượng cơ sở KCB năm 2016 là mốc khởi điểm cho chu kỳ đánh giá cải tiến chất lượng cho 2 năm tiếp theo 2017 và 2018. Năm 2017, các tiêu chí mới sẽ được Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục ban hành bổ sung nhằm đánh giá chất lượng BV toàn diện hơn, giúp BV ngày càng nâng cao chất lượng KCB hướng tới sự hài lòng người bệnh. Nói như Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê thì không chỉ lấy người bệnh làm trung tâm cho hoạt động KCB, mà còn phải đáp ứng các nhu cầu tiện ích cho người bệnh và thân nhân trong thời gian điều trị tại BV. Sơ kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” hồi giữa tháng 7-2016, Bộ Y tế cho biết 87,67% bệnh nhân hài lòng đối với dịch vụ KCB. Đây được xem là một nỗ lực rất lớn khi tỷ lệ hài lòng của người bệnh đã tăng lên đáng kể.

Thực hiện Thông tư 37 về điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, đến nay Bộ Y tế đã triển khai điều chỉnh đợt thứ 2, sau khi đã tăng đợt 1 lên mức xấp xỉ 30%, hiện đang tiếp tục điều chỉnh lần 3 nhằm hướng đến “tính đúng, tính đủ” 100% vào năm 2017. Mặt khác, hàng trăm dịch vụ y tế ngoài thanh toán bảo hiểm y tế cũng đang xem xét tăng giá. Vấn đề đặt ra, giá đã tăng liệu có tỷ lệ thuận với chất lượng dịch vụ? Tại hội nghị tăng cường quản lý chất lượng BV diễn ra tại TPHCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế với người bệnh đã có nhiều tiến bộ, nhưng trong ngành vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá vấn đề về quản lý BV vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa được nâng cao, thậm chí tại một số BV hạng đặc biệt, hạng 1, việc quản lý xử lý rác thải, quản lý các dịch vụ an ninh… vẫn còn kém.

Tại hội nghị trực tuyến với hơn 12.000 cán bộ y tế hồi đầu tháng 1-2017, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ ngành y tế còn nhiều tồn tại cần giải quyết, trong đó nổi cộm như 16.000 dịch vụ y tế mà các cơ sở y tế chưa hoàn tất kết nối với cơ quan bảo hiểm, chưa thực sự “tin học hóa”, người dân bỏ ra chi phí hàng năm tới cả tỷ USD đi nước ngoài chữa bệnh có nguyên nhân là do chất lượng phục vụ người bệnh chưa tốt, người bệnh không chấp nhận chi trả phí KCB để được… ban ơn!

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục