Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải:

Nâng cao dân trí và thực hành dân chủ là trọng tâm của công cuộc đổi mới

Nâng cao dân trí và thực hành dân chủ là trọng tâm của công cuộc đổi mới

Mở đầu bài phát biểu trước Quốc hội chiều 16-6, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Có thể đây là lần cuối cùng tôi phát biểu trước Quốc hội với cương vị người đứng đầu Chính phủ”. Do đó, nội dung bài phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ xuất phát từ tình hình hiện nay, mà còn dựa trên sự trải nghiệm 15 năm tham gia điều hành công việc Chính phủ của ông, nhất là những trăn trở về những việc chưa làm được, hoặc làm chưa tốt. Ông mong muốn, những nội dung này có thể giúp ích cho công việc chung của Nhà nước, của Chính phủ trong thời gian tới.

  • Chúng ta có nguồn lực lớn nhất và không bao giờ cạn

Sau khi điểm lại những thành tựu, khó khăn, thách thức của hai mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh: “Với bước tiến mới cả về thế và lực, cùng với quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế được nâng tầm sâu rộng hơn, nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là đưa nước ta sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển”. Nhiệm vụ này đòi hỏi trong khi tiếp tục khai thác tiềm năng tăng trưởng “theo chiều rộng”, phải chuyển mạnh sang “phát triển bền vững hơn theo chiều sâu”.

Nâng cao dân trí và thực hành dân chủ là trọng tâm của công cuộc đổi mới ảnh 1
Thủ tướng Phan Văn Khải.

Nhưng vấn đề là dựa vào nhân tố nào là chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ đó? Thủ tướng phân tích: Nước ta đất hẹp, người đông, tỷ lệ dân số nông thôn cao trong khi đất canh tác có hạn; tài nguyên đa dạng nhưng phần lớn trữ lượng không nhiều, quy mô kinh tế còn nhỏ nên nguồn vốn hạn hẹp; nguồn tài trợ bên ngoài có hạn và không thể lâu dài. Chính vì vậy, theo Thủ tướng: “Bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn, vun đắp khát vọng, ý chí vươn lên và tạo điều kiện cho mọi người phát huy khả năng hoạt động vì lợi ích của mình, và của quốc gia; đó là nguồn lực to lớn nhất, và không bao giờ cạn của sự phát triển đất nước”.

  • Mấy việc cấp bách cần làm

Cho đến nay, theo đánh giá của Thủ tướng Phan Văn Khải, sự phát triển nhân tố con người còn thấp so với khả năng và yêu cầu. Đặc biệt, tuy đã đạt được một số thành tựu, song nhìn chung “công cuộc đổi mới chưa thành công trong giáo dục - đào tạo, và trong khoa học - công nghệ”. Mặt khác, muốn phát huy tốt nhân tố con người, phải tạo lập môi trường thật sự dân chủ gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền; cộng đồng dân tộc và từng người dân làm chủ đất nước một cách có ý thức, có tổ chức, tuân thủ nghiêm minh pháp luật của Nhà nước, giữ vững kỷ cương của xã hội; cơ quan hành chính phục vụ đắc lực nhân dân, công chức là công bộc của dân. “Nhưng qua hơn 10 năm cải cách hành chính, chúng ta còn chưa đạt được tiến bộ thực chất, nhất là trong quan hệ của bộ máy Nhà nước với công chúng” - Thủ tướng trăn trở.

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải chính thức xin từ nhiệm
“Tại Đại hội lần thứ X của Đảng, do tuổi đã cao, ý nguyện của tôi xin không tiếp tục tham gia BCH Trung ương và Bộ Chính trị khóa mới, đã được chấp thuận. BCH Trung ương khóa X đã đồng ý cho tôi đề nghị với Quốc hội cho thôi chức vụ Thủ tướng Chính phủ trước khi kết thúc nhiệm kỳ hơn một năm, và chọn một Ủy viên Bộ Chính trị để Chủ tịch nước giới thiệu với Quốc hội bầu vào chức vụ Thủ tướng tại kỳ họp thứ 9. Rất mong Quốc hội chấp nhận đề nghị từ nhiệm của tôi”.

Ông cho rằng, để “xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức thực sự là công bộc của dân” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X, có “mấy việc cấp bách cần làm”. Đó là chế định cụ thể, rõ ràng quyền được thông tin của dân, và bảo đảm tính công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện thành nền nếp cơ chế phát huy trí tuệ của dân đóng góp vào việc hoạch định các chủ trương, chính sách, quy hoạch của Nhà nước, vào các công việc của chính quyền địa phương. Một giải pháp không kém phần quan trọng nữa là tạo điều kiện cần thiết để dân giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ quan, công chức nhà nước, đặc biệt là việc sử dụng vốn và tài sản công.

“Tóm lại, trong nhiều việc phải làm để phát huy nhân tố con người, tôi nghĩ rằng nâng cao dân trí và thực hành dân chủ là 2 mặt quan trọng nhất, và đang còn nhiều chỗ yếu, cần được đặt thành trọng tâm của công cuộc đổi mới trong thời gian tới” - Thủ tướng Phan Văn Khải nói.

  • Cơ chế công tác cán bộ: không gắn “nắm việc” với “nắm người”

Trước khi rời cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết, ông luôn trăn trở vì sao nhiều mặt yếu kém về kinh tế – xã hội và bộ máy công quyền đã được nhận biết từ lâu; đã có nhiều chủ trương, biện pháp khắc phục, nhưng chuyển biến rất chậm, thậm chí có những diễn biến xấu hơn.

Trong nhiều nguyên nhân rút ra, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới công tác tổ chức, cán bộ: “Khuyết điểm bao trùm trong công tác cán bộ là không có cơ chế và không đủ đức độ phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài”. Về cơ chế công tác cán bộ, theo Thủ tướng, người đứng đầu cơ quan hành chính không có đủ quyền hạn cần thiết trong việc bố trí nhân sự dưới quyền mình (kể cả việc sắp xếp, thay thế, thi hành kỷ luật); cơ chế này không gắn “nắm việc” với “nắm người”, dẫn tới sự lựa chọn, đánh giá cán bộ không thực sự dựa trên công việc, không khuyến khích được người có tài, có đức. Chức trách không rõ ràng, cùng với cơ chế công tác cán bộ không hợp lý là nguyên nhân chính khiến bộ máy hành chính không xác lập được chế độ trách nhiệm cá nhân, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho xu hướng và kẽ hở cho tệ “chạy chức”.

Thủ tướng Phan Văn Khải nhìn nhận, các vấn đề về tổ chức, cán bộ nêu trên tồn tại trong cả hệ thống hành chính nhà nước, nhưng là người đứng đầu hệ thống này, ông nhận rõ trách nhiệm của mình về những khuyết điểm đó. “Vấn đề cơ chế công tác cán bộ tuy có phần vượt ra khỏi thẩm quyền của Chính phủ, nhưng không nằm ngoài trách nhiệm của tôi với cương vị Thủ tướng, đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị” - Thủ tướng thẳng thắn nói.

  • Sớm khắc phục tình trạng Thủ tướng và các Phó Thủ tướng bị “ngập” vào quá nhiều vụ việc cụ thể

Vấn đề đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng là mối quan tâm của Thủ tướng Phan Văn Khải trước khi chuyển giao chức vụ cho người kế nhiệm. Để làm được việc này, ông cho rằng, cần sớm khắc phục được tình trạng Thủ tướng và các Phó Thủ tướng bị “ngập” vào quá nhiều vụ việc cụ thể, không dành đủ thời gian và tâm sức cho những nhiệm vụ quan trọng, những vấn đề cơ bản và lâu dài. Tổng kết năm 2005, tính bình quân một tuần làm việc, Thủ tướng và 3 Phó Thủ tướng đã phải xem xét, ký trình hoặc ký ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, ban hành 76 quyết định cá biệt và văn bản chỉ đạo; điều hành cụ thể, chủ trì 8 cuộc họp, không kể việc… dự họp Quốc hội, họp các cơ quan lãnh đạo Đảng hoặc đi công tác trong và ngoài nước.

Muốn thoát khỏi tình trạng này, theo Thủ tướng Phan Văn Khải, phải rà soát các quy định hiện hành về thẩm quyền giải quyết công việc của các cơ quan hành chính, thực hành dân chủ, mở rộng quyền làm ăn sinh sống của nhân dân, doanh nghiệp… Trên cơ sở đó, phân cấp mạnh hơn cho các bộ và chính quyền địa phương.

“Tôi mong rằng, đồng chí kế nhiệm tôi sẽ rút ra được những điều bổ ích không chỉ qua những bài học thành công, mà cả từ những mặt còn yếu và những thiếu sót của cá nhân tôi và của bộ máy Chính phủ trong thời gian qua” - Thủ tướng Phan Văn Khải nhắn nhủ trước khi kết thúc bài phát biểu.

Thủ tướng nhận lỗi và trách nhiệm trước nhân dân về nạn tham nhũng

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thẳng thắn xin “nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và Quốc hội”, vì mặc dù đã cùng Chính phủ rất quan tâm tìm biện pháp bài trừ tham nhũng, và xử lý nghiêm những vụ “đã thấy rõ”, song với chức trách, thẩm quyền được giao mà không ngăn chặn, phát hiện được sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài.

“Tôi hết sức day dứt về sự tiếp diễn nghiêm trọng tệ lãng phí, quan liêu, và nhất là tệ tham nhũng trong bộ máy công quyền, gây nhức nhức nhối, bất bình trong xã hội, cản trở bước tiến của dân tộc và đe dọa sự tồn vong của chế độ ta” - Thủ tướng Phan Văn Khải tâm sự. Về những vụ “đục khoét của công” đã phát hiện gần đây ở một số dự án lớn, đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, Thủ tướng nói: “Cùng với trách nhiệm trực tiếp của các cơ quan là chủ đầu tư, và chủ quản ban quản lý dự án, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ, trước hết là các bộ được giao chức năng, nhiệm vụ cụ thể trong việc quản lý các dự án này, và của cá nhân tôi là người đứng đầu Chính phủ”. Thủ tướng cho biết, qua các vụ tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện, cùng với việc điều tra, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật, Chính phủ đang chỉ đạo việc kiểm điểm, phân tích cặn kẽ, để thấy rõ các nguyên nhân dẫn tới tình trạng tham nhũng kéo dài, nhìn rõ các khâu yếu trong công tác quản lý nhà nước, bổ sung các biện pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục