Nâng cao hiệu lực lãnh đạo và điều hành

Theo kết luận của Bộ Chính trị vừa ban hành về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25-10-2017) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. 

6 mô hình thí điểm đều được cụ thể hóa rõ đối tượng, rõ việc, rõ trách nhiệm, có sự phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện. Đó là việc thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện; thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện; thí điểm trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện; về tổ chức lại đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh; thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HĐND và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung ở những nơi có đủ điều kiện.  

Theo kết luận của Bộ Chính trị, các mô hình thí điểm trên được tiến hành với những nơi có đủ điều kiện và tiến hành thận trọng, căn cơ. Với việc tổ chức lại đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh, có 3 phương án: kết thúc hoạt động đảng bộ khối doanh nghiệp; hợp nhất đảng bộ khối các cơ quan cấp tỉnh và đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh; hoặc sắp xếp lại tổ chức, biên chế của đảng ủy khối doanh nghiệp cấp tỉnh, bảo đảm tinh gọn. Như vậy, đây là một bước tiến mới, hết sức quan trọng để thực hiện, đưa nhanh Nghị quyết 18 vào cuộc sống. Cùng với việc kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao; sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ; chủ trương sáp nhập những huyện xã không đủ tiêu chí… Kết luận của Bộ Chính trị vừa ban hành sẽ đẩy nhanh quá trình tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quá trình đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy chính trị này được Đảng xác định là phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.

Trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, điều hành của Đảng thì vấn đề tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một nội dung hết sức quan trọng. Dù những năm qua các cấp đã quyết liệt triển khai, nhưng hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã, phường. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để “một nhiệm vụ chỉ một cơ quan, một tổ chức đảm nhiệm”, “một tổ chức, một cơ quan có thể làm nhiều nhiệm vụ”, “một việc chỉ một người làm”, “một người làm nhiều việc”; bổ sung các quy định, quy chế, hướng dẫn… bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa hệ thống Đảng và hệ thống chính trị. Với Nghị quyết 18, việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn các đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị được thực hiện theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; giảm tỷ lệ người phục vụ, nhất là khối văn phòng.

Theo ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương), vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được đặt ra từ lâu. Tuy vậy, đánh giá chung, bên cạnh kết quả bước đầu thì đối chiếu mục tiêu ban đầu vẫn chưa đạt được. Tổ chức vẫn phình to, biên chế không những không giảm mà còn tăng. Khi sắp xếp tổ chức bộ máy thì đi liền với đó là cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Điều đó động chạm, tác động đến tâm tư, tình cảm, thậm chí ảnh hưởng đến lợi ích của công chức, viên chức nên đây là trở ngại. Do vậy, Nghị quyết 18 đặt ra yêu cầu, việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy phải tiến hành từng bước, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, có cơ chế chính sách phù hợp với đội ngũ bị tác động và cơ chế, chính sách chế độ đối với cán bộ hợp lý.

Bên cạnh đó phải có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, nơi nào làm tốt cần được khen thưởng, nơi nào không thực hiện được cần có chế tài xử lý, trước hết là người đứng đầu. Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là phải làm tốt công tác tư tưởng để mọi người thông suốt, nhận thấy việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy là cần thiết, vì lợi ích chung của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị. Đồng thời với đó là quyết tâm của các cấp ủy. Thực tế hiện nay đã chín muồi và cần phải sắp xếp lại bộ máy của cả hệ thống chính trị, từ Đảng, Nhà nước, cho tới mặt trận đoàn thể, để đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ của Đảng và đất nước trong thời kỳ mới. 

Tin cùng chuyên mục