Nâng cao hiệu quả thực thi phán quyết trọng tài

Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại, thì phán quyết trọng tài (PQTT) là chung thẩm, có hiệu lực kể từ ngày ban hành, được thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự, cụ thể là Cục Thi hành án (THA) dân sự. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn chưa hiểu hết, thậm chí lo sợ trường hợp bị hủy PQTT. Vậy việc thực thi PQTT được tiến hành như thế nào, thủ tục ra sao? 
Nâng cao hiệu quả thực thi phán quyết trọng tài
Tạo điều kiện thực thi 
Thời gian qua, bên được thi hành PQTT gặp khó khăn trong việc nộp tài liệu chứng minh bên phải thi hành án không yêu cầu hủy PQTT (quy định tại Điều 69 của Luật trọng tài thương mại), cụ thể là xác nhận của tòa án có thẩm quyền, vì một số tòa án chậm hoặc không xác nhận. Điều này dẫn đến việc chậm hoặc không thể nộp đơn yêu cầu thi hành án.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho bên được thi hành PQTT, sau khi nhận đơn từ yêu cầu của người được thi hành PQTT, Cục Thi hành án dân sự TP chủ động gửi văn bản đề nghị tòa án, nơi hội đồng trọng tài ra phán quyết, có thẩm quyền nhằm xác nhận PQTT có bị hủy hay không. Khi nhận được văn bản về việc người phải thi hành PQTT không yêu cầu hủy PQTT hoặc nhận được quyết định không hủy PQTT thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ thông báo nhận đơn yêu cầu và thụ lý thi hành án. 
Ngược lại, trường hợp tòa án thông báo đã thụ lý đơn yêu cầu hủy PQTT của người phải thi hành PQTT thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ trả lại đơn yêu cầu, hướng dẫn người được thi hành PQTT chờ kết quả giải quyết của tòa án. Đối với phán quyết của trọng tài vụ việc, bên thi hành án làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành PQTT sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật Trọng tài thương mại. 
Thực tế hiện nay một số bản án, quyết định của tòa án khi tuyên có sai sót, khó thi hành, chẳng hạn như thiếu sót trong đánh giá tài liệu hồ sơ, thiếu thống nhất giữa phần nhận định và phần quyết định… Điều này dẫn đến có một số bản án, quyết định không thi hành được nên cơ quan thi hành án dân sự đã kiến nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Mặc dù PQTT chưa có việc tuyên không rõ khó thi hành án, nhưng trọng tài viên nên lưu ý để tránh xảy ra trường hợp này; hoặc nếu có thì cần phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự để xử lý kịp thời nhằm đảm bảo PQTT thi hành hiệu quả.
Xây dựng quy chế phối hợp, tuyên truyền
Khi giải quyết vụ việc tranh chấp, trọng tài viên nên hướng dẫn cho đương sự quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để PQTT đảm bảo thi hành án đạt kết quả. Trọng tài viên phân tích và giải thích quy định pháp luật và tạo điều kiện để các bên lựa chọn cách thức thỏa thuận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Khuyến khích các bên hợp tác tốt và cung cấp đầy đủ thông tin cho trọng tài.
Thêm nữa, rất cần xây dựng quy chế phối hợp giữa trọng tài thương mại với tòa án trong việc đăng ký PQTT vụ việc, xác nhận PQTT không bị hủy hoặc người phải thi hành PQTT không yêu cầu hủy, phối hợp trong việc thực hiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… Quy chế phối hợp này nhằm tổng hợp những vướng mắc, tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp để PQTT đảm bảo thi hành đạt kết quả cao, nâng cao chất lượng PQTT.
Đối với quyền yêu cầu thi hành án và tham gia quá trình tổ chức thi hành án, thì khi hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài thì bên được thi hành PQTT có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Quá trình thi hành án, bên được thi hành PQTT hợp tác giải quyết cũng như cung cấp thông tin về người phải thi hành cũng như tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành để chấp hành viên có cơ sở xác minh xử lý thi hành theo quy định. 
Trên hết, yếu tố đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động, tính ưu điểm của PQTT cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để người dân, doanh nghiệp hiểu, chọn trọng tài thương mại để giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền.
Theo quy định pháp luật, phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại được tổ chức thi hành theo trình tự thủ tục thi hành án dân sự, kể cả thủ tục cưỡng chế thi hành án. Thực tiễn, hoạt động thi hành án dân sự thời gian qua và hiện nay không có sự phân biệt việc thi hành phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại với thi hành bản án, quyết định của tòa án; hoàn toàn không có sự phân biệt cả trong hoạt động tác nghiệp và tâm lý của chấp hành viên.
Tranh chấp nên được giải quyết bởi trọng tài hay tòa án?
Theo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Á Châu (ACIAC), việc lựa chọn tòa án hay trọng tài tùy thuộc vào tính chất quan hệ hợp đồng và quá trình đàm phán. Đối với các hợp đồng quốc tế, việc lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp không phù hợp.
Cụ thể, các tòa án quốc gia luôn bị quá tải công việc; kế đến, thủ tục giải quyết tại tòa án thường qua nhiều cấp khác nhau (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm). Hơn nữa, tòa án quốc gia không phải bao giờ cũng chuyên về các vấn đề thương mại và thẩm phán chưa hẳn đã có đủ kiến thức để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
Thực tế là một thẩm phán có thể được phân công để giải quyết tranh chấp liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, không có sự phân chia theo lĩnh vực chuyên môn cụ thể.
Ngoài ra, tố tụng tòa án thường cứng nhắc và nghiêm ngặt. Trọng tài quốc tế tôn trọng tối đa tự do thỏa thuận, các bên có thể tự chọn trọng tài viên, tự do thỏa thuận về luật áp dụng, ngôn ngữ, địa điểm tiến hành và ấn định thời hạn giải quyết, quyết định trọng tài có giá trị chung thẩm. Trọng tài viên thường có kiến thức chuyên môn sâu trong lĩnh vực tranh chấp. Trọng tài có tính bí mật, còn trong tố tụng tòa án, những phiên xét xử được tổ chức công khai.

Tin cùng chuyên mục