Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng

Mặc dù chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thực hiện hơn 10 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp.
Nguyên nhân là việc thực hiện các giải pháp này yêu cầu mức đầu tư lớn hoặc chuyển đổi công nghệ để tiết kiệm năng lượng còn rất hạn chế do các doanh nghiệp công nghiệp thiếu nguồn lực về tài chính.
Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng ảnh 1 Hiệu suất sử dụng năng lượng nhiệt điện còn thấp chỉ đạt khoảng 28% - 32%. Ảnh: CAO THĂNG
Lãng phí lớn Theo đánh giá của Hội Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Việt Nam, hiện nay, trong sản xuất công nghiệp ở nước ta, tình trạng lãng phí năng lượng rất lớn và hiệu quả sử dụng năng lượng còn thấp. Trong khâu sản xuất năng lượng, hiệu suất sử dụng năng lượng tại các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28% - 32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%). Trong khâu tiêu thụ năng lượng, tình hình sử dụng năng lượng kém hiệu quả càng trầm trọng. Để sản xuất ra cùng một sản phẩm, ngành công nghiệp Việt Nam cần sử dụng năng lượng nhiều hơn từ 1,5 - 1,7 lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, các ngành công nghiệp hiện đang sử dụng đến 47% tổng năng lượng. Còn theo nghiên cứu của VEEP (Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả), tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta còn rất lớn. Tính theo ngành thì công nghiệp xi măng có thể tiết kiệm năng lượng đến 50%, công nghiệp gốm là 35%, phát điện than 25%, ngành dệt/may mặc 30%, công nghiệp thép 20%, chế biến thực phẩm 20%... Việc sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả có nhiều nguyên nhân như công nghệ lạc hậu, thiết bị sản xuất cũ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt lớn khi vận hành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa chú ý đúng mức đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đơn cử ở ngành dệt may, trung bình mỗi năm Việt Nam mất 3 tỷ USD cho chi phí năng lượng sản xuất. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng đây là một trong những nguyên nhân làm ngành dệt may Việt Nam giảm chi phí cạnh tranh trên thị trường. Bởi theo thống kê của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nhu cầu về sử dụng năng lượng của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Trong đó, ngành dệt may đang chiếm 11% tổng nhu cầu năng lượng trong các ngành kinh tế công nghiệp. Mặc dù trong giai đoạn 2013-2015, cường độ sử dụng năng lượng của ngành dệt may đã giảm đi rõ rệt nhưng vẫn là nước có cường độ sử dụng năng lượng lớn trên thế giới, vì theo tính toán cứ 1 đồng sản xuất thì ngành dệt may lại phải mất 1 đồng cho chi phí năng lượng. Trước thực trạng hiện nay, các chuyên gia cho rằng, việc tiết kiệm năng lượng trong sản xuất dệt may nói riêng và ngành công nghiệp nói chung không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn giúp bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập. Vì trong các FTA Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP đều có các cam kết về môi trường, yêu cầu phát thải carbon thấp.Tận dụng các chương trình bảo trợ Chuyên gia kinh tế - TS Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM, cho rằng ngày từ bây giờ các doanh nghiệp cần nhận thức được vai trò của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động sản xuất kinh doanh để mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Trên thực tế, lợi ích của việc quản lý năng lượng luôn cao hơn so với chi phí đầu tư và lợi nhuận thu được từ tiết kiệm có thể bù đắp cho chi phí đầu tư chỉ trong một thời gian không lâu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ về chính sách, nguồn tài chính cùng với chuyên gia từ các tổ chức nước ngoài. Có thể lấy sáng kiến về Mạng lưới Hiệu quả năng lượng Việt Nam (EEN) do Bộ Công thương và GIZ bảo trợ làm ví dụ thông qua việc kết nối 8 công ty thuộc các lĩnh vực có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn như dệt may, giấy, vận tải, chế biến cao su và nhựa. Ông Nguyễn Hải Dũng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, cho biết, mục đích của mạng lưới nhằm tăng cường chia sẻ các thực hành tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, thông qua xây dựng một đầu mối để chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Theo kết quả được thực hiện từ 8 báo cáo kiểm toán của 8 công ty thành viên thì tiềm năng tiết kiệm toàn mạng lưới EEN hiện nay khoảng 3 triệu kWh điện (tương đương 5,89 tỷ đồng/năm) với vốn đầu tư rất ít hoặc không cần đầu tư. Tương tự, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, USAID cũng đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình Năng lượng phát thải thấp (VLEEP). Chương trình dự kiến hỗ trợ 50 dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp, trong đó có dệt may. Ngoài những dự án trên, dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” của Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua KOICA trị giá 1,9 triệu USD, cũng sẽ có các hoạt động trợ giúp các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng. “Việc tiếp cận được những dự án này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên hóa thạch đang dần cạn kiệt. Hầu hết các quốc gia đều đang chịu áp lực về nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế”, TS Trần Minh Ngọc nói.

Tin cùng chuyên mục