Nâng cao năng lực cạnh tranh theo tiêu chí thành phố toàn cầu

Tiêu chí thành phố toàn cầu được giới thiệu trong bài viết là GCPI với 6 tiêu chuẩn: kinh tế, nghiên cứu phát triển, sự đáng sống, tương tác văn hóa, môi trường và tiếp cận. TPHCM là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu tàu tăng trưởng và phát triển kinh tế của cả nước. 
Nâng cao mức độ phát triển của TPHCM, tạo hiệu ứng phát triển theo mô hình “đàn sếu bay” cho các tỉnh Đông Nam bộ và lan tỏa ra cả nước.
Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, đa chiều 

TPHCM là đầu tàu kinh tế của các nước. Tuy nhiên, việc duy trì năng lực cạnh tranh của chính quyền TP với quy mô đô thị và dân số quá lớn là một thách thức lớn. 

Khảo sát về các cụm từ qua Google như “kẹt xe ở TPHCM” có 1.150.000 kết quả, “ngập nước ở TPHCM” có 974.000 kết quả, “an toàn thực phẩm ở TPHCM” có 1.450.000 kết quả, “ô nhiễm ở TPHCM” có 1.350.000 kết quả… Trong khi đó các cụm từ “R&D ở TPHCM” chỉ có 132.000 kết quả,  “bảo tàng ở TPHCM” có 581.000 kết quả… Điều này cho thấy mối quan tâm và e ngại thường xuyên của cư dân mạng liên quan đến giao thông và môi trường đô thị nhiều hơn là nghiên cứu phát triển và tương tác văn hóa.
Nâng cao năng lực cạnh tranh theo tiêu chí thành phố toàn cầu ảnh 1 Khách du lịch tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh TPHCM
Ảnh: CAO THĂNG
Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã thông qua 7 Chương trình đột phá thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020 và các chương trình này có nhiều nội dung phù hợp với việc hướng đến các tiêu chuẩn của GCPI và bài học kinh nghiệm từ các thành phố lớn của châu Á trong bảng xếp hạng GCPI.
Trước hết, TPHCM nên xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung về thực trạng phát triển các khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa, tiếp cận, sự đáng sống và nghiên cứu phát triển… thông qua việc đối chiếu các tiêu chuẩn và chỉ báo tương ứng từ các chỉ số đo lường sức mạnh đô thị có uy tín trên thế giới như Global Financial Centres Index (GFCI), Global Cities Index (GCI), Cities of Opportunity, GCPI… và các xếp hạng về năng lực cạnh tranh quốc tế như Global Competitiveness Report, IMD Competitiveness Ranking… Việc thu thập thông tin cho hệ thống cơ sở dữ liệu này gồm nhiều đơn vị tham gia như Cục Thống kê, các sở ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học theo kế hoạch, đặt hàng hoặc đấu thầu của TP. Dữ liệu này sẽ giúp đánh giá thực trạng phát triển TP chính xác thông qua xác định các điểm mạnh, điểm yếu và so sánh được với các đô thị lớn khác trong khu vực và trên thế giới, từ đó cung cấp cơ sở thực tiễn cho các quyết định quản lý Nhà nước liên quan.Hợp tác đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế Phát triển TP ngoài quyết tâm chính trị còn đòi hỏi phải có người thực thi đúng chuyên môn và có năng lực; đồng thời, cần chủ động khai thác kinh nghiệm của người đi trước thông qua các nhà tư vấn. TPHCM cần nghiên cứu phương án lựa chọn tư vấn hoạch định chiến lược phát triển từ các tổ chức xếp hạng thành phố có uy tín như Z/Yen Group, A.T. Kearney, PricewaterhouseCoopers, Institute for Management Development… Điều này hoàn toàn phù hợp với kỳ vọng của người dân TP và cả nước để TPHCM trở thành “thành phố có chất lượng sống tốt” trong thời đại toàn cầu hóa. Bên cạnh 7 Chương trình đột phá mà Đảng bộ và nhân dân TPHCM quyết tâm thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, theo chúng tôi, cần có thêm chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển và chương trình đẩy mạnh tương tác văn hóa.  Về nghiên cứu phát triển, TPHCM có lợi thế là địa bàn tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn, các trung tâm ươm tạo công nghệ cao, khu công nghệ cao. Vì vậy, chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển vừa giúp khai thác thế mạnh của TPHCM vừa giúp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước, từ các nước trong khu vực và quốc tế.  Về văn hóa, chương trình đẩy mạnh tương tác văn hóa góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong chương trình này, TP cần có cơ chế và chính sách phục hồi, phát triển hệ thống nhà hát truyền thống và hiện đại, viện bảo tàng, sân vận động; tài trợ cho các sự kiện văn hóa lớn và hội thảo văn hóa quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút du khách, người nước ngoài và sinh viên quốc tế cư trú. Từ thực tiễn xếp hạng GCPI cho thấy, chủ thể tham gia đánh giá bao gồm các nhà quản trị doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, du khách và cư dân; tầm quan trọng của các bên liên quan trong việc xác định thực trạng phát triển thành phố và đề xuất nhu cầu, nguyện vọng của các bên liên quan đối với hoạch định và vận hành chiến lược phát triển thành phố. Từ nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thiết nghĩ trong quá trình thực hiện các chương trình đột phá và những chương trình liên quan đến phát triển đô thị, TPHCM cần tạo lập cơ chế truyền tải thông tin đến công chúng và tiếp nhận, xử lý thông tin phản hồi, cũng như thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến người dân… nhằm đảm bảo quyền được tham gia của các bên liên quan trong hoạch định, thực thi và giám sát thực hiện chiến lược và chương trình phát triển TP.
“TPHCM phấn đấu là “Thành phố toàn cầu”, “Thành phố thông minh”, nơi hội tụ văn hóa Đông - Tây; một trong những trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á, góp phần khẳng định vị thế quốc gia trong hội nhập quốc tế”, đây là một trong những nội dung quan trọng trong văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM hồi tháng 6-2017.
Triển khai tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tại buổi họp công bố đề án “Thành phố thông minh” vào chiều 26-11, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong  - Trưởng ban Điều hành đề án cũng khẳng định, thành phố xác định phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ và đổi mới sáng tạo, trong đó đặt mục tiêu nằm trong nhóm 10 thành phố toàn cầu. 
 Chỉ số sức mạnh thành phố toàn cầu (Global Power City Index - GPCI) do Viện Chiến lược đô thị (Institute for Urban Strategies), thuộc Quỹ Mori Memorial Foundation (Nhật Bản) tính toán và công bố hàng năm, kể từ năm 2008. Kết quả nghiên cứu được kỳ vọng giúp làm rõ những thách thức trong phát triển đô thị, cũng như các thành phần tạo nên sự cuốn hút của đô thị, làm cơ sở cho hoạch định chiến lược và chính sách phát triển đô thị trên thế giới. Danh sách ban đầu có 30 thành phố (năm 2008), nâng lên thành 35 thành phố (2009-2011), từ năm 2012-2015 có 40 thành phố và năm 2016 có 42 thành phố được đánh giá và xếp hạng.
GPCI đánh giá và xếp hạng các thành phố lớn của thế giới dựa trên “sức hút”, tức là khả năng thu hút cá nhân và doanh nghiệp sáng tạo từ khắp các châu lục và huy động tài sản trong việc đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. GPCI đánh giá các thành phố dựa vào 6 tiêu chuẩn chính, đại diện cho sức mạnh của thành phố, đó là kinh tế, nghiên cứu và phát triển, tương tác văn hóa, sự đáng sống, môi trường, khả năng tiếp cận bằng các phương tiện giao thông.
TS PHẠM QUỐC VIỆT - ThS. LƯƠNG QUỐC TRỌNG VINH

Tin cùng chuyên mục