Nâng cao vai trò quản lý, qui hoạch

Xã hội hóa quản lý
Nâng cao vai trò quản lý, qui hoạch

Sửa đổi Luật Xây dựng

Báo cáo kết quả về tính thực thi Luật Xây dựng trên địa bàn TP, UBND TPHCM cho biết, Luật Xây dựng (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2004) đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của TP, tạo ra diện mạo đô thị mới ngày càng khang trang giúp nâng cao chất lượng sống của người dân TP. Tuy nhiên, qua gần 10 năm triển khai, hiện nhiều quy định của Luật Xây dựng đã không còn phù hợp với thực tế nên cần thiết phải sửa đổi nâng cao hiệu quả của luật.

TP kiến nghị áp dụng chung cấp phép xây dựng cho tất cả công trình để dễ theo dõi kiểm tra. (Trong ảnh: Một dự án nhà ở đang xây dựng tại quận 7 TPHCM)

TP kiến nghị áp dụng chung cấp phép xây dựng cho tất cả công trình để dễ theo dõi kiểm tra. (Trong ảnh: Một dự án nhà ở đang xây dựng tại quận 7 TPHCM)

Xã hội hóa quản lý

Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý sửa đổi Luật Xây dựng sửa đổi mới đây, UBND TP cho rằng, hiện một số quy định trong Luật Xây dựng đã được đề cập cụ thể hơn trong các luật chuyên ngành như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản... Do đó, để tránh trùng lắp, nội dung của Luật Xây dựng sửa đổi cần tập trung đi sâu vào các quy định của các hoạt động xây dựng. Cụ thể như khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát các hoạt động xây dựng… Ngoài ra, Luật Xây dựng cần quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ cụ thể cho tất cả các chủ thể liên quan thực hiện, xã hội quản lý chứ không phải chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) mới quản lý công trình xây dựng. “Nhà nước chủ yếu giám sát các chủ thể để thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đã được pháp luật quy định, các cơ quan QLNN không làm thay” - UBND TP nêu quan điểm.

Theo UBND TP, để chất lượng công trình xây dựng ngày càng được nâng cao thì cần phát huy sự đóng góp chủ động trí tuệ của toàn xã hội và nâng cao hiệu quả của công tác QLNN về chất lượng công trình xây dựng. Xã hội hóa việc quản lý chất lượng xây dựng công trình nhưng không khoán trắng cho tư vấn thiết kế mà phải quy định chủ đầu tư kiểm tra, giám sát công tác thiết kế. Ngoài ra, tùy theo loại và cấp công trình sẽ quyết định các bước thiết kế bắt buộc chứ không phải do chủ đầu tư tự quyết định, kể cả chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách.

UBND TP cũng cho biết, hiện công tác thẩm định, thẩm tra thiết kế kỹ thuật hiện nay chưa phát huy được hiệu quả. Các quy định hiện nay do Chính phủ ban hành chỉ tập trung nhiều đối với công trình sử dụng vốn ngân sách, nhưng chưa có quy định cho tất cả các công trình nói chung. “Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi quy định thẩm định và thẩm tra thiết kế chung đối với tất cả công trình, bất kể nguồn vốn sử dụng mà chưa phân biệt công trình sử dụng vốn ngân sách và không sử dụng vốn ngân sách là không phù hợp” - UBND TP nhận xét. Từ đó, TP kiến nghị: cần có quy định đối với từng loại, cấp công trình nào phải được thẩm định và bắt buộc áp dụng (ngoại trừ các công trình được miễn cấp phép xây dựng như các công trình khẩn cấp, công trình bí mật quốc phòng, công trình tạm cho việc xây dựng công trình chính, tùy chủ đầu tư quyết định). Và việc thẩm định do các tổ chức và cá nhân có năng lực chuyên môn thẩm định theo quy định, chứ không phải quy định để cơ quan QLNN thẩm định như hiện nay.

Áp dụng chung cấp phép xây dựng

Trong khoảng 8 năm từ khi có Luật Xây dựng, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định về quản lý đầu tư xây dựng, trong đó có các quy định điều chỉnh liên quan đến việc cấp phép xây dựng (CPXD). Tuy nhiên, những quy định hiện hành vẫn chưa tách biệt giữa quản lý hoạt động xây dựng với quản lý vốn, dự án đầu tư nên quy định về CPXD có nhiều thủ tục, chồng chéo. Bên cạnh đó, thời gian qua, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này không hiệu quả do chưa lường hết được các hoạt động thực tiễn, gây khó khăn cho chủ đầu tư và cả cơ quan QLNN. Để công tác CPXD xây dựng các công trình được đơn giản, thuận lợi, dễ dàng cho chủ đầu tư và cả cơ quan QLNN, TP kiến nghị nên áp dụng chung CPXD cho tất cả công trình để dễ theo dõi kiểm tra việc xây dựng, ngoại trừ các công trình bí mật nhà nước, công trình theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính.

Góp ý sâu vào điều kiện CPXD, TP cho rằng việc quy định CPXD phải phù hợp quy hoạch chi tiết là không khả thi. Hiện nay Luật Quy hoạch đô thị quy định quy hoạch chi tiết là quy hoạch 1/500. Thực tế tại TPHCM, việc lập quy hoạch 1/500 chủ yếu được các chủ đầu tư thực hiện trong các dự án phát triển đô thị mới, các dự án nhà ở. Còn trong các khu vực hiện hữu, hoặc chỉnh trang, hiện cơ quan QLNN phải lập và phê duyệt quy hoạch 1/2000 để quản lý xây dựng cũng đã mất quá nhiều thời gian nên không thể lập quy hoạch 1/500 để đủ điều kiện CPXD theo quy định. Từ đó, TP cũng kiến nghị Luật Xây dựng và nên điều chỉnh theo hướng: điều kiện được CPXD phải phù hợp với quy hoạch xây dựng; các quy chế quản lý, các quy định về kiến trúc cho từng khu vực cụ thể của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về việc CPXD tạm, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khu quy hoạch “treo”, TP cũng kiến nghị sửa đổi theo quy định Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi quá thời gian công bố thực hiện quy hoạch mà chưa có quyết định thu hồi đất để triển khai thực hiện. Nên quy định rõ trong CPXD tạm là chủ đầu tư phải cam kết tự phá dỡ, không bồi thường công trình khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch trước thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm. Nếu sau thời hạn này mà Nhà nước không thực hiện quy hoạch thì bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nên quy định rõ: người xin CPXD phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ và phải chịu mọi hậu quả phát sinh do hồ sơ không đảm bảo tính trung thực gây ra.

MINH HUY

Tin cùng chuyên mục