Nâng cao vai trò thú y

Con người đang ngày càng đối mặt với dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật lây sang, nhất là dịch bệnh từ siêu vi trùng như H5N1, H7N9 trên gia cầm, H1N1 trên đàn heo… Do đó, an toàn vệ sinh thực phẩm hiện là vấn đề toàn cầu, yêu cầu cấp thiết của người tiêu dùng.

Con người đang ngày càng đối mặt với dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật lây sang, nhất là dịch bệnh từ siêu vi trùng như H5N1, H7N9 trên gia cầm, H1N1 trên đàn heo… Do đó, an toàn vệ sinh thực phẩm hiện là vấn đề toàn cầu, yêu cầu cấp thiết của người tiêu dùng.

Nhiều chất cấm, chất kích thích sinh trưởng bị một số người sử dụng trong chăn nuôi vì lợi nhuận, nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng từng được phát hiện khá nhiều tại một số nước. Việt Nam đã và đang đối diện với vấn đề này nhằm ngăn chặn có hiệu quả thực phẩm từ các nước khi hàng rào thuế quan bãi bỏ do các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương. Bên cạnh đó, cũng phải nâng cao khả năng kiểm soát thực phẩm chăn nuôi trong nước cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu khi xu thế hội nhập ngày càng nhiều. Tất cả những nhiệm vụ nặng nề đó đều đặt trên vai của ngành thú y.

Dù không ít tai tiếng, thị phi nhưng phải công nhận rằng, ngành thú y góp phần không nhỏ trong việc phòng chống, ngăn chặn và khống chế nhiều dịch bệnh nguy hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăn nuôi phát triển, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho sức khỏe con người.

Tổ chức Thú y thế giới (OIE) xếp ngành thú y Việt Nam bậc 3/5 về các mặt hoạt động nói chung, riêng năng lực chẩn đoán của thú y Việt Nam được xếp ở bậc cao nhất 5/5, do đủ khả năng chẩn đoán, phát hiện những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh mới. Tổ chức OIE còn đánh giá Việt Nam là tấm gương về sự minh bạch và tiến bộ đối với các nước đang phát triển trong quá trình thực hiện Hiệp định SPS, áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, ngành thú y mới chỉ tập trung vào việc phòng chống dịch bệnh, chưa quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, thú y chỉ mới phòng dịch bệnh một cách thụ động. Bản thân ngành thú y còn không ít khiếm khuyết từ nội tại của ngành, cũng như cơ cấu tổ chức từ trên xuống dưới chưa thật sự thống nhất. Vẫn còn đâu đó việc cấp giấy kiểm dịch khống ở một số địa phương, tạo điều kiện cho người kinh doanh vận chuyển trót lọt nguồn thực phẩm kém chất lượng đến nơi tiêu thụ. Tình trạng này Chi cục Thú y TPHCM đã không ít lần phát hiện và tiêu hủy do nguồn gốc động vật vận chuyển không rõ ràng hoặc một giấy kiểm dịch sử dụng nhiều lần mà vẫn qua trót lọt trạm kiểm dịch các tỉnh từ phía Bắc, miền Trung vào. Một số địa phương như Lâm Đồng, Hậu Giang, Hà Tĩnh giao trạm thú y huyện cho UBND quản lý thay vì phải có sự xuyên suốt từ trung ương đến địa phương dẫn đến không ít trường hợp làm công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ… không đạt hiệu quả mong muốn như Hải Dương, Đắk Lắk. Hoạt động thú y tại cấp xã cũng còn bất cập.

Hiện 3/4 số xã trên toàn quốc có ban thú y, 1/3 số xã còn lại chỉ bố trí một nhân viên thú y, nhưng không ít nơi việc tuyển chọn này không dựa vào trình độ hay năng lực chuyên môn nên đã xảy ra tình trạng không biết bệnh gì để báo cáo lên tuyến trên hoặc cố tình giấu thông tin, dẫn đến sự chậm trễ trong việc bao vây, khống chế khi dập dịch, làm dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại nhiều hơn. Mức trả thù lao rất thấp và khác nhau ở mỗi địa phương cũng là lý do góp phần làm cho các cơ sở thú y yếu kém, trong khi đây là cấp có thể phát hiện ra dịch bệnh phát sinh trong địa bàn nhanh nhất. Vì vậy, việc tổ chức thống nhất xuyên suốt cũng như củng cố lại hệ thống thú y là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục