Nâng cao vị thế sản phẩm nội

Tại tỉnh Đồng Nai, hiện tại có đến 90% hàng hóa tại các siêu thị, chợ truyền thống là hàng Việt. Đặc biệt, người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến hàng hóa do doanh nghiệp Việt sản xuất.
Người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai lựa chọn hàng Việt để mua sắm mỗi ngày
Người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai lựa chọn hàng Việt để mua sắm mỗi ngày

Trong năm 2018, Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ)  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh Đồng Nai đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tuyên truyền về CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến 5 triệu lượt người.

Trong cuộc khảo sát ngẫu nhiên 1.100 người dân ở thành thị và nông thôn trên địa bàn về CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì đa số trong 1.100 phiếu có ý kiến bày tỏ rất quan tâm đến CVĐ cũng như sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Theo ông Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đồng Nai, để tạo sự thành công cho CVĐ, thời gian qua các sở ban ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện CVĐ, cập nhật nội dung “Sổ tay tổng hợp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh” và cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp…

Đặc biệt, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cũng chủ động hướng dẫn 22 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh, sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn ở 6 huyện làm hồ sơ gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Thực hiện 3 đề án: “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật”; “Quản lý đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi trang trại” và “Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh” cho nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Triển khai xây dựng 33 dự án “cánh đồng lớn” liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên tổng diện tích 9.957ha với 7.031 hộ nông dân tham gia. Đây là nguồn hàng nông sản thực phẩm Việt cung cấp cho địa phương và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. 

Đánh giá về những kết quả đạt được của CVĐ, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay hàng Việt bày bán trên kệ ở các trung tâm thương mại, chợ truyền thống chiếm đến 90%. Tỉnh hiện có 165 chợ truyền thống, 12 siêu thị và trung tâm thương mại như Co.opmart, BigC… cùng hơn 23.000 hộ tiểu thương. Đây là lực lượng chính, góp phần vào sự thành công của hàng Việt. 

Để đưa hàng Việt đến gần với người tiêu dùng, nguồn kinh phí hỗ trợ rất quan trọng; vì thế, UBND tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ mỗi chợ truyền thống 2 tỷ đồng để nâng cấp điều kiện kinh doanh cho tiểu thương. Nhờ đó, các ngôi chợ được sửa sang khang trang, sạch sẽ, tạo không gian thoáng, đẹp cho người tiêu dùng khi đến mua sắm. 

Nhằm tăng cường sự hiện diện của hàng Việt, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức 348 lượt doanh nghiệp đưa 30 “Chuyến hàng Việt về nhà máy và khu công nghiệp”, thu hút khoảng 100.700 lượt khách đến tham quan mua sắm, doanh thu bán hàng đạt trung bình 4,6 tỷ đồng/chuyến; phối hợp tổ chức 57 hội chợ triển lãm trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 500.000 lượt người đến tham quan mua sắm, doanh thu đạt khoảng 49,5 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 6 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”... 

Các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã góp phần tuyên truyền và tạo điều kiện cho nhân dân địa phương tiếp cận trực tiếp với hàng Việt bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước nắm bắt nhu cầu tiêu dùng nông thôn; kết nối với nhà phân phối tại địa phương để từng bước hình thành mạng lưới phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh.

Dù ghi nhận những kết quả tích cực nhưng ông Huỳnh Văn Tới cho rằng, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn chưa được như mong đợi. Do đó, công tác tuyên truyền cần phải được đổi mới và sinh động hơn để người dân dễ nắm bắt và hưởng ứng. Các doanh nghiệp chú trọng hơn nữa đến chất lượng cũng như hình thức của sản phẩm. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao vị thế hàng Việt. 

Vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, các cửa hàng tạp hóa bố trí hàng Việt chưa bắt mắt, để lẫn với hàng ngoại, hàng không rõ nguồn gốc… Các sản phẩm Việt cần minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần sản phẩm, hàm lượng dưỡng chất…, nhất là trong bối cảnh tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng tràn lan như hiện nay. 

Góp ý để tạo sức lan tỏa cho hàng Việt, ông Nguyễn Cao Nhơn, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Cà phê Tín Nghĩa, chia sẻ doanh nghiệp cam kết đưa ra thị trường sản phẩm cà phê có chất lượng, trở thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia; xây dựng thương hiệu uy tín trên trường quốc tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần sự quan tâm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, vốn đầu tư công nghệ, phát triển thương hiệu.

Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả CVĐ trong năm 2019, Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Đồng Nai xác định, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, tiên tiến, có ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ; đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết phát triển vùng nguyên liệu gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; mở rộng chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi để cung ứng ra thị trường, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tin cùng chuyên mục