Nâng cao ý thức, cháy nổ sẽ giảm

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 47 của Ban Bí thư Trung ương và Chỉ thị 31 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường sự lãnh đạo trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), đến nay tại hầu hết các quận huyện ở TP, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực.  
 
Nổi bật là các mô hình, phong trào PCCC như “Phong trào 3 có”, “Phong trào 3 biết”, “Phong trào 3 không”… đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ trong sản xuất, sinh hoạt…
Nhiều mô hình hiệu quả

Phường 1, quận 3 là một trong những địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 47 và Chỉ thị 31. Có thể thấy rõ điều này từ kết quả công tác PCCC trong 2 năm qua. Tại khu phố 5 và khu phố 6 (khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao) không xảy ra cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Đặc biệt, tình trạng vi phạm các quy định về PCCC tại địa phương đã và đang được kéo giảm mạnh. Nhiều hộ kinh doanh sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong khu dân cư (mua bán hóa chất, kinh doanh sử dụng nguyên liệu dễ cháy như gas, dầu…) nay đã chuyển đổi sang nghề khác. Hệ thống điện sinh hoạt cũ kỹ, hư hỏng, xuống cấp được thay mới, cải tạo; nhiều hẻm nhỏ được người dân hiến đất mở rộng thông thoáng để xe chữa cháy có thể vào xử lý khi sự cố xảy ra… 
Nâng cao ý thức, cháy nổ sẽ giảm ảnh 1 Cán bộ Cảnh sát PCCC TP đến tận nhà hướng dẫn người dân  cách PCCC, thoát nạn khi xảy ra cháy
 Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TPHCM đối với địa phương (UBND quận 3, phường 1 - quận 3) và ngành chức năng (Cảnh sát PCCC, Điện lực TP). Từ đó, nhiều mô hình, phong trào PCCC hiệu quả ra đời. Điển hình như “Phong trào 3 có” (có aptomat, có đèn pin, có phương tiện PCCC), “Phong trào 3 biết” (biết xử lý tình huống, biết các kiến thức về PCCC, biết sử dụng thiết bị - phương tiện chữa cháy), “Phong trào 3 không” (không sử dụng bình gas mini, không sang chiết gas trái phép, không kinh doanh gas khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC)… Nhờ có các phong trào này, đến nay ý thức của người dân đã tăng lên rõ rệt, nhà nhà chấp hành tốt các quy định về an toàn cháy nổ. 
Cùng với các mô hình PCCC hiệu quả, tại một số địa phương còn xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức tích cực trong công tác PCCC. Ông Nguyễn Phúc Huy (quận 2) là một trường hợp điển hình. Bên cạnh việc phối hợp với cảnh sát PCCC địa bàn và cảnh sát khu vực đứng ra tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền kiến thức PCCC cho người dân trong mỗi tháng, hàng ngày ông Huy còn đi thực tế trên các con phố, hẻm nhỏ để vận động, nhắc nhở người dân khắc phục các vi phạm, thực hiện tốt quy định PCCC. Từ sự vận động của ông Huy, tại nhiều phường ở quận 2, người dân đã tự trang bị thiết bị chữa cháy trong nhà. Khi phát hiện trường hợp vi phạm các lỗi nghiêm trọng, ông Huy kiến nghị chính quyền địa phương, cảnh sát PCCC xử lý. “Những việc làm của ông Huy đã giúp người dân, chủ các cơ sở, doanh nghiệp ý thức hơn trong việc PCCC, chấp hành tốt các quy định về an toàn cháy nổ. Đóng góp của ông Nguyễn Phúc Huy thời gian qua đã và đang góp phần kéo giảm số trường hợp vi phạm các quy định về PCCC trên địa bàn quận 2”, một cán bộ kiểm tra thuộc Phòng Cảnh sát PCCC quận 2 cho biết.   Cần giải pháp thực tế, căn cơ Đánh giá về kết quả thực hiện Chỉ thị 47 của Ban Bí thư Trung ương và Chỉ thị 31 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trong công tác PCCC thời gian qua, Trung tá Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng bước đầu đã có những chuyển biến rõ nét. Cụ thể là xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực. Một bộ phận lớn người dân đã ý thức tốt, chấp hành đúng và đủ các quy định PCCC trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt… Tuy nhiên, với một thành phố phát triển, năng động, đa lĩnh vực như TPHCM, đòi hỏi các giải pháp trong PCCC phải linh động, sát với thực tế hơn và phải có tính bền vững. Căn cứ vào nội dung Chỉ thị 47, Chỉ thị 31 và tình hình thực tế, để tiếp tục kéo giảm số vụ cháy nổ xảy ra, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị, thành phố cần quan tâm, triển khai bám sát các giải pháp sau: Sớm di dời các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao ra khỏi khu dân cư; chỉ đạo Sở GD-ĐT TP phổ cập chương trình giáo dục kiến thức, kỹ năng PCCC đến học sinh, sinh viên; quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh cá thể, tuyệt đối không cấp phép hoạt động khi không đủ điều kiện an toàn PCCC; cần quy hoạch lại mạng lưới giao thông, cấp nước phục vụ chữa cháy, vì trên thực tế hiện nay ở TPHCM có nhiều khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao nhưng giao thông, nguồn nước không đảm bảo; cảnh sát PCCC TP cần nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn vào nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn; đặc biệt là các thiết bị dò tìm nạn nhân, phát hiện chất độc hại, phóng xạ…  
Nâng cao ý thức, cháy nổ sẽ giảm ảnh 2 Tuyên truyền kỹ năng PCCC cho phụ nữ phường Cầu Ông Lãnh, quận 1
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang đề nghị cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã hội cần đổi mới công tác tuyên truyền, phát huy phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, từng bước xã hội hóa công tác PCCC. Các quận - huyện ủy tập trung chỉ đạo xây dựng các phường điểm, khu phố điểm về PCCC; kiên quyết xử lý các vi phạm. Đến cuối năm 2017, phải xây dựng xong trụ sở các phòng cảnh sát PCCC quận 5, 10, Thủ Đức để rút ngắn bán kính chữa cháy. Đặc  biệt, phải tập trung nâng cao công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với các lĩnh vực kinh doanh hóa chất, quản lý vũ khí, vật liệu nổ (điện, xăng, dầu, gas…). Đồng chí Tất Thành Cang lưu ý Cảnh sát PCCC TP và các quận huyện không để cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong thời gian tới.
2 năm qua, TPHCM xảy ra hơn 3.000 sự cố về cháy, làm 32 người chết (giảm 7 người so với cùng kỳ), thiệt hại tài sản 375 tỷ đồng (giảm 50 tỷ đồng). Cảnh sát PCCC cũng đã thực hiện 445 vụ CNCH, cứu được 136 người, vớt 103 xác nạn nhân. 
Xây dựng 150 phường điểm, khu phố điểm về PCCC.
Lực lượng PCCC tại chỗ kịp thời xử lý hơn 2.200 sự cố về cháy, không để cháy lan cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. 
Xây dựng 36 dự án trang bị phương tiện với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Lắp đặt mới 2.250 trụ nước; sửa chữa, cải tạo 315 trụ nước phục vụ công tác chữa cháy.
Tổ chức 25.383 buổi nói chuyện, tuyên truyền PCCC cho 471.582 lượt người dân, hộ kinh doanh, sản xuất trong khu dân cư. 

Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân: Kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất vi phạm PCCC  

Quận Bình Tân hiện có hơn 2.000 cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư. Xác định đây là đối tượng có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao vì sử dụng nhiều nguồn lửa, nguồn nhiệt, khi xảy ra cháy dễ dẫn đến cháy lan. Do đó, ngoài việc chỉ đạo các phòng ban trực thuộc, UBND quận phối hợp với cảnh sát PCCC tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm; quận còn chỉ đạo các phường lập tổ làm công tác vận động, tuyên truyền pháp luật, kiến thức về PCCC đối với chủ, công nhân làm việc tại các cơ sở. Việc tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên hàng tuần. Hàng quý, địa phương còn làm việc với Cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy, cứu nạn để tăng cường công tác phối hợp, ứng phó của các đơn vị liên quan khi có sự cố xảy ra. Về lâu dài, địa phương đang xây dựng phương án di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM: Quyết tâm kéo giảm cháy nổ do điện

Từ thực tế số vụ cháy do vi phạm trong sử dụng điện chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70% tổng số vụ cháy), hiện nay Tổng công ty Điện lực TP đang triển khai nhiều giải pháp để kéo giảm. Trong đó, tập trung chỉ đạo đoàn viên thanh niên đơn vị phối hợp với Cảnh sát PCCC các quận huyện tổ chức rà soát, sửa chữa, thay mới miễn phí hệ thống điện sinh hoạt hư hỏng cho các hộ gia đình khó khăn; cải tạo các đường dây điện, thiết bị điện xuống cấp ở các chung cư cũ. Việc này được triển khai thường xuyên trong nhiều năm qua và đang tiếp tục thực hiện rộng rãi tại nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố, nhất là ở khu vực, địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra, để nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định an toàn về cháy nổ trong sử dụng điện, hiện nay khi cấp hợp đồng bán điện với khách hàng, ngành điện lực TP có đưa thêm điều kiện khách hàng phải cam kết sử dụng điện an toàn, nếu vi phạm sẽ bị ngưng cung cấp điện. Các giải pháp này sẽ được ngành điện TP thực hiện quyết liệt trong thời gian tới để kéo giảm cháy nổ xảy ra do vi phạm trong sử dụng điện. 

Tin cùng chuyên mục