Nâng cao ý thức ở các công trình xây dựng

Thời điểm này, các công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM đang cấp tập đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành trong năm, thế nhưng nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công và công nhân lao động lại bỏ qua các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Nguy cơ cháy nổ ở các công trình xây dựng đang tăng cao, trong khi đó, các giải pháp phòng ngừa của chính quyền và ngành chức năng tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Nguy cơ cháy tăng cao

Nhằm đảm bảo an toàn cháy nổ trên địa bàn quận 3 nói chung, hạn chế cháy nổ xảy ra ở các công trình xây dựng nói riêng, từ đầu tháng 12-2018, Công an quận 3 đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra công tác PCCC ở tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn quận. Kết quả, hầu hết công trình xây dựng đều có thiếu sót, tồn tại nhiều vi phạm. Đơn cử như công trình xây dựng tại số 262 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 6, quận 3). Dù công trình đã xây lên nhiều tầng cao, việc hàn cắt kim loại diễn ra thường xuyên, thế nhưng việc trang bị thiết bị chữa cháy không đầy đủ.
 
“Cả công trình nhiều tầng nhưng chủ đầu tư và nhà thầu thi công chỉ trang bị 4 bình chữa cháy xách tay. Các bình này để hết ở tầng trệt, còn các tầng trên không có. Lối thoát nạn duy nhất ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng bị công nhân để vật liệu xây dựng che bít. Nếu hỏa hoạn xảy ra, lực lượng tại chỗ không thể nào chữa cháy kịp thời, công nhân không thoát ra được và hậu quả về còn người là khó tránh khỏi”, một cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an quận 3) cho biết. Tiếp tục kiểm tra công trình xây dựng ở số 83 Lý Chính Thắng, lực lượng chức năng phát hiện công trình không bố trí đèn chiếu sáng sự cố ở khu vực cầu thang, bảng chỉ dẫn lối thoát nạn được vẽ trên tờ giấy A4 (rất nhỏ) nhưng lại không hướng ra lối thoát hiểm. Theo Công an quận 3, thực tế kiểm tra PCCC tại các công trình xây dựng cho thấy, cứ kiểm tra là phát hiện vi phạm. Đáng chú ý, nhiều công trình còn vi phạm các lỗi nghiêm trọng như sử dụng điện không an toàn, hàn cắt kim loại không đúng quy định…  

Một vụ cháy công trình xây dựng do công nhân bất cẩn trong quá trình thi công, hàn xì
 Thực tế trên đã và đang khiến nguy cơ cháy nổ ở các công trình xây dựng  tăng cao, nhất là ở thời điểm cuối năm. Theo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07) - Công an TPHCM, trung bình mỗi năm trên địa bàn TP xảy ra hơn 100 sự cố hỏa hoạn, cháy nổ tại các công trình xây dựng; số vụ vi phạm phát hiện của cơ quan chức năng năm sau luôn cao hơn năm trước. Đại diện PC07 nhìn nhận, nguyên nhân khiến nguy cơ cháy nổ ở các công trình xây dựng tăng cao chủ yếu do ý thức PCCC của chủ đầu tư và nhà thầu thi công kém. Trong khi đó, công tác giám sát, theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm của chính quyền, ngành chức năng một số nơi còn hạn chế. Có địa phương, cả năm không phát hiện, xử lý được trường hợp vi phạm nào, trong khi trên thực tế vi phạm diễn ra tràn lan, thậm chí vi phạm dẫn đến sự cố xảy ra. 


chuẩn hóa điều kiện cấp phép xây dựng

Từ thực tế trên, đại diện PC07 kiến nghị Công an TPHCM, UBND TPHCM, các sở ngành, quận huyện cần yêu cầu các đơn vị, bộ phận liên quan tổng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là ở thời điểm cận tết - các công trình đang đẩy nhanh tiến độ. Việc kiểm tra, xử lý phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan; đặc biệt thực hiện quyết liệt, thường xuyên, không để “đầu voi đuôi chuột”. Chính quyền địa phương cần mạnh tay, thậm chí đình chỉ thi công đối với các công trình cố tình vi phạm, để vi phạm PCCC tồn tại kéo dài. Về lâu dài, đại diện PC07 cũng kiến nghị cơ quan cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng, UBND các quận huyện) cần đưa yếu tố đảm bảo an toàn cháy nổ vào điều kiện cấp phép xây dựng. Khi chưa được phê duyệt phương án đảm bảo an toàn cháy nổ, cương quyết không cấp phép xây dựng. 

Trong khi đó, lãnh đạo UBND một số quận - huyện, Công an TPHCM và công an các quận - huyện cần chủ động trong việc trang bị kiến thức, mở các lớp đào tạo, cấp chứng chỉ cho các nhà thầu thi công công trình, để qua đó nâng cao nhận thức, nghiệp vụ xử lý các tình huống cháy nổ. Cảnh sát khu vực, phụ trách địa bàn cần phối hợp với khu phố, đoàn thể tăng cường công tác giám sát, chủ động nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, công nhân khắc phục ngay vi phạm phát sinh, tránh để sự cố, tai nạn cháy nổ đáng tiếc xảy ra. Ngoài ra, ngành PCCC cũng cần mở rộng, làm sinh động hơn các hình thức tuyên truyền về PCCC ở các công trình xây dựng, ít nhất có một lần kiểm tra, phổ biến kiến thức PCCC tại một công trình xây dựng.

Tin cùng chuyên mục