Nâng “chất” cho dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai - Cách nào?

Vì sao công tác dự báo thời tiết, đặc biệt là cảnh báo thiên tai của nước ta hiện nay chưa được như mong muốn? Tới đây, công tác này cần có những điều chỉnh nào? Đó là nội dung chính trong cuộc trao đổi mà ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dành cho phóng viên Báo SGGP bên lề cuộc hội thảo sáng 5-9. Ông Lê Thanh Hải cho biết:

Vì sao công tác dự báo thời tiết, đặc biệt là cảnh báo thiên tai của nước ta hiện nay chưa được như mong muốn? Tới đây, công tác này cần có những điều chỉnh nào? Đó là nội dung chính trong cuộc trao đổi mà ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dành cho phóng viên Báo SGGP bên lề cuộc hội thảo sáng 5-9. Ông Lê Thanh Hải cho biết:

“Không phải chỉ nước ta, mà các nước trên thế giới cũng vậy, sai số vị trí tâm bão 24 giờ lên đến 120 - 150km, sai số 48 giờ lên đến 200 - 250km và 72 giờ hay 96 giờ còn lớn hơn nữa. Vì thế, trong dự báo bão chỉ tin tưởng với dự báo 24 giờ, còn dự báo 48 và 72 giờ chỉ mang tính tham khảo, cảnh báo. Bên cạnh chất lượng của bản tin dự báo thì người tiếp nhận bản tin cũng cần có hiểu biết mới sử dụng được bản tin một cách hiệu quả. Ví dụ, bão, áp thấp nhiệt đới không phải là một điểm mà là một vùng gió xoáy có bán kính gió mạnh đến vài trăm kilômét. Do vậy, khi nói đến vị trí tâm bão có nghĩa là cách nó hàng trăm kilômét đã xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm rồi.

Đặc biệt, nếu bão di chuyển dọc bờ biển như trường hợp bão Sơn Tinh năm 2012 hay bão Haiyan năm 2013, Haiyan đã vào sát bờ biển nước ta, lượn dọc bờ, đi lên Quảng Ninh; vì thế chúng ta đã phải cảnh báo suốt từ Quảng Nam đến Quảng Ninh, người không hiểu bản chất của bão thì có thể cho là cảnh báo như thế quá rộng, gây lãng phí không cần thiết”.

* Như vậy việc cập nhật thông tin cảnh báo thường xuyên là hết sức quan trọng và cần thiết?

* Đúng vậy, dự báo phải luôn được cập nhật. Bản tin bão lũ thường được cơ quan khí tượng cập nhật 3 tiếng một lần, trong thời gian bão đổ bộ có thể 1 tiếng, thậm chí chỉ nửa tiếng một lần. Có lần anh em chúng tôi đi nghỉ ở Cửa Lò, địa phương sử dụng bản tin hôm trước dự báo là bão đổ bộ vào khu vực này nên cấm không cho tắm. Gọi điện về trung tâm thì biết theo thông tin cập nhật, bão đã đổ bộ vào chỗ khác rồi. Kết cục vẫn không được xuống biển! Tôi cho rằng trong trường hợp này thì báo nói, báo hình và báo điện tử có thể phát huy tác dụng thông tin nhanh rất tốt.

* Ngoài yếu tố kịp thời, theo ông, hiện nay việc chuyển tải thông tin dự báo đến người dân cần lưu ý điều gì?

* Thuật ngữ chuyên môn. Sử dụng ngôn ngữ chuyên môn thì người trong nghề hiểu ngay, nhưng đại đa số người dân lại không hình dung được.

* Ông có thể đưa ra một ví dụ cụ thể?

* “Dòng chảy xiết gió trên cao” chẳng hạn. Trận mưa tuyết kỷ lục hồi tháng 12-2013 ở Sa Pa làm tuyết phủ dày tới 5cm thì lý do là hội tụ gió trên cao hoặc là dòng xiết gió trên cao, nhưng nói thế thì người dân thấy rất khó hiểu. Phải cố gắng “diễn nôm” mà vẫn đúng về bản chất. Có thể tạm hiểu đấy là một dòng không khí mạnh trên cao, hút các dòng không khí dưới thấp lên, làm phát sinh mưa đá, mưa tuyết... Bên cạnh tính kịp thời như đã nói trên, tôi còn muốn lưu ý một điều nữa: báo động phải có báo yên. Hiện nay ta mới chú trọng vế đầu thôi. Lẽ ra, khi nguy cơ không còn nữa thì phải giải phóng cho mọi người khỏi trạng thái bất thường để mọi hoạt động trở lại bình thường. Cứ giữ bà con ở chỗ sơ tán mãi thì vừa bất ổn, tốn kém không cần thiết đối với xã hội, mà lần sau báo động có khi người ta lại chủ quan, không đi nữa.

* Đầu tư cho công tác khí tượng thủy văn hiện nay đã tương xứng chưa, thưa ông?

* Để nhìn thấy kết quả đầu tư cũng cần có thời gian, khó có thể thấy ngay được. Muốn tăng độ chính xác của bản tin dự báo từ 75% lên 80%, Hồng Công đã mất đến 25 năm. Vì từ thiết lập mạng lưới quan trắc đến xây dựng mô hình tính toán, xử lý, truyền tin phải có một quá trình. Cơ sở hạ tầng dần dần đáp ứng thôi, “liệu cơm gắp mắm”, đồng thời phải chú trọng đào tạo nhân lực đúng quy chuẩn nữa.

* Chúng ta có nên mua các mô hình dự báo của nước ngoài?

* Vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép trung tâm mua đến 42.000EUR một mô hình dự báo thuộc loại tốt nhất trên thế giới, hiện nay đang sử dụng. Ngoài ra, trung tâm dự báo còn “chạy” đến 6 - 7 mô hình miễn phí do Nhật Bản, Mỹ... cung cấp. Nhưng phải nói là không có mô hình nào tối ưu cả, mỗi cái đều có sai số. Ta chạy đồng thời nhiều mô hình, rồi tổng hợp lại, đánh giá và đưa ra dự báo. Vì thế mà yếu tố nhân lực rất quan trọng.

* Cảm ơn ông!

Từ ngày 1-10-2014, trong bản tin dự báo lũ sẽ thực hiện việc đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai gắn với cấp báo động hay mức độ nguy hiểm của các hiện tượng lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Thông tin trên được đưa ra tại cuộc hội thảo do Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức ngày 5-9, với chủ đề: “Nâng cao kỹ năng phân tích, sử dụng bản tin dự báo khí tượng thủy văn”. Cũng từ ngày 1-10-2014, bản tin bão sẽ có thêm nội dung thông tin về cấp độ rủi ro thiên tai trên các khu vực sẽ chịu ảnh hưởng của bão.

Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên tục cập nhật thông tin mới nhất mà cơ quan dự báo đưa ra để hình dung đúng và đủ về tác động của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Độ tin cậy của dự báo lũ đối với hạ lưu các sông bị ảnh hưởng vận hành của hồ chứa thủy điện phụ thuộc phần lớn vào thông tin xả của hồ chứa. Hiện cũng chưa thể dự báo lũ quét và sạt lở đất mà chỉ có thể cảnh báo nguy cơ xảy ra tại một vùng hoặc khu vực rộng khi có các hình thế thời tiết nguy hiểm xuất hiện...

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục