Nâng chất FDI

Hơn 25 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực doanh nghiệp (DN) FDI có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Để khu vực này thực sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong thời gian tới cần có giải pháp nâng chất dòng vốn FDI.
Nâng chất FDI

Hơn 25 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực doanh nghiệp (DN) FDI có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Để khu vực này thực sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong thời gian tới cần có giải pháp nâng chất dòng vốn FDI.

Vẫn còn hạn chế

Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2000 - 2013, các DN FDI tăng trưởng nhanh cả về số lượng, quy mô và kết quả sản xuất. Tính đến ngày 31-12-2013 có 9.093 DN FDI đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc, gấp 6 lần năm 2000, bình quân mỗi năm tăng xấp xỉ 16%. Số lao động làm việc trong các DN FDI trên 3,2 triệu người, gấp 8 lần năm 2000, bình quân mỗi năm thu hút thêm 216.500 lao động, góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm của nền kinh tế. Nộp ngân sách nhà nước của khu vực này năm 2013 được 214.300 tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000 - 2013 tăng 18,1%/năm. Mặt khác, FDI là khu vực sản xuất kinh doanh năng động, ổn định và hiệu quả, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, khu vực DN FDI vẫn còn một số hạn chế, như chủ yếu tập trung gia công, lắp ráp, nguyên vật liệu nên giá trị gia tăng chưa cao, điển hình là các hoạt động lắp ráp ô tô, xe máy, điện - điện tử, may mặc, da giày. Tuy Việt Nam là nước có thế mạnh về nông nghiệp nhưng tỷ trọng vốn đầu tư của các DN FDI vào sản xuất kinh doanh ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản rất thấp và có xu hướng giảm dần. Các DN FDI hiện nay chủ yếu tập trung vào hoạt động ở các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông có chi phí nhân công thấp. Ngoài ra, vẫn còn không ít DN FDI không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết khi đăng ký kinh doanh về đầu tư trang thiết bị và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Sản xuất tại Công ty Unika Việt Nam thuộc KCX Tân Thuận, TPHCM.

Sản xuất tại Công ty Unika Việt Nam thuộc KCX Tân Thuận, TPHCM.

Chọn lọc dự án chất lượng

Theo GS-TS Võ Thanh Thu, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư FDI, đưa dòng vốn này tham gia tích cực vào quá trình thay đổi về chất đối với sự phát triển kinh tế, trong thời gian tới cần chủ động thu hút vốn FDI nhưng không bằng mọi giá, coi trọng chất lượng đầu tư hơn số lượng đầu tư, có cái nhìn toàn diện khi thu hút dự án đầu tư FDI.

Theo đó, với những dự án FDI lớn khi cấp giấy phép đầu tư phải được xem xét theo quy hoạch và chiến lược thu hút vốn đầu tư theo vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa vào chiến lược thu hút vốn FDI để lên danh mục các ngành; các công ty đa quốc gia ưu tiên thu hút vốn.

Cụ thể, với các ngành thâm dụng lao động nên có chính sách vận động các tập đoàn lớn nước ngoài ở ngành này đầu tư hoặc chuyển các dự án sản xuất nguyên phụ liệu đến Việt Nam. Với các ngành nông nghiệp, xây dựng chính sách thuế đất, thuế thu nhập DN thật ưu đãi; đối với DN đầu tư vào khu nông nghệ cao, miễn thuế thu nhập DN ít nhất 5 năm kể từ khi có lợi tức. Khuyến khích phát triển hình thức DN nông nghiệp cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, lập các khu công nghiệp theo chuyên ngành giúp kích thích hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ. Bởi sản xuất nguyên liệu phụ trợ chỉ hình thành khi có lượng cầu ở quy mô nhất định; hơn nữa việc xử lý ô nhiễm tại các khu công nghiệp sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn vì các DN trong khu có những phế liệu, dạng ô nhiễm giống nhau; ngoài ra cho phép phát triển các loại hình dịch vụ mang tính chuyên ngành.

Tăng cường liên kết

Còn tại hội thảo thu hút mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài diễn ra tại TPHCM mới đây, bà Hoàng Thị Tư, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng để nâng cao hiệu quả và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN), trong thời gian tới cần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút ĐTNN theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển dịch vụ hiện đại. Tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia; từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, DN phụ trợ; khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín đầu tư phát triển thị trường tài chính; đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế, từng địa phương. Khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các DN ĐTNN với nhau và với các DN trong nước.

Ngoài ra, cần quy hoạch thu hút ĐTNN theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng ngành để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng, phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo lợi ích tổng thể quốc gia và tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.

Năm 2013, các DN FDI chiếm tới 45,4% tổng lợi nhuận và 30,5% tổng số nộp ngân sách nhà nước của toàn bộ khu vực DN. Do tăng trưởng nhanh hơn các khu vực kinh tế khác nên khu vực FDI đóng góp tỷ trọng ngày càng cao vào GDP. Năm 1995, tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực FDI chỉ đạt 6,3%, nhưng đến năm 2000 tăng lên 15,2% và năm 2013 là 19,6%.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục