Nên bỏ tục đốt vàng mã

Hòa Thượng Thích Thanh Sơn cho biết, trong Trường bộ kinh, Đức Phật đã dạy các tỳ kheo, cư sĩ rất rõ việc này: Vua nước nào ở nước đó, tiền nước nào chi dụng ở nước đó, huống chi đây lại là 2 cõi âm dương. Tương tự, đồ vật ở trần thế cũng không thể nào hóa giải, đốt rụi mà chuyển về âm phủ cho người thân được.
Một người dân ở xã đảo Long Sơn (Vũng Tàu) đốt vàng mã cho người cháu đã mất. Ảnh: VŨ ANH
Một người dân ở xã đảo Long Sơn (Vũng Tàu) đốt vàng mã cho người cháu đã mất. Ảnh: VŨ ANH

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có văn bản về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Vấn đề này được dư luận tán đồng và đề nghị nên vận động rộng rãi trong toàn xã hội để bỏ tục đốt vàng mã. 

TÚ NGUYÊN (huyện Cần Đước, tỉnh Long An): Từ sự ngộ nhận

Tập tục đốt vàng mã xuất phát từ Trung Quốc, qua hàng ngàn năm với nhiều biến tướng mê tín dị đoan với quan niệm “âm dương đồng nhất thể”, ở trần gian sinh hoạt ra sao thì nơi âm cảnh cũng như vậy. Do vậy, khi cúng kiếng, nhiều người đốt vàng mã để người chết sử dụng. Trước đây, hàng mã chỉ gồm tiền vàng bạc, quần áo, nón, hài, đồ trang sức và nàng hầu… làm bằng giấy; ngày nay, vàng mã có hình dạng đủ thứ đồ gia dụng, kể cả smartphone, laptop, và còn có cả những ngôi biệt thự, ô tô sang trọng… được cắt dán công phu, nhiều màu sắc, có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng.

Hòa Thượng Thích Thanh Sơn, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, Trụ trì Tổ đình Vạn Thọ (quận 1, TPHCM), cho biết: “Lâu nay, trong các buổi thuyết giảng cũng như gặp gỡ phật tử, tôi đều vận động, khuyên họ không đốt vàng mã. Trong Trường bộ kinh, Đức Phật đã dạy các tỳ kheo, cư sĩ rất rõ việc này: Vua nước nào ở nước đó, tiền nước nào chi dụng ở nước đó, huống chi đây lại là 2 cõi âm dương. Tương tự, đồ vật ở trần thế cũng không thể nào hóa giải, đốt rụi mà chuyển về âm phủ cho người thân được. Đây là việc làm không khoa học, ảnh hưởng đến môi trường và dễ gây cháy, lại rất tốn kém tiền của”. Rõ ràng tục đốt vàng mã không phải là chủ trương của Phật giáo, thế nhưng lâu nay nhiều người ngộ nhận, dẫn tới quan niệm sai lầm: phải đốt vàng mã mới là thành tâm báo ân, báo hiếu với ông bà, cha mẹ đã mất, đốt càng nhiều càng thành tâm. Trong những ngày tết, ngày cúng rằm, đám tang... nhiều người đốt vàng mã. 

Đốt vàng mã tốn tiền, lãng phí vô ích, lấy tiền thật mua tiền giả và đồ giả. Khi di quan, người ta thường rải rất nhiều giấy tiền vàng bạc, khiến đường phố đầy rác. Khi đốt vàng mã, khói bụi và tàn tro bay đầy nhà, đầy ngõ, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây nguy cơ cháy trong khu dân cư. Tại các khu dân cư trong ngõ hẻm, chung cư và các khu chợ, kho hàng, việc đốt vàng mã gây nguy cơ cháy nổ rất cao. Đã xảy ra hàng loạt vụ cháy do đốt vàng mã, gây thiệt hại nặng về người và của. 

Tại điều 18 Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa đã quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác; và phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ vàng mã. Thế nhưng thực tế rất nhiều người vi phạm mà không bị xử phạt. Cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã đến lúc toàn xã hội cùng vận động bỏ hủ tục đốt vàng mã.

QUỐC HƯNG (quận Bình Tân, TPHCM): Nên vận động rộng khắp trong nhân dân

Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động phật tử bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo đang được dư luận chú ý và đồng tình. Thật ra, từ lâu trong công cuộc xây dựng nếp sống văn hóa, việc vận động không đốt vàng mã đã được phát động, và chính quyền nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc. Nhiều người dân cũng đã ý thức không sử dụng vàng mã. Cách nay vài năm, khi có người thân qua đời, tôi tìm đến một cơ sở dịch vụ mai táng, chủ cơ sở này có đề nghị gia đình không nên rải vàng mã nhiều khi đưa tang. Ông cho biết, chính quyền địa phương có đề nghị ông nên khuyên các tang gia giảm việc đốt và rải vàng mã để giữ vệ sinh môi trường và không phải tốn kém không cần thiết. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy một chủ cơ sở dịch vụ mai táng lại có tâm như vậy, khuyên can tang gia hạn chế sử dụng vàng mã, dù biết rằng bán thêm vàng mã là thu thêm lợi nhuận. Sau đó, khi cúng thất tại chùa cho người đã khuất, chị tôi sắm cả một đống vàng mã, nào nhà cửa, xe, người hầu, điện thoại…, sư ông trụ trì chùa cũng khuyên can, không đồng ý cho đốt vàng mã tại chùa. Sư ông thuyết phục: “Đừng nghĩ trần sao âm vậy, đốt vàng mã tốn kém, mà người đã mất nào có nhận được!”. 

Việc nhắc nhở loại bỏ mê tín dị đoan, bỏ tục đốt vàng mã là cần thiết trong bối cảnh việc mê tín lạm dụng vàng mã ngày càng tràn lan, nhất là khi mùa lễ hội rằm tháng giêng đang đến gần. Tại các lễ hội, thường thấy bên cạnh mâm xôi, oản, trái cây là những mâm vàng mã chất cao chót vót. Không biết bao nhiêu tiền của đã bay theo tro bụi, bao nhiêu khí độc thải vào môi trường. 

Cùng với việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động, hướng dẫn phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng nên mở đợt vận động rộng khắp trong nhân dân bỏ tục đốt vàng mã. Không chỉ vận động không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, mà mở rộng vận động không đốt vàng mã tại các đền, chùa, miếu, và không đốt vàng mã tại nhà riêng. Vận động không chỉ mang tính phong trào, hình thức, mà nên phân tích để người dân thay đổi nhận thức, không còn cách hiểu “trần sao âm vậy”. Nhận thức thay đổi thì tục đốt vàng mã sẽ không còn, đời sống văn hóa tâm linh sẽ mang ý nghĩa tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục