Nên phát triển án lệ đối với một số vụ tranh chấp

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ.
Một buổi tập huấn do VIAC tổ chức
Một buổi tập huấn do VIAC tổ chức

 Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự - Đại học Luật TPHCM, thành viên Hội đồng tư vấn án lệ TAND tối cao, Trọng tài viên - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC) thì nên phát triển án lệ, mà điển hình như một số vụ tranh chấp dưới đây có liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. 

Thỏa thuận trọng tài, giải quyết tranh chấp ở tòa

Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ thường có thỏa thuận trọng tài và các bên thường đưa tranh chấp ra trọng tài. Thực tế cho thấy ở VIAC tranh chấp được giải quyết rất nhanh chóng. Tuy nhiên, đôi khi một trong các bên lại không đưa tranh chấp ra trọng tài mà đưa ra tòa án, mặc dù đã có thỏa thuận trọng tài. Trong trường hợp này, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20-3-2014 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng tòa án “ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện”. 

Thực tế cho thấy không hiếm trường hợp ở cấp sơ thẩm, không ai viện dẫn thỏa thuận trọng tài ra để yêu cầu đình chỉ vụ án, mà vấn đề này chỉ được đề cập đến ở cấp phúc thẩm. Trong trường hợp này, tòa án cấp phúc thẩm sẽ phải làm gì? Nghị quyết nêu trên chưa rõ về vấn đề này và hướng xử lý của tòa án trong vụ việc sau đây rất đáng lưu tâm. Cụ thể, trong hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ giữa một cá nhân và công ty bảo hiểm có thỏa thuận “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này nếu hai bên không thể giải quyết trên cơ sở thương lượng thì sẽ được giải quyết tại VIAC theo Quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm này”. Trên cơ sở yêu cầu của cá nhân mua bảo hiểm (nguyên đơn), tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết tranh chấp. Ở cấp phúc thẩm, sau khi khẳng định “tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại, nên việc giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo Quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm này. Như vậy, có cơ sở xác định: Việc thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo Quy tắc tố tụng trọng tài của các đương sự trong hợp đồng bảo hiểm tàu cá số AD: 0068/16B3550 ngày 13-1-2016 là đúng pháp luật”, tòa án cấp phúc thẩm đã xét rằng: “Lẽ ra khi nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, tòa án cấp sơ thẩm phải từ chối thụ lý. Việc tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án là không phù hợp với quy định của pháp luật. Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 192; điểm g khoản 1 Điều 217; khoản 4 Điều 308 và Điều 311 Bộ luật Tố tụng dân sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án”.

Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện

Khi giải quyết tranh chấp tại tòa án cũng như trọng tài, vấn đề áp dụng thời hiệu khởi kiện đôi khi được đặt ra. Bộ luật Dân sự trước đây và hiện nay có quy định bắt đầu lại thời hiệu khi “Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận” nghĩa vụ. Tuy nhiên, quy định này không cho biết cần hiểu “Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận” nghĩa vụ như thế nào. Do vậy, hướng sau đây của tòa án cũng rất đáng xem xét. Cụ thể, theo Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, “Công ty B. và Công ty I. đã nhiều lần (vào các ngày 4-3-2008, ngày 17-6-2008, 20-9-2008, ngày 3-6-2009, ngày 18-6-2009, ngày 17-7-2009 và ngày 8-3-2010) cùng xác nhận nợ phí bảo hiểm với nhau. Trong đó, lần xác nhận nợ phí bảo hiểm cuối cùng là ngày 8-3-2010. Vì vậy, thời hiệu khởi kiện của vụ án này được tính lại từ ngày 8-3-2010. Ngày 30-5-2011, Công ty B. khởi kiện yêu cầu tòa án buộc Công ty I. thanh toán tiền phí bảo hiểm theo các hợp đồng bảo hiểm nêu trên là trong thời hiệu”. Ở đây, tòa án theo hướng xác nhận công nợ làm bắt đầu lại thời hiệu, mặc dù tòa án khẳng định: “Các văn bản nêu trên không phải do người đại diện theo pháp luật của công ty ký mà do hoặc là kế toán trưởng, hoặc là phó giám đốc của Công ty I. ký và đóng dấu Công ty I.”. Hướng nêu trên nên xem xét phát triển thành án lệ, để cho phép bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.

Thời gian tác động đến thời hiệu khởi kiện

Thực tế, rất thường xuyên một bên khiếu nại ra cơ quan không là tòa án hay tiến hành thương lượng để giải quyết tranh chấp, và câu hỏi đặt ra là khoảng thời gian đó tác động như thế nào tới thời hiệu khởi kiện. Về câu hỏi này, hướng giải quyết trong tranh chấp sau đây là một dẫn chứng cần lưu tâm. Theo tòa án, “Công ty P. khởi kiện ông V. đối với việc thanh toán số tiền thu phí bảo hiểm của khách hàng là đã quá thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 159 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 427 của Bộ luật Dân sự và Điều 319 của Luật Thương mại.

Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp thì Công ty P. đã khiếu nại ông V. tại cơ quan điều tra Công an quận 6, do đó khoảng thời gian này không được tính vào thời hiệu khởi kiện và đồng thời đến ngày 21-2-2010 giữa ông V. và công ty vẫn còn thương lượng việc tranh chấp này, do đó việc khởi kiện của Công ty P. đến ngày gửi đơn tại tòa án là vẫn còn thời hiệu khởi kiện do đã bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 162 của Bộ luật Dân sự và được giải quyết theo thủ tục chung”. Ở đây, tòa án xác định thời gian khiếu nại tại cơ quan điều tra là thời gian không tính vào thời hiệu và việc thương lượng giữa các bên cho phép tính lại thời hiệu. Hai hướng như vừa nêu chưa tồn tại trong văn bản nhưng thuyết phục, nên cân nhắc phát triển thành án lệ cho tất cả tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm.

Bản án có giá trị tham khảo cao

Bản án trên (giữa một cá nhân và công ty bảo hiểm có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại VIAC) đã được công bố trên trang web về công bố bản án của TAND tối cao, nên có giá trị tham khảo cao cho các vụ việc có vấn đề tương tự. Ở đây, tòa án đã làm rõ một số vấn đề mà các bên trong hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ cần biết. 

Thứ nhất, thỏa thuận trọng tài chọn VIAC để giải quyết tranh chấp giữa một cá nhân Việt Nam và một doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam liên quan đến hợp đồng bảo hiểm là hợp pháp, vì phù hợp với Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Theo đó, “Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại” thuộc “giải quyết các tranh chấp của trọng tài”. Thứ hai, tòa án cấp phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án (trả lại hồ sơ) để các bên đưa tranh chấp ra trọng tài như đã thỏa thuận. Ở đây, nếu tòa án cấp phúc thẩm chỉ hủy bản án sơ thẩm mà không đình chỉ vụ án thì có thể một bên lại tiếp tục đưa tranh chấp ra tòa án để yêu cầu giải quyết. Ngược lại, nếu tòa án cấp phúc thẩm chỉ đình chỉ vụ án mà không hủy bản án sơ thẩm thì bản án sơ thẩm vẫn còn giá trị, ràng buộc các bên nên không thể đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài như đã thỏa thuận. Vì vậy, việc tòa án cấp phúc thẩm vừa hủy bản án sơ thẩm và vừa đình chỉ vụ án trả lại hồ sơ để các bên đưa tranh chấp ra trọng tài như đã thỏa thuận là thuyết phục. Thứ ba, trong vụ việc này, người mua bảo hiểm là cá nhân đưa tranh chấp ra tòa án (là nguyên đơn tại tòa án) và đã không được tòa án chấp nhận do có thỏa thuận trọng tài. Do đó, nếu người mua bảo hiểm là một doanh nghiệp và cũng làm tương tự là khởi kiện ra tòa án khi đã có thỏa thuận trọng tài thì hướng như nêu trên cũng cần được áp dụng (áp dụng cho cá nhân mua bảo hiểm thì cũng áp dụng cho cả doanh nghiệp mua bảo hiểm). Điều đó có nghĩa là tòa án cấp phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, trả lại hồ sơ để các bên đưa tranh chấp ra trọng tài giải quyết như đã thỏa thuận.

Tin cùng chuyên mục