Ngắc ngư vì heo chết, lúa bệnh

Dịch heo tai xanh bùng phát ở địa bàn xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh kéo dài hơn một tuần nay khiến hàng trăm con heo bị nhiễm bệnh chết hàng loạt và tiêu hủy. Cùng lúc, hàng trăm hécta lúa vụ xuân 2013 cũng đang “ngắc ngư” với bệnh đạo ôn hoành hành đẩy cuộc sống của người nông dân lâm vào cảnh lao đao.
Ngắc ngư vì heo chết, lúa bệnh

Dịch heo tai xanh bùng phát ở địa bàn xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh kéo dài hơn một tuần nay khiến hàng trăm con heo bị nhiễm bệnh chết hàng loạt và tiêu hủy. Cùng lúc, hàng trăm hécta lúa vụ xuân 2013 cũng đang “ngắc ngư” với bệnh đạo ôn hoành hành đẩy cuộc sống của người nông dân lâm vào cảnh lao đao.

  • “Méo mặt” vì heo tai xanh

Ổ dịch bệnh heo tai xanh bắt đầu bùng phát từ trước ngày 19-3, tại đàn heo 15 con 2 tháng tuổi của hộ ông Nguyễn Viết Duyên ở thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình. Mặc dù các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, bao vây khống chế, tuy nhiên dịch vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Ở thôn Đông Trung cho đến thời điểm này đã có 23 hộ dân với 283 con heo bị nhiễm dịch tai xanh chết, tiêu hủy. Nguy hại nhất là ổ dịch đang có dấu hiệu lây lan ra trên diện rộng, 2 hộ dân ở thôn Bắc Tiến liền kề cũng đã bùng phát dịch khiến 14 con heo bị nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy.

Cơ quan chức năng cân trọng lượng của đàn heo chết vì dịch tai xanh ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh để hỗ trợ nông dân.

Cơ quan chức năng cân trọng lượng của đàn heo chết vì dịch tai xanh ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh để hỗ trợ nông dân.

Những ngày này trên các ngả đường ở trung tâm xã Cẩm Bình dẫn về thôn xóm đâu đâu cũng thấy rắc vôi bột trắng xóa, nhiều trạm kiểm soát dịch di động được lập nên chóng vánh để đề phòng và ngăn ngừa nguy cơ dịch tràn sang các địa bàn lân cận. Nhiều người dân ở thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình cho biết, dịch heo tai xanh như cơn bão mạnh tràn về xã quá bất ngờ, không ai có thể nào kịp trở tay và vì thế mức độ tổn thất về kinh tế rất lớn. Hầu hết các gia đình trước khi chưa xuất hiện dịch đã “trót” đầu tư khoản vốn liếng lớn vào đàn heo này với kỳ vọng nó sẽ mang lại nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, giờ thì đổ bể hết cả rồi, bỗng chốc họ tay trắng tay mất rồi...

Được biết, toàn thôn Đông Trung có tổng đàn heo 747 con, bình quân mỗi hộ nuôi 15 - 35 con. Ngay sau khi bùng phát dịch, theo chỉ đạo của cấp trên, thôn đã phối hợp với lực lượng chức năng tập trung kiểm đếm cho tiêu hủy số heo an toàn, đảm bảo vệ sinh. Số còn lại tiêm vaccine tai xanh phòng bệnh và tiếp tục theo dõi để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhằm khống chế không để dịch lan ra diện rộng, huyện Cẩm Xuyên và Cơ quan thú y tỉnh Hà Tĩnh đã cấp gần 400 lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, hơn 4.000 liều vaccine tai xanh ở heo và cấp hơn 5 tấn vôi bột tập trung bao vây dập dịch ở 2 thôn liền kề. Ngoài ra, kịp thời hỗ trợ cho các hộ gia đình có heo phải tiêu hủy 38.000 đồng/kg, ký cam kết với người chăn nuôi về việc cấm buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo và các sản phẩm của heo ra khỏi địa bàn, thực hiện tốt các quy định liên quan đến phòng, chống dịch...

Theo một cán bộ UBND xã Cẩm Bình cho biết, nguyên nhân dẫn đến ổ dịch bệnh bùng phát ở xã này là do các mầm bệnh tai xanh từ những năm trước vẫn còn tồn dư lại, do việc giết mổ, buôn bán gia súc trôi nổi trên địa bàn với các tỉnh khác trong khu vực như Quảng Bình, Nghệ An…kiểm soát chưa được chặt chẽ nên mầm bệnh từ ngoài vào là khó tránh khỏi.

  • Lúa “ngắc ngư” vì bệnh đạo ôn

Trong khi dịch heo tai xanh đang rộ lên thì trên toàn địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Hà Tĩnh hàng trăm hécta lúa vụ xuân 2013 cũng đang đối mặt với bệnh dịch đạo ôn phát sinh, hoành hành ghê gớm gây thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng.

Đến thời điểm này số diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh đạo ôn tăng lên đột biến, gần 1.000ha. Bị nặng nhất là ở huyện miền núi Hương Sơn hơn 300ha, Cẩm Xuyên gần 200ha, Nghi Xuân gần 100ha, Thạch Hà 52ha, TP Hà Tĩnh 50ha, Đức Thọ 50ha, Lộc Hà 39 ha, Kỳ Anh 25ha… các giống nhiễm đạo ôn nặng chủ yếu là Xi23, NX30, IR35366, VTNA2, PC6, RVT, Sin6, nhóm X, Nhị ưu 838.... Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 164ha lúa bị chuột gây hại, trong đó 15ha bị hại nghiêm trọng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký công điện yêu cầu Sở NN-PTNT, chủ tịch UBND 12 huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, hướng dẫn bà con nông dân phát hiện kịp thời và phòng trừ bệnh đạo ôn, chuột hại lúa. Những địa phương nào không tập trung chỉ đạo để dịch tiếp tục xảy ra ảnh hưởng đến sản xuất phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh…

Tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này ngoài bùng phát ổ dịch bệnh heo tai xanh ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên thì ổ dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò cũng đã phát sinh, gây bệnh cho trên 130 con trâu, bò của hàng chục hộ dân ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh và xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc.

Dương Quang

Tin cùng chuyên mục