Ngẫm từ chuyện đề xuất đổi tên

Từ một hội thảo khoa học dẫn đến việc đề xuất đổi tên TP Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương đã thu hút sự quan tâm của dư luận, các học giả nghiên cứu về văn hóa, các nhà khoa học, lịch sử những ngày qua.

 Từ một hội thảo khoa học dẫn đến việc đề xuất đổi tên TP Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương đã thu hút sự quan tâm của dư luận, các học giả nghiên cứu về văn hóa, các nhà khoa học, lịch sử những ngày qua.

Vì sao bỗng dưng lại thích đổi tên một TP đã ổn định và phát triển nhiều năm qua? Lý do được đưa ra khá nhiều, như địa danh Phủ Lạng Thương hiện vẫn được tạc ghi trong hầu hết tài liệu văn tự quốc tế trong rất nhiều lĩnh vực địa lý, địa chất, khảo cổ, dân tộc học, sử học, văn học, hành chính... do các học giả nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học Pháp dày công xây dựng. Không chỉ là địa danh lịch sử, tên Phủ Lạng Thương đã trở thành những giá trị văn hóa đặc hữu, góp phần quan trọng vào việc khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tạo lập những sức mạnh vật chất để xây dựng quê hương Bắc Giang. 

Luận bàn thêm vấn đề này ở nhiều khía cạnh cuộc sống thì việc đổi tên chưa phải là cần thiết. Có nên hay không khi việc đổi tên từ TP Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương sẽ dẫn đến rất nhiều thay đổi rất phức tạp về quản lý hành chính, gây không ít phiền toái, tốn kém không ít tiền của của nhân dân và Nhà nước. Thay đổi một địa danh gắn liền với bao nhiêu sự thay đổi về quản lý hành chính của Nhà nước, từ bảng hiệu, tên đường, hàng chục loại giấy tờ của cá nhân, của tổ chức kinh tế, đơn vị kinh doanh, sẽ làm xáo trộn hầu hết mọi hoạt động của người dân. Đó là chưa kể sự bất hợp lý về địa giới hành chính, không phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi phủ là phủ, TP là TP. Cách đặt địa danh của người xưa (và cả của Nhà nước) ngoài các địa danh xuất xứ từ ngôn ngữ cổ của các dân tộc bản địa được bảo lưu, còn lại phần lớn là các mỹ tự được chọn, ghép lại thể hiện những khát vọng của người xưa về cuộc sống, xoay quanh sự phú quý, hưng thịnh, yên ổn, thanh bình (như Định, Yên, Bình, Hòa..). Mỗi một địa danh hình thành, ở ngay tự thân nó đều hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, lịch sử, lòng tự hào dân tộc hay khát vọng vươn lên. Từ đó cái tên tự nhiên đi vào lòng người, được người dân tự hào mỗi khi nhắc đến, khắc ghi, lưu giữ qua bao đời.

Cái tên Phủ Lạng Thương gắn với một thời phát đạt như một đô thị phát triển (đặc biệt là thời thuộc địa) của vùng trung du phía Bắc. Nó để lại ý niệm sâu sắc đối với lớp người cao tuổi và những người quan tâm đến di sản; được nhắc đến nhiều trong các thư tịch cổ và cận đại. Đánh thức những giá trị của quá khứ là việc chúng ta trân trọng nhưng phát huy những giá trị của di sản, của quá khứ như thế nào trong bối cảnh hiện tại, tuyên truyền giáo dục cho lớp trẻ ra sao để giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc chứ đâu chỉ phụ thuộc vào chuyện đổi một cái tên. Cứ vì phải bảo tồn văn hóa, bảo tồn di sản, cứ vì phải gìn giữ giá trị truyền thống mà đổi tên như những người khởi phát ý kiến này, nay mai sẽ có thêm hàng loạt địa phương đề xuất đổi tên, tỉnh nào cũng có lý do để đổi được, như Hà Nội thành Thăng Long hay Ninh Bình thành Hoa Lư… chẳng hạn?

Dù là Phủ Lạng Thương xưa hay TP Bắc Giang ngày nay, dẫu ở giai đoạn lịch sử nào, Bắc Giang cũng là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hiến. Những giá trị lịch sử, truyền thống hào hùng, những di sản văn hóa trên địa bàn vẫn nguyên giá trị và luôn được tôn vinh.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục