Ngăn chặn tin giả trên mạng xã hội - Bài 1: Tăng “đề kháng” với tin giả mạo

Tình trạng tin tức giả tràn ngập trên mạng xã hội hiện đã trở nên phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống con người, nhất là thời đại “mở mắt ra là sử dụng internet” ngày nay. 

Các tin tức giả ban đầu chỉ là đánh lừa người dùng để tiếp thị quảng cáo sản phẩm - dịch vụ, dần dần lôi cuốn hình thành những trào lưu “chém gió”, phong cách sống thời thượng, rồi đến đả kích nhau qua những fan club, thậm chí lôi kéo bằng những thông tin xấu, độc hại, đả kích chính quyền, xuyên tạc chủ trương của Đảng và Nhà nước. 

Các cơ quan chức năng thời gian qua đã tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin xấu, xuyên tạc sự thật; tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trước thông tin xấu… Tuy nhiên đây là cuộc chiến lâu dài giữa cái xấu và cái tốt khi thế giới ảo ngày càng phát triển, cuộc sống con người ngày càng lệ thuộc vào không gian mạng.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), Google thời gian qua đã ngăn chặn, gỡ bỏ được 4.466 video clip xấu độc trên trang YouTube theo yêu cầu của bộ. Từ đầu năm 2018, Google đã đồng ý cơ chế hạ nguyên kênh có nội dung vi phạm thay vì hạ từng clip như trước đây, theo đó, đã hạ 6 kênh. Facebook cũng gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

“Hàng giả” nhưng mục đính rõ ràng

Tình trạng tin tức giả mạo tràn ngập Facebook, Google, Twitter…, đặc biệt liên quan đến các sự kiện lớn, hiện nay không còn quá xa lạ. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science (Mỹ), các nhà nghiên cứu từ Đại học New York và Đại học Princeton phát hiện những người Mỹ trên 65 tuổi chia sẻ các bài báo đăng tải tin tức giả gấp gần 7 lần so với những người trong độ tuổi 18 - 29.

Tại Việt Nam, người tham gia mạng xã hội cũng ngày càng tiếp xúc nhiều với tin tức chưa được xác thực. Các thông tin gây chú ý nhất gần đây là hiện tượng bắt cóc trẻ em diễn ra ở nhiều địa phương, tuy nhiên, sau đó các thông tin này đều được khẳng định chưa chính xác. Vẫn còn nhớ, vào tháng 7-2017, dư luận xôn xao với thông tin vụ việc máy bay rơi tại sân bay Nội Bài, kèm theo ảnh nhốn nháo tại sân bay. Cùng thời điểm này, Hà Nội đang mưa rất to nên thông tin được lan truyền mạnh mẽ và nhiều người tin là thật. Nhưng đó là tin giả, họ đã đăng tải thông tin này để nhằm “câu like”, tăng lượt người theo dõi Facebook để phục vụ cho việc kinh doanh mỹ phẩm của mình… Trước đây còn có thông tin “Honda Việt Nam tặng 20 chiếc xe SH 150i cho khách hàng nhân kỷ niệm 20 năm ở Việt Nam” đã gây nên cơn sốt ở thế giới mạng xã hội, nhưng thực chất đó là tin “tào lao” để câu lượt theo dõi vào một trang mạng khác. Hay mới đây nhất còn có thông tin Phó chủ tịch Huawei đã trốn khỏi Canada cũng là “tin bịa”, được chia sẻ một cách chóng mặt trên các mạng xã hội và tin này xuất hiện ngay sau tin chính thức về vụ bắt giữ Phó chủ tịch Huawei. 

Trong những năm gần đây, tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên Facebook với đối tượng bị nhắm tới là cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đang bùng phát với chiều hướng ngày càng tăng về số lượng và đã trở thành vấn nạn chưa thể giải quyết của mạng xã hội này. Không chỉ người dùng cá nhân, quan chức nhà nước mà ngay cả các doanh nghiệp cũng bị đối thủ chơi xấu bằng những chiêu trò qua môi trường mạng. Trước đây có thông tin “Uống một loại nước giải khát gây ngộ độc, 17 học sinh nguy kịch” nhưng qua xác minh của cơ quan chức năng thì hoàn toàn không có việc đó… nhưng hậu quả là doanh nghiệp nước giải khát ấy phải đi khắp nơi để đính chính và tìm hiểu mới hay họ bị đối thủ bỏ tiền ra để chạy quảng cáo cho những tin dạng này, gây khó khăn càng lớn cho doanh nghiệp…

Ở không gian mạng, nhất là mạng xã hội, hàng ngày có hàng triệu tin bịa đặt, tin giả nhằm mục đích trục lợi, ý đồ thiếu trong sáng, thiếu tính xây dựng. Không chỉ vậy, các thông tin gồm hình ảnh hay clip cũng còn được dàn dựng, cắt xén với ý đồ bôi xấu, hạ uy tín… làm sai lệch bản chất thực của thông tin gốc cũng không thiếu. Số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hàng ngày. Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

Khó khăn vẫn phía trước

Năm 2018, trong công tác quản lý về thông tin điện tử, Bộ TT-TT nghiên cứu phương án rà soát, giám sát thông tin trên mạng, đồng thời tổng hợp các hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng. Triển khai một số giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm pháp luật tại Việt Nam (chủ yếu là đối với Facebook và Google). Facebook, Google đã phải thiết lập cơ chế xử lý riêng dành cho Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Phía bộ cũng cho biết sẽ hoàn thiện bộ tiêu chí nhận dạng Fake News (tin giả) dựa trên kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các giải pháp quản lý đối với Fake News tại Việt Nam. 

Thời gian qua, cần ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, đã tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Bộ TT-TT cũng thường xuyên chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, để từng người dân biết về những nguy cơ, tác động tiêu cực của mạng xã hội nước ngoài, từ đó có sự cảnh giác khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước vẫn nhận định: Việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và YouTube để chặn, mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm. Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin. Chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube. Việc xác định đối tượng vi phạm trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trên các mạng xã hội nước ngoài khi đối tượng vi phạm thường ẩn danh hoặc giả mạo người khác gây khó khăn trong công tác điều tra.

Các chuyên gia an ninh mạng của Bkav phân tích, bản chất của việc tin tức giả mạo tràn lan cũng tương tự như sự lây lan của virus máy tính, đó là tấn công vào sức đề kháng của người dùng. Phía Bkav khuyến cáo, người dùng mạng xã hội cần xây dựng cho mình khả năng “đề kháng” trước các thông tin giả mạo, bằng cách biết đặt ra nghi vấn, tốt hơn nữa là chủ động kiểm chứng khi nhận được thông tin từ nguồn không tin tưởng. Chính vì thế, nếu không trang bị được sức “đề kháng” tốt, gặp thông tin giả mạo người đọc sẽ dễ dàng tin tưởng, thậm chí còn chia sẻ mà không cần kiểm chứng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. 

Tin cùng chuyên mục