Ngân hàng kích cầu tiêu dùng qua thẻ tín dụng

Chưa bao giờ mở thẻ tín dụng và thanh toán bằng thẻ được nhiều ngân hàng ưu đãi như hiện nay. Khi xu hướng tiêu dùng “dùng trước, trả tiền sau” ngày càng phổ biến, các ngân hàng thương mại tích cực chạy đua phát hành thẻ để giành thị phần. 
Xu hướng sử dụng thẻ tín dụng để tiêu dùng ngày càng tăng. Ảnh: HUY ANH
Xu hướng sử dụng thẻ tín dụng để tiêu dùng ngày càng tăng. Ảnh: HUY ANH

Khách hàng: được lợi

Chị Minh Vy (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, mặc dù đã sở hữu 2 thẻ tín dụng nhưng chị vẫn mở thêm thẻ ở các ngân hàng khác để tranh thủ các ưu đãi. Đây cũng là xu hướng của nhiều bạn trẻ khi mà thanh toán bằng thẻ (từ trả tiền cà phê, xem phim đến đi mua sắm, đóng học phí…) đều được ưu đãi hoàn tiền từ 1% đến 5% trên các hóa đơn! Chi tiêu mà còn được thối lại và 3 - 4 tuần sau mới phải thanh toán các khoản đã “cà thẻ”, hiện là phong cách mua sắm tiết kiệm nhất mà người tiêu dùng hướng đến.

Anh Hoàng Hưng (quận 10) cho biết, chi tiêu qua thẻ tín dụng để tiết kiệm được chi phí, ngoài ra với hạn mức thẻ tín dụng 100 triệu đồng của nhiều ngân hàng, anh Hưng có thể vay gấp một khoản tiền qua thẻ giúp giải quyết nhu cầu tài chính khi cần mà không cần phải làm thủ tục vay, lại còn được miễn lãi suất trong 45 ngày.

“Điều lưu ý quan trọng khi sử dụng thẻ là luôn nhớ ngày đến hạn thanh toán trả cho ngân hàng, để không bị trả lãi suất và mất phí phạt trả chậm”, anh Hưng cho hay. 

Bên cạnh việc được hưởng ưu đãi, khuyến mại “khủng”, người sử dụng thẻ còn tiết kiệm được khá nhiều chi phí như miễn phí mở thẻ, miễn phí thường niên năm đầu. Thậm chí mới đây, Ngân hàng Quốc tế (VIB) vừa ra mắt dòng thẻ tín dụng VIB Zero Interest Rate - miễn lãi trọn đời cho mọi giao dịch chi tiêu thẻ. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, chính sách miễn lãi được áp dụng dài hạn suốt thời gian hiệu lực 5 năm của thẻ tín dụng, thay vì chỉ miễn lãi suất từ 45 ngày đến 60 ngày như các thẻ tín dụng khác trên thị trường.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại quốc doanh nhìn nhận, cuộc cạnh tranh các chương trình về thẻ tín dụng không nằm ngoài xu thế phát triển công nghệ đang diễn ra chóng mặt. Các ngân hàng buộc phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng tiện ích để thu hút khách. Qua đó thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngân hàng: tăng doanh thu  

Thực tế cho thấy, mảng kinh doanh thẻ nói chung và thẻ tín dụng nói riêng đã sớm được các ngân hàng thương mại đưa vào mảng kinh doanh chiến lược, nhất là các ngân hàng đang theo hướng phát triển ngân hàng bán lẻ. Ở nhiều ngân hàng, thẻ tín dụng đang là sản phẩm chủ đạo trong phân khúc khách hàng cá nhân. Qua thẻ, ngân hàng mở rộng thêm nhiều hoạt động dịch vụ khác như cho vay tiền mặt trong hạn mức thẻ, vay trả góp tiêu dùng…

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến quý 3-2018, số lượng thẻ tín dụng lưu hành tại Việt Nam đã tăng hơn 50% so với quý 3-2017, doanh số sử dụng cũng cao gấp rưỡi, lên hơn 2,2 tỷ USD, nhưng số lượng thẻ tín dụng chỉ đạt xấp xỉ 4,66 triệu thẻ, tức chưa đến 3% trong tổng số 147,3 triệu thẻ được phát hành. Dù vậy, nhìn vào sự tăng trưởng, thị trường thẻ tín dụng Việt Nam vẫn là mảnh đất nhiều tiềm năng, dư địa của thị trường thẻ tín dụng vẫn còn lớn và cuộc đua cạnh tranh thị phần trên thị trường này mới chỉ bắt đầu.

Tại VPBank, thu nhập phí từ thẻ tín dụng năm 2018 đạt gần 330 tỷ đồng, tăng 75% so 2017, tăng tỷ trọng đóng góp trong thu nhập dịch vụ của ngân hàng này lên 21%. Theo phân tích của các công ty chứng khoán, thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu nhập dịch vụ (trong đó có các loại phí từ thẻ), ước tính chiếm khoảng 27% tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank trong giai đoạn 2018-2020. 

Trong bối cảnh tín dụng không còn tăng trưởng cao như trước, việc các ngân hàng chuyển hướng sang phân khúc ngân hàng bán lẻ được xem là xu hướng để gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, giảm dần phụ thuộc vào tín dụng. Chính vì thế, theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong ngắn hạn, thu nhập dịch vụ của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Về dài hạn, không tính các khoản thu nhập bất thường, tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ trong thu nhập hoạt động của các ngân hàng sẽ tăng dần từ 8,6% năm 2018 lên 10% trong 2019 và 13,8% trong năm 2022.

Tin cùng chuyên mục