Ngân hàng ngại bong bóng bất động sản

Sau khi thị trường bất động sản (BĐS) ấm dần lên so với giai đoạn trước đây, tín dụng vào thị trường này ngày càng tăng trưởng mạnh.
Các ngân hàng hiện tập trung cho cá nhân vay mua nhà và hạn chế cho chủ đầu tư vay Ảnh: HUY ANH
Các ngân hàng hiện tập trung cho cá nhân vay mua nhà và hạn chế cho chủ đầu tư vay Ảnh: HUY ANH
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM quý 1-2017 cho thấy, trong tổng dư nợ của toàn TPHCM là trên 1,5 triệu tỷ đồng thì có 164.000 tỷ đồng cho BĐS, chiếm 10,88%. Trước cảnh báo thị trường BĐS có dấu hiệu “sốt” ảo, đặc biệt là đất tại các khu vực vùng ven trên địa bàn TPHCM, các ngân hàng hiện đang kiểm soát chặt hơn khi cho vay lĩnh vực này. 

Cẩn trọng với cho vay đầu cơ, lướt sóng


Trả lời câu hỏi về chủ trương cho vay BĐS hiện nay ra sao, nhiều ngân hàng thương mại tại TPHCM cho biết đang chủ động kiểm soát tín dụng vào BĐS để hạn chế rủi ro nợ xấu, nhất là trong thời điểm nhạy cảm, nhà, đất tăng giá cục bộ ở một số khu vực như hiện nay. Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước chi nhánh quận 7 cho hay, gần 2 tháng nay, số lượng khách hàng vay tiền mua nhà, đặc biệt là đất nền tại các khu vực huyện Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ tăng đáng kể. Tuy nhiên, chủ trương của ngân hàng là thận trọng giải ngân cho những trường hợp mua nhà, đất tại các khu vực tâm điểm “nóng” này, đặc biệt là các trường hợp giải ngân số tiền vay trên 5 tỷ đồng. “Những trường hợp này cho vay khá rủi ro vì đa số khách hàng vay để đầu cơ, lướt sóng trong thời điểm nhà, đất các khu vực này đang “sốt”. Thị trường có thể hạ nhiệt bất cứ lúc nào và khi đó hệ lụy là ngân hàng ôm chắc nợ xấu”, vị này cho hay.

Không chỉ nhà phố, đất nền mà ngay cả nhà tại các dự án ngân hàng cũng đã cho vay thận trọng hơn. OCB, ACB, VietBank là những ngân hàng trước nay vẫn đẩy mạnh cho vay mua nhà, nhưng hiện cũng chỉ tập trung phân khúc cho cá nhân vay mua nhà và hạn chế cho chủ đầu tư vay. Đại diện OCB cho biết, ngân hàng chỉ cho vay dự án căn hộ có mức giá phù hợp đối với khách hàng, vì phân khúc này không có gì đáng quan ngại về rủi ro do đa số trả lãi vay bằng lương. Mặc dù vậy, hiện OCB cũng xem xét kỹ đầu ra của các dự án đó cũng như giá bán có hợp lý hay không mới quyết định cho vay. Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank, cho biết trong 3 tháng đầu năm, tín dụng BĐS cho vay mua nhà của Vietcombank tăng trưởng khoảng 30% nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù room tín dụng cho vay BĐS của Vietcombank hiện còn khá lớn nhưng theo ông Thắng, ngân hàng chỉ tập trung đẩy mạnh cho khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở, không cho vay kinh doanh BĐS, đặc biệt là đất nền. “Ngân hàng không có chủ trương cung ứng vốn tín dụng cho các chủ đầu tư dự án. Việc cho cá nhân vay mua nhà cũng chỉ triển khai ở các dự án mà ngân hàng có liên kết, những dự án có đầu ra tốt để hạn chế rủi ro nợ xấu”, ông Thắng cho hay. 

Ám ảnh nợ xấu


Thực tế cho thấy, sau khi NHNN loại bỏ BĐS ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất và dỡ bỏ mức khống chế cho vay từ năm 2012 đến nay, thị trường BĐS đã ấm lên đáng kể. Đến năm 2015, theo thống kê của Hiệp hội BĐS TPHCM, thị trường BĐS bùng nổ cả về giá cũng như về giao dịch thành công. Với xu hướng đó, từ trước Tết Nguyên đán 2017 đến nay, thị trường BĐS đã có các cơn “sốt” đất nền. Về cơn sốt đất tại TPHCM hiện nay, một số ngân hàng cũng cho biết, thời gian gần đây có hiện tượng tiền tiết kiệm được đổ qua kênh BĐS. Trong đó, không ít trường hợp đã thế chấp tài sản để vay đầu cơ vào đất nền, nhà phố để “lướt sóng”.

Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết việc rót vốn vào lĩnh vực BĐS của các ngân hàng thương mại được tiến hành rất chặt chẽ và thận trọng nhằm đảm bảo nguồn vốn an toàn, hiệu quả, tránh rủi ro nợ xấu. Theo ông Minh, các ngân hàng thẩm định hồ sơ vay rất kỹ dựa trên bảng giá đất do TP ban hành, áp dụng ổn định trong vòng một năm chứ không cho vay trên giá đất khi thị trường trong cơn sốt. “Bài học về tăng trưởng tín dụng nóng vào BĐS giai đoạn 2007 - 2010 còn nguyên giá trị. Gánh nặng nợ xấu thời điểm đó đã và đang còn gây áp lực về xử lý cho ngành ngân hàng nên hiện các ngân hàng không đẩy vốn ồ ạt vào lĩnh vực này, vì rất ngại bong bóng BĐS”, ông Minh cho hay. 

Một chuyên gia trong ngành tài chính ngân hàng cũng cho rằng, nợ xấu ngân hàng tăng cao trong những năm trước chủ yếu tập trung lĩnh vực BĐS nên các ngân hàng cũng đã cẩn trọng hơn. Theo vị này, không chỉ trong thời điểm sốt đất gây nhiều rủi ro, mà ngay Thông tư 06 của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu năm 2017, đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống còn 50% và điều chỉnh tỷ lệ rủi ro kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%. Trong khi đó, tín dụng BĐS có thời hạn khá dài nên những ngân hàng đã đụng trần tỷ lệ này sẽ phải cân nhắc, lựa chọn dự án cho vay. 
Hiện không ít các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay mua nhà tại các dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Để hạn chế rủi ro cho những người mua nhà ở hình thành trong tương lai, cần làm rõ 3 vấn đề: Đánh giá hiện trạng thị trường BĐS, đặc biệt là tại TPHCM đang sốt giá có khả năng bong bóng hay không; làm thế nào để người mua nhà nhận được nhà và được cấp giấy chủ quyền; tránh tình trạng một nhà bán cho nhiều người hoặc dự án đó đã được chủ đầu tư đem thế chấp cho ngân hàng

                           Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM  

Tin cùng chuyên mục