Ngăn nạn chó thả rông

Bị chửi bới, ném đá
Ngăn nạn chó thả rông

Hàng ngày, xe của đội bắt chó thả rông rong ruổi khắp địa bàn TPHCM để bắt chó, nhằm khắc phục tình trạng người nuôi thả chó ra đường phóng uế bừa bãi và cắn người gây nguy cơ lây lan bệnh dại. Cùng đi theo đội bắt chó thả rông, chúng tôi chứng kiến cảnh vất vả và nghẹt thở của những người làm việc khó khăn này.

Người dân mang chó đến tiêm phòng bệnh dại.

Người dân mang chó đến tiêm phòng bệnh dại.

Bị chửi bới, ném đá

Vào nghề gần 2 năm, anh Nam đã trở thành một tài xế “quái kiệt” trong việc điều khiển xe rượt đuổi chó, các thao tác của anh rất linh hoạt, chính xác và bất ngờ. Đến khu bàn cờ quận Tân Phú, xe quẹo vào các đường nhỏ. Bắt gặp 2 con chó thả rông trên đường Hiền Vương, anh Nam liền gõ thùng xe. Nghe tiếng “cốp, cốp” quen thuộc vang lên, các anh Quới và Na lập tức nhảy xuống xe. Như đánh hơi được mối đe dọa, hai con chó bỏ chạy hai hướng. Anh Nam liền cho xe đuổi theo một con chó đang chạy phía trước. Chó chạy rất nhanh, liên tục quẹo sang nhiều con đường trong khu bàn cờ. Nhiều giao lộ, nhiều người và xe, anh Nam vẫn giữ vững tay lái, lúc nhanh lúc chậm đuổi theo con chó đang chạy quanh. Anh Nam kể: “Chạy xe trong khu dân cư này rất căng thẳng, bởi có rất nhiều ngã tư, nếu không phản xạ nhanh dễ gây tai nạn”. Chạy mệt, cuối cùng con chó cũng phải dừng lại. Anh Quới, anh Na lại nhảy xuống. Nhanh như cắt, chỉ 3 giây, con chó đã bị thòng lọng quấn đưa lên thùng xe.

Xe tiếp tục vào khu dân cư khác, mới quẹo vào đầu đường Đồng Đen, những người bán quán nước, xe ôm trông thấy đã vội vàng báo động: “Xe bắt chó đến!”. Nhiều người dân lập tức chạy ra ngoài, cuống quýt lùa những con chó đang thả rông vào nhà. Anh Nam cho biết, những khi bị người dân cảnh báo cho nhau, đội phải sang địa bàn khác. Bởi nếu cố gắng chạy xe đuổi theo cũng không bắt được con nào.

Anh Quế, một người đã thành lão làng trong nghề, nhớ lại: “Tụi tôi ngán nhất là đi ngoại thành. Công việc này chính là để lo vệ sinh phòng dịch cho dân nhưng lại thường xuyên bị người dân ném đá, cầm cây rượt đánh. Có lần xuống quận 2, chúng tôi bắt được một con chó chạy rông trên đường, rồi đi tiếp. Bỗng nhiên có 2 thanh niên chở nhau trên xe máy, cầm theo một cây kiếm bóng loáng đuổi theo. Tụi tôi phải báo cho tài xế tăng tốc chạy vào đồn công an gần đó. May chạy kịp, chứ nếu không kịp chắc tiêu quá!”. Trong đội, anh Quới là người bị nhiều thương tích nhất, với những vết sẹo đầy trên tay. Anh không nhớ được đã bao nhiêu lần bị thương tích, chỉ kể rằng tháng nào cũng có. Anh Na cũng có nhiều vết sẹo trên người, chỉ vào vết theo dài trên mí mắt, anh nhớ lại: “Lần đó, khi đang vây bắt chó, tôi chạy vấp đụng phải người dân bị té rách mí mắt, phải khâu nhiều mũi”.

Xây dựng ý thức

Đội bắt chó thả rông có 5 người, công việc của ai cũng nguy hiểm. Tài xế có nhiệm vụ tăng tốc khi truy đuổi chó và khi bị người ta truy đuổi mỗi khi bắt được chó. Còn đội trưởng cầm máy quay phim ghi lại cảnh bắt chó làm bằng chứng và giải thích, trình bày về công việc khi bị dân phản ứng. Các đội viên luôn phải trực tiếp đối mặt hiểm nguy. Ngay cả chiếc xe bắt chó cũng nhiều lần bị bể kính chiếu hậu, kính chắn gió, móp hông xe do bị ném đá. Công việc đã gian nan, vất vả lại còn khá nhiều phiền lụy.

Bác sĩ Huỳnh Hữu Thọ, Trưởng phòng Chống dịch - kiểm dịch động vật, chia sẻ: Nếu giao nhiệm vụ bắt chó thả rông cho từng địa phương thực hiện sẽ rất khó khăn. Chó bắt về phải có chuồng nuôi để chăm sóc. Do vậy, lâu nay, các phường xã khi phát hiện có chó dại đều báo đội bắt chó thả rông của TP xuống bắt, do đã được đào tạo chuyên nghiệp.

Tại nhiều khu dân cư, nạn chó thả rông khiến cư dân rất khốn khổ vì chó phóng uế bừa bãi, có khi cắn người, hoặc có khi còn gây tai nạn giao thông do chó phóng bừa qua đường. Nhiều người bức xúc, nhưng những người nuôi chó thiếu ý thức vẫn bỏ ngoài tai. Thế nên việc quản lý ngăn chặn nạn chó thả rông là cần thiết, vừa là biện pháp cưỡng chế vừa để xây dựng ý thức cho cư dân đô thị khi nuôi chó, đây cũng là hoạt động để giữ vệ sinh môi trường. Tại các cuộc họp tổ dân phố, nhiều cư dân đồng tình với việc phải quản lý chó, mèo. Việc yêu cầu người nuôi chó, mèo đăng ký quản lý chó, mèo để được cấp sổ ghi rõ màu lông, loài nào, giống đực hay cái…, ghi rõ việc tiêm phòng. Quản lý chặt chẽ chó, mèo ở đô thị là giải pháp hiệu quả để có thể giảm được các bệnh dại, sán chó, viêm da… từ phân chó.

Nên quản lý việc nuôi chó, mèo ở khu dân cư

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt kế hoạch đưa chó, mèo vào diện bị quản lý nhằm khống chế, loại trừ bệnh dại. Theo tôi, quy định này hoàn toàn đúng đắn và khả thi. Thật ra đây là việc các nước đã làm từ lâu, tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia, Philippines… đều đã thực hiện. Bình quân mỗi năm có đến nửa triệu người trên thế giới bị chó cắn, trong số đó đã có không ít trường hợp chết oan uổng do bị bệnh dại truyền từ chó thả rông.

Nơi tôi đang sinh sống là khu dân cư quy hoạch bài bản, đông đúc nhưng lại có nhiều hộ nuôi vẫn cứ thả rông chó, mèo ra đường phố, khiến lề đường bị phóng uế mất vệ sinh, mọi người có nhiều nguy cơ bị chó cắn. Đi bộ, đi dạo bị chó đuổi, đi xe máy cũng bị chó đuổi. Nhiều người phải nhập viện, tiêm phòng nhiều ngày vì bị chó cắn, nhưng chủ của nó không chịu trách nhiệm. Chó còn cắn nhau gây náo loạn suốt đêm.

Quy định về việc chó, mèo phải đăng ký để quản lý là đúng và tốt cho công tác phòng bệnh, phòng dịch và cũng là để người dân có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Cần có quy định rõ ràng để người nuôi phải ý thức rõ trách nhiệm của mình với con vật mình nuôi. Cần phải quản lý thật chặt việc nuôi chó, đặc biệt nuôi chó trong khu dân cư đông đúc, nơi có nhiều trẻ em...

Hạ Uyên (TP Tam Kỳ, Quảng Nam)

Hải Thanh

Tin cùng chuyên mục