Ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, gây tổn thương với các em, thậm chí, nhiều em phải làm mẹ trước khi làm người lớn.
Thực trạng này do tổng hòa nhiều nguyên nhân đan xen như tình trạng bất bình đẳng, tác động của đói nghèo, hệ thống chính sách và pháp luật chưa đầy đủ, nhất là thực thi pháp luật chưa nghiêm minh và nhất quán. Rồi nhận thức của cộng đồng, những chuẩn mực xã hội và văn hóa đang dung thứ cho bạo lực, xâm hại trẻ em; đầu tư cho công tác bảo vệ trẻ em vẫn còn rất khiêm tốn và chưa được xem là ưu tiên.
Bên cạnh đó, là sự thiếu vắng đội ngũ nhân viên xã hội chuyên nghiệp ở cấp cơ sở, trong khi các chương trình phòng ngừa và can thiệp, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân vẫn còn hạn chế cả số và chất lượng. Vì thế, cần một giải pháp toàn diện và đồng bộ với sự cam kết chính trị mạnh mẽ, bền bỉ cùng sự tham gia của toàn xã hội một cách đích thực.
Cả nước hiện có đến 18 cơ quan, ban, ngành, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em. Đây là thực tế và về mặt “lượng” đã thể hiện sự quan tâm, tham gia của nhiều bộ, ban ngành liên quan. Nhưng nhiều người dân vẫn không hài lòng về hiệu quả bảo vệ trẻ. Việc đáp ứng của xã hội nói chung hay của các tổ chức, đơn vị trước vấn đề bạo lực và xâm hại trẻ em thời gian dài qua vẫn biến động theo tình hình mà thiếu tính hệ thống, chuyên nghiệp và bền vững.
Cần có thời gian, quan trọng hơn hết là cam kết và nỗ lực thật sự để nâng phần chất sao cho tương ứng. Cụ thể, phải rà soát và kiện toàn bộ máy sao cho tinh gọn và hiệu quả thay vì theo kiểu phong trào; cần một đội ngũ nhân sự tâm huyết vì trẻ em với năng lực chuyên môn tương thích; phát triển hệ thống dịch vụ từ phòng ngừa, can thiệp đến hỗ trợ phục hồi mang tính toàn diện và liên tục, dĩ nhiên ngày càng đi vào chuyên nghiệp. Các chương trình truyền thông cũng cần được đánh giá để có những đổi mới, cải thiện cụ thể nhắm đến dỡ bỏ những rào cản về quan niệm, hình thành những hiểu biết và hành vi phù hợp trong bảo vệ trẻ em của cả cộng đồng và từng cá nhân, đáp ứng mạnh mẽ, dứt khoát với các thái độ và hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.
Người dân nên hành động như thế nào để bảo vệ con em mình, hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ và khi phát hiện các dấu hiệu bị xâm hại tình dục, cần ứng xử ra sao? Các chương trình hay hoạt động về bảo vệ trẻ em cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là với gia đình, phụ huynh và chính trẻ em. Khuyến khích mọi người lên tiếng tố giác khi phát hiện trẻ em bị bạo hành hoặc xâm hại dưới mọi hình thức.
Việc hỗ trợ cha mẹ và chính trẻ em để có những hiểu biết và kỹ năng phòng vệ, ứng phó với những nguy cơ bị xâm hại là rất quan trọng, cần được tiến hành bài bản, phù hợp và hiệu quả hơn. Cũng cần giúp mọi người dân hiểu rõ có nhiều hình thức xâm hại trẻ em từ tinh thần, tình cảm, thể chất đến bỏ mặc trẻ em, xảy ra ở mọi nơi và đều gây ra những tác động tiêu cực lâu dài với trẻ em.
Thời gian qua, UNICEF và Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng có nhiều hoạt chăm sóc, hỗ trợ trẻ em. Luật Trẻ em mới ban hành (2016) là cơ hội để cải thiện tình hình trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực và đây cũng là chủ đề của tháng hành động vì trẻ em năm nay. UNICEF Việt Nam cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình thực hiện Luật Trẻ em và Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020.
UNICEF ưu tiên các nỗ lực nhằm củng cố các hệ thống bảo vệ trẻ em về phúc lợi, giáo dục, y tế, tư pháp để phòng ngừa và ứng phó với tất cả các hình thức bạo lực đối với trẻ em. UNICEF cũng sẽ thúc đẩy, huy động xã hội và truyền thông thay đổi hành vi để cải thiện thái độ, giá trị, niềm tin và các chuẩn mực xã hội đối với trẻ em.

Tin cùng chuyên mục