Ngành cá tra Việt Nam: Coi chừng thua trên sân nhà

Mỗi năm mất 300 - 400 triệu USD
Ngành cá tra Việt Nam: Coi chừng thua trên sân nhà

Ngành cá tra Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 20 năm qua. Trong lúc các cơ quan quản lý, chính quyền, doanh nghiệp và nông dân đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và loay hoay tìm giải pháp thì một số doanh nghiệp nước ngoài đang “lăm le” nhảy vào ngành sản xuất mũi nhọn này. Đây là mối nguy lớn, nếu không tổ chức lại sản xuất thì khó tránh khỏi “thua trên sân nhà”!

Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đang hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.

Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đang hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.

Mỗi năm mất 300 - 400 triệu USD

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đang nhích lên, hiện ở mức 23.500 - 24.000 đồng/kg nhưng người nuôi không có cá để bán. Trong khi đó, Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP),  do thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm đóng cửa 1 số nhà máy và ngừng ký hợp đồng xuất khẩu mới với khách hàng từ tháng 11-2013. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX thủy sản Ô Môn (TP Cần Thơ), phản ánh: So với năm 2012, sản lượng cá tra hiện nay giảm rất mạnh, ít nhất 40%; đặc biệt cá gần đến lứa thu hoạch còn rất ít vì đa số người nuôi cá đã kiệt vốn sau thời gian thua lỗ”. Cùng nhận định, bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, nói: “Rất buồn khi chứng kiến những hộ có tên trong danh sách Hiệp hội cá tra Việt Nam nay phải bỏ ao, nuôi cá khác hoặc đi buôn lúa”. Theo số liệu khảo sát, tại các địa phương ở ĐBSCL, từ nay đến quý 1-2014, sản lượng cá tra nguyên liệu phục vụ xuất khẩu sẽ giảm 40% - 50%. Như vậy, ngay khi thị trường cần, giá cả thuận lợi thì doanh nghiệp và nông dân không có cơ hội hưởng lợi…

Ông Nguyễn Văn Kịch, Phó Chủ tịch VASEP, Tổng Giám đốc công ty Cafatex cho rằng: Chính việc không kiểm soát được sản lượng đã dẫn tới thất bại, vì đây là ngành sản xuất siêu lợi nhuận nên mạnh ai nấy làm. Doanh nghiệp, nhà máy đua nhau mọc lên, sản lượng cá tra tăng đột biến, rất khác biệt về chất lượng, không xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng để quản lý. Từ đó dẫn đến hệ lụy là hiện nay Việt Nam mỗi năm mất 300 - 400 triệu USD từ việc không kiểm soát, quản lý được giá xuất khẩu cá tra. Nhìn thẳng vào thực tế khách quan thì chính doanh nghiệp, cơ chế, chính sách đã đẩy nông dân ra khỏi ngành cá tra”.

Nguy cơ lợi ích nhóm và mối lo “từ bên ngoài”

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ Nguyễn Minh Thạnh nói: Phải xác định đúng nút thắt của ngành cá tra để sớm tháo gỡ chứ cứ nói cho có hoài sẽ càng rối. Theo tôi, ngành cá tra có 2 công đoạn lớn: nuôi và thu mua chế biến xuất khẩu. Với công đoạn nuôi thì không vướng nhiều, người nuôi hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Vướng mắc hiện nay ở công đoạn thu mua chế biến xuất khẩu. Tại sao trước đây giá xuất khẩu 4 USD/kg, giờ chỉ còn từ 1,6 đến dưới 2 USD/kg?”. Trong tình hình “lộn xộn” của ngành cá tra hiện nay, theo ông Thạnh phải xem xét lại ý kiến cho rằng xuất khẩu theo yêu cầu thị trường. Vừa qua có những thị trường rất xấu, thậm chí phá đám, chỉ có lợi cho vài doanh nghiệp trong một thời điểm mà thôi. Nếu làm theo hết thì sẽ giết chết ngành cá tra. Phải sớm xác định đây là ngành sản xuất có điều kiện và có chính sách, quy định rõ ràng.

Ông Nguyễn Văn Kịch nói: “Nếu kiểm soát sản lượng thì vấn đề được giải quyết. Sản xuất vừa phải, không thừa thì nhà máy phải tìm nông dân, không có chuyện chiếm dụng vốn của nông dân. Khi đó, doanh nghiệp sẽ chủ động kiểm soát giá cả trên thị trường thế giới. Câu chuyện thực tế từ con cá hồi ở Na Uy đã minh chứng điều này”. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: Hiệp hội cá tra Việt Nam nên sớm giúp Chính phủ ban hành nghị định, chính sách về ngành cá tra. Thủ tướng giao trách nhiệm các bộ ngành trung ương, cùng địa phương tổ chức thực hiện. Không có “công cụ” thì địa phương không thể quản lý được”.  Thông tin từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhiều khả năng đầu năm 2014 nghị định về cá tra sẽ được ban hành, áp dụng. Tuy nhiên, lại xuất hiện thêm mối lo mới. Quan trọng là thông tư hướng dẫn làm sao phải loại bỏ “lợi ít nhóm”. Đây cũng là mối lo của các địa phương, các doanh nghiệp và nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL.

Chưa dừng lại ở đó, ngành cá tra Việt Nam còn đang đối mặt nguy cơ thua trên sân nhà! Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần XNK Thủy sản Cần Thơ, lo ngại: Hiện đã có một số doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào lĩnh vực này. Đây là mối lo vì các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn vốn lớn, ổn định, tốt hơn chúng ta. Do vậy vấn đề tổ chức lại sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là rất cần thiết. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay của nông dân và doanh nghiệp là vấn đề vốn. Các ngân hàng ngày càng siết chặt định mức, hạn mức cho vay. Thiếu vốn thì không thể nào ổn định và phát triển lâu dài được”.

Bà Đặng Thị Tường (hộ nuôi cá tra ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ) kêu cứu đến UBND TP Cần Thơ cùng các ngành chức năng nhờ can thiệp để sớm giúp người dân lấy được tiền bán cá tra. Theo bà Tường, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Sông Hậu đang nợ hơn 40 hộ nuôi cá ở Ô Môn trên 60 tỷ đồng nhiều tháng qua nhưng không trả. Dân đến đòi thì công ty này (vừa thay đổi giám đốc) yêu cầu kiếm ông giám đốc cũ mà đòi. “Bức xúc, chúng tôi đưa đơn lên Sở KH-ĐT thì công ty cam kết trả 20% nợ vào ngày 15-9, còn 80% số nợ họ hẹn tới tết mới trả. Không có tiền làm sao chúng tôi trả lãi ngân hàng, tiền thức ăn và tái đầu tư?”, bà Tường nói.

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục