Ngành cơ khí đang “hụt hơi”

Ngành cơ khí đặt mục tiêu đến năm 2035 phát triển với đa số chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu đạt 45% tổng sản lượng. Tuy nhiên, hàng loạt điểm nghẽn hiện hữu đang khiến ngành này khó đạt mục tiêu như kỳ vọng.
Một doanh nghiệp cơ khí tại quận 8, TPHCM, đầu tư dây chuyền tự động sản xuất bình xăng con xe máy để cạnh tranh với hàng nhập lậu. Ảnh: DŨNG LÊ
Một doanh nghiệp cơ khí tại quận 8, TPHCM, đầu tư dây chuyền tự động sản xuất bình xăng con xe máy để cạnh tranh với hàng nhập lậu. Ảnh: DŨNG LÊ

Tăng trưởng thiếu bền vững

Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, ngành cơ khí còn là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) trong nước, đảm bảo khả năng tham gia sâu của nền kinh tế vào mảng sản xuất và phân phối toàn cầu, giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững và dài hạn.

Trong những năm qua, thông qua các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đối với ngành, đặc biệt là cơ khí trọng điểm đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Theo đánh giá của Bộ Công thương, dù gặp nhiều khó khăn, song số lượng DN ngành cơ khí có tăng nhanh, từ khoảng 10.000 (năm 2010), lên hơn 21.000 DN vào năm 2016, chiếm 28% tổng số DN công nghiệp chế biến chế tạo, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động, chiếm 17% tổng số lao động trong ngành.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 13 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy. Nếu tính cả sắt thép các loại, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cơ khí của Việt Nam đạt trên 16 tỷ USD. Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu, nhưng nay từng bước đã được thay thế nhờ DN làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ tự động hóa cao, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế.

Mặc dù ngành cơ khí Việt Nam đạt được một số thành tựu, nhưng nhìn chung vẫn còn khá nhiều điểm nghẽn. Đơn cử, tuy ngành khá đa dạng về sản phẩm nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Việc mở rộng thị trường còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh.

Ngay tại thị trường nội địa, DN cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị ngành thép, hóa chất, năng lượng… chủ yếu do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, ngành có rất ít phát minh, sáng chế được đăng ký, thiết bị và trình độ công nghệ còn chậm đổi mới. Các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. “Đây chính là vòng luẩn quẩn trong mục tiêu phát triển của ngành cơ khí Việt Nam”, đại diện Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (Vami) thẳng thắn nhìn nhận.

Vị đại diện này cho rằng, hiện nay hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để bảo vệ người tiêu dùng trong nước trước hàng nhập khẩu có chất lượng không phù hợp. Hay nguồn nguyên phụ liệu cho ngành cơ khí chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu, nhưng đa số DN trong nước chưa sản xuất được, buộc phải nhập khẩu. Trong khi đó, nội tại lại chưa có chính sách hợp lý để khuyến khích sử dụng nguyên phụ liệu DN trong nước làm ra; từ đó nâng dần tỷ lệ nội địa hóa và thu mua nguyên phụ liệu trong nước.

Cần có chính sách khuyến khích đầu tư

Trước những điểm nghẽn đang khiến ngành cơ khí nước nhà phát triển ì ạch, thiếu bền vững và có nguy cơ khó bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giới chuyên gia cho rằng, trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí giai đoạn đến năm 2035, cần lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm, thay vì làm một lúc nhiều chủng loại sản phẩm. Như thế mới có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Nên tập trung xem xét lại một số sản phẩm cơ khí trọng điểm, vừa có thị trường vừa có cơ sở vật chất để phát triển và được hưởng những chính sách ưu tiên đặc biệt. Đơn cử như ngành đóng tàu biển, ô tô buýt, ô tô khách và xe tải nhẹ 5 tấn…”, nguyên Chủ tịch Vami Nguyễn Văn Thụ đề nghị.

Ông Thụ cũng cho rằng, để ngành cơ khí phát triển nhanh và bền vững, vai trò của nhà nước hết sức quan trọng, có tác động, nuôi dưỡng bằng cách tạo đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí. Chính phủ cần có hệ thống chính sách đồng bộ từ vốn, quy hoạch, lựa chọn sản phẩm có sức cạnh tranh đến việc kết hợp kinh tế - quốc phòng; không đầu tư tràn lan và không theo quy hoạch phát triển chung của quốc gia.

Đồng quan điểm trên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (Veam) Hồ Mạnh Tuấn nêu ý kiến, cần có chính sách khuyến khích đầu tư nhưng tập trung vào những DN sản xuất đạt quy mô công nghiệp, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ, không đầu tư dàn trải như trước. Trong giai đoạn đầu, có thể ưu tiên lĩnh vực chế tạo nguyên liệu đầu vào như sản phẩm đúc, rèn và thép chế tạo, giúp trong nước có thể chủ động về nguyên liệu và tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Chủ tịch Vami Đào Phan Long cho rằng, để xây dựng và bảo vệ được ngành cơ khí nội địa phát triển cũng như bảo vệ thị trường trong nước trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, cần nhanh chóng hình thành một cơ quan để giúp Chính phủ thống nhất quản lý và phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ khí. Học tập các nước có hàng rào kỹ thuật, chính sách khuyến khích sản xuất không vi phạm các cam kết tự do thương mại. Hạn chế tối đa nhập khẩu công nghệ và thiết bị cơ khí lạc hậu trong thời kỳ tự do thương mại. Bên cạnh đó, đổi mới chính sách khoa học công nghệ, kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với ngành cơ khí của đất nước.

Tin cùng chuyên mục