Ngành cơ khí gặp khó trước hội nhập

Tiềm lực yếu, cộng thêm cạnh tranh ngày càng gay gắt, đang đẩy ngành cơ khí bước vào giai đoạn mới với hàng loạt khó khăn, trong đó có nguy cơ mất dần đơn hàng khi bước sâu vào ngưỡng cửa hội nhập.
Ngành cơ khí gặp khó trước hội nhập

Tiềm lực yếu, cộng thêm cạnh tranh ngày càng gay gắt, đang đẩy ngành cơ khí bước vào giai đoạn mới với hàng loạt khó khăn, trong đó có nguy cơ mất dần đơn hàng khi bước sâu vào ngưỡng cửa hội nhập.

Mất dần lợi thế

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam sẽ gặp thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh với các đối tác nước ngoài. Bởi trên thực tế, hiện nay đa phần DN cơ khí Việt Nam vẫn là loại hình nhỏ, vốn ít, nên rất khó cạnh tranh được với các DN nước ngoài. Chưa kể, các đối tác trong TPP đều là những nước có nền kinh tế phát triển, do đó, chuẩn mực sản phẩm cũng cao hơn. Họ đưa ra những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, tiến độ giao hàng, trong khi đó các DN cơ khí Việt Nam quen với lối làm việc cũ nên khó có thể đáp ứng được.

Sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại một doanh nghiệp ở quận 7, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tính đến nay, tất cả DN cơ khí Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc gia công cho đối tác nước ngoài, nhưng nguyên liệu lại hầu như nhập khẩu 100%. Đây là cái khó, bất lợi cho các DN cơ khí Việt Nam khi thiếu vắng ngành luyện kim để cung cấp nguyên liệu cho ngành cơ khí. Đơn cử, Việt Nam hiện chưa có nhà máy sản xuất phôi thép - đầu vào chủ lực của cơ khí. Do đó, nếu có một đơn hàng và trong nước có sẵn nguyên liệu thì chỉ mất 15 ngày sau là có thể có sản phẩm xuất khẩu; còn nếu phải nhập khẩu nguyên liệu thì phải 82 ngày sau mới có hàng. Chỉ riêng khoảng chênh lệch tiến độ giao hàng, các DN trong nước đã “mất điểm” trong mắt khách hàng. Chưa kể, khi phải nhập khẩu nguyên liệu, giá thành của mỗi sản phẩm cũng bị đẩy lên cao, càng khó cạnh tranh với các đối tác. Bên cạnh đó, DN trong nước thường có thói quen “ăn xổi ở thì”, được chăng hay chớ, không tập trung đầu tư vào chiều sâu, phát triển lâu dài, bền vững nên cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội. Động thái gần đây, khi các tập đoàn lớn nước ngoài thực hiện phép thử bằng những đơn hàng rất nhỏ, không giới thiệu màu mè, hoa mỹ, nhưng DN trong nước thường bỏ qua là một ví dụ điển hình. Để đến hôm nay, hậu quả để lại là các đối tác không chọn DN Việt Nam mà đang chuyển hướng dần sang Indonesia, Thái Lan, đặc biệt là Ấn Độ với các chi phí nhân công rất rẻ và nguồn nguyên liệu dồi dào.

“Để vào được chuỗi sản xuất của họ phải mất ít nhất 3 năm. Ban đầu họ thường đặt hàng những lô rất nhỏ, sau đó tăng dần lên. Đến năm thứ ba, thứ tư trở đi mới bắt đầu đặt đơn hàng chính thức. Cũng có thể suốt 3 năm không đặt vì mình không đủ tiêu chuẩn. Nhưng khi mình đáp ứng được yêu cầu của họ, được tham gia chuỗi liên kết toàn cầu thì không còn lo thiếu việc làm nữa”, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) Lê Văn Tuấn phân tích. Tuy nhiên, nhược điểm lâu nay của DN trong nước là chưa chú trọng đến yếu tố “tâm lý khách hàng” và không xây dựng được hệ thống quản trị DN tốt, dẫn đến chất lượng sản phẩm không ổn định, đánh mất lòng tin của khách hàng.

Quản trị phải chuyên nghiệp

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMA) Nguyễn Văn Thụ cho biết, đến thời điểm này, mặc dù đơn đặt hàng cho ngành cơ khí chế tạo không thiếu, nhưng các DN nếu không biết cách tổ chức lại sản xuất vẫn sẽ bị thua. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều đối tác láng giềng cũng như những DN trong các FTA đã và đang ký kết có nhiều lợi thế cạnh tranh đã chủ động thu hút các nhà đầu tư, dẫn đến DN nội địa gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào chuỗi thị trường cạnh tranh. Theo đó, trước hết DN phải nhận thức, xây dựng được hệ thống ổn định, chuyên nghiệp. Tiếp đó, phải làm cho người lao động nắm rõ vấn đề này, để mỗi công nhân hiểu được rằng nếu họ làm tốt sẽ có công ăn việc làm, lương cao, còn nếu không sẽ bị mất việc. Có như vậy, cơ hội được tham gia chuỗi liên kết toàn cầu, trở thành bạn hàng của DN nước ngoài sẽ tăng cao.

“Thực tế cho thấy, tham gia TPP, DN có lợi về mặt thuế suất để có điều kiện hạ giá thành, nhưng để đối tác nước ngoài đặt hàng thì đòi hỏi hệ thống quản trị chất lượng phải đảm bảo”, đại diện VAMA đánh giá. Đơn cử, ở lĩnh vực ô tô, cơ hội mở ra khi Việt Nam gia nhập TPP là rất lớn, nhưng nhìn từ góc độ khác, việc giảm thuế nhập khẩu về mức 0% sẽ là một thách thức không nhỏ đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng. Bởi nếu DN không có chiến lược phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu linh phụ kiện từ các nước thành viên để đảm bảo tỷ lệ 45% có xuất xứ nội khối. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ về linh phụ kiện ô tô hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài, còn ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn “giậm chân tại chỗ”. Bên cạnh đó, khi giá xe nhập khẩu giảm xuống, người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua xe nhập khẩu nguyên chiếc hơn là mua xe được sản xuất, lắp rắp trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM, với những tồn tại hiện hữu, khi hội nhập sâu, đặc biệt là TPP sắp tới, trước tiên DN cơ khí trong nước nên tham gia làm hàng gia công chế tạo cho nước ngoài, sau đó học hỏi, tiếp cận dần và làm chủ công nghệ, tiến tới tự mình chủ động sản xuất cung cấp cho các nhà lắp ráp và kinh doanh; đặc biệt trong khâu quản trị phải chuyên nghiệp hóa ở mọi công đoạn. Về phía Nhà nước, cần có một hệ thống chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Đồng thời, lựa chọn đầu tư xây dựng phát triển một số sản phẩm cơ khí trọng điểm đủ sức cạnh tranh quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục