Ngành điện góp phần xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), ngành điện đã kéo trụ điện, dây điện tới từng hộ dân ở vùng sâu vùng xa để có thể sinh hoạt, đồng thời phục vụ sản xuất; nhờ vậy đã giúp địa phương từng ngày phát triển kinh tế và “lột xác” so với khi chưa xây dựng NTM. Không ngừng nâng cao tiêu chí điện trong xây dựng NTM. 

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), xung quanh kế hoạch của ngành điện về phát triển NTM.

Ngành điện góp phần xây dựng nông thôn mới ảnh 1 Ông Phạm Quốc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM
Phóng viên: Năm 2018 cũng là năm tổng kết 3 năm (2016-2018) thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong những năm qua EVNHCMC đã thực hiện tiêu chí điện như thế nào?

Ông Phạm Quốc Bảo: Thực hiện theo chương trình xây dựng các xã trên địa bàn TPHCM theo mô hình NTM, EVNHCMC đã không ngừng khắc phục các khó khăn, trở ngại để đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống điện, sớm hoàn thành tiêu chí số 4 về điện nông thôn cho tất cả 56 xã ở TPHCM. Nhờ sự hỗ trợ từ các địa phương, ngành điện đã thực hiện 100% chương trình điện khí hóa nông thôn. Lưới điện được phủ kín đến các vùng ngoại thành, thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, đem lại nhiều lợi ích cơ bản và lâu dài, góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo của khu vực ngoại thành trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới. 

Tuy vậy, ngành điện vẫn còn gặp khó khăn như một số khu vực hộ dân sinh sống chưa có đường giao thông, xung quanh là hệ thống kênh rạch chằng chịt; hộ dân sinh sống rải rác, không tập trung… nên ngành điện phải đầu tư dàn trải với khối lượng lưới điện và chi phí đầu tư lớn. Đối với các hộ dân sống ven sông, kênh rạch, ngành điện gặp khó khăn trong việc thỏa thuận hướng tuyến, vị trí trồng trụ điện do vướng hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.

Thời gian qua, ngành điện không chỉ giúp người dân sinh hoạt, sản xuất công nghiệp mà còn phục vụ hiệu quả trong nông nghiệp. Thời gian tới, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển, ngành điện có kế hoạch như thế nào để phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao?

EVNHCMC đã lập kế hoạch đẩy mạnh đầu tư, phát triển thêm các trạm biến áp 110/22kV, hệ thống lưới điện và trạm biến áp phân phối, song song với việc đầu tư hiện đại hóa lưới điện để nâng cao chất lượng cung ứng điện trên địa bàn thành phố; trong đó đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo cung cấp điện ổn định cho người dân tại các khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa và các xã đảo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sinh hoạt.

Hơn nữa, ngành điện cũng đang phát triển năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, do quỹ đất của thành phố hạn chế nên việc phát triển điện mặt trời không khả thi đối với các nhà máy điện có công suất lớn, chiếm nhiều diện tích đất, mà chủ yếu tập trung theo hướng phát triển ứng dụng hệ thống pin mặt trời cho các tòa nhà (hộ gia đình, chung cư, trung tâm hành chính của thành phố…). Do đó, trong thời gian qua EVNHCMC đã tăng cường tuyên truyền, làm việc với các nhà cung cấp để có chính sách hỗ trợ, khuyến khích khách hàng đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái.

Riêng tại khu vực ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ), đối với vài hộ dân chưa được sử dụng điện qua lưới điện quốc gia, EVNHCMC đã cấp điện thông qua hệ thống pin năng lượng mặt trời, đảm bảo cấp điện phục vụ sinh hoạt cho tất cả các hộ dân sinh sống và hành nghề sản xuất muối khu vực này. Hoặc đối với các hộ dân sinh sống rải rác trong rừng phòng hộ, chưa có cơ sở hạ tầng (đường bờ bao, bờ ruộng…) để có thể phát triển lưới điện, EVNHCMC đã lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để cấp điện, đảm bảo ổn định sinh hoạt cho các hộ dân này.

Ngành điện góp phần xây dựng nông thôn mới ảnh 2 Nhờ kéo điện tới vùng sâu vùng xa nên nông dân có thể áp dụng công nghệ để nuôi tôm thuận lợi
Thời gian tới, EVNHCMC có thực hiện kế hoạch ngầm hóa điện trung thế, hạ thế để chỉnh trang xây dựng NTM?

Để từng bước cải tạo hệ thống lưới điện, dây thông tin trên địa bàn thành phố nhằm góp phần xây dựng các tuyến đường văn minh, sạch đẹp và đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị, ngành điện đang thực hiện 2 chương trình lớn. Một là chương trình chỉnh trang dây thông tin trên trụ điện. Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt về mỹ quan đô thị, khắc phục được tình trạng dây thông tin như mạng nhện chằng chịt thời gian qua.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành điện đã và đang tiếp tục rà soát, thực hiện tiếp việc chỉnh trang dây thông tin trong các tuyến hẻm, khu chung cư và phấn đấu hoàn tất chỉ tiêu chỉnh trang toàn bộ dây thông tin trên địa bàn TPHCM trong năm 2019. Song song với việc thực hiện chương trình chỉnh trang dây thông tin, ngành điện đang thực hiện chương trình thứ hai là trình chương trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin.

Vừa qua, UBND TPHCM đã nâng cao tiêu chí điện là đến năm 2020 phải đạt tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn là 100%. EVNHCMC nhận định và thực hiện như thế nào?

Để ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện cho nhân dân trên địa bàn 5 huyện; đồng thời, phấn đấu tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí số 4 về điện, trong các năm tiếp theo, EVNHCMC đã thu xếp vốn để thực hiện các công trình phát triển trạm điện, hoàn thiện lưới điện nhằm giảm bán kính cung cấp điện để nâng cao hiệu quả sử dụng, đảm bảo an toàn và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Tin cùng chuyên mục